Nuôi dê bán chăn thả - hướng đi nhiều triển vọng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Bắc Kạn
Tạo sinh kế từ việc nuôi dê bán chăn thả Vũ Muộn là một trong những xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Điều kiện tự nhiên của xã tương đối đặc thù với địa hình núi cao, mùa đông thường khắc nghiệt hơn so với các địa phương khác.
Do điều kiện tự nhiên đặc thù nên việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp luôn được chính quyền và các ngành chuyên môn đặc biệt quan tâm, khích lệ động viên và hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật. Là hộ dân có kinh nghiệm nuôi dê bán chăn thả hơn chục năm nay, chị Đinh Thị Tứ (thôn Choóc Vẻn, xã Vũ Muộn) cho biết, trước đây gia đình chủ yếu nuôi thả dê tại khu vực núi cao. Thế nhưng, những năm gần đây, người dân phát triển trồng rừng nhiều nên diện tích chăn thả bị thu hẹp, gia đình đã chuyển sang nuôi dê bán chăn thả. Theo chị Tứ, nuôi bán chăn thả giúp việc chăm sóc đàn dê được tốt hơn do kịp thời bổ sung thức ăn, theo dõi tình hình dịch bệnh. Với đàn dê hơn 60 con, chị Tứ xuất bán được từ 30 đến 40 con dê thịt thu về được hơn 70 triệu đồng mỗi năm. Trên cơ sở các mô hình nuôi dê bán chăn thả đã thành công tại xã Vũ Muộn, nhận thấy đây là hướng đi nhiều triển vọng, năm 2023, chính quyền địa phương đã định hướng, hỗ trợ người dân phát triển đàn dê từ nguồn vốn của Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn, từ đó khắc phục khó khăn, nâng cao thu nhập cho người dân. Là người được cấp phát dê từ dự án hỗ trợ sản xuất, với 7 con dê ban đầu, sau một năm gia đình chị Nông Thị Thơm, thôn Trung Tâm, xã Vũ Muộn đã sở hữu đàn dê 14 con. Chị Thơm chia sẻ, ở Vũ Muộn dù xung quanh bao bọc bởi rừng nhưng lại chủ yếu là rừng đặc dụng, rừng tự nhiên, phòng hộ, rừng sản xuất rất ít nên việc phát triển kinh tế hộ gia đình gặp nhiều khó khăn, bởi vậy khi được nhà nước giúp đỡ cấp phát dê từ dự án, chị rất phấn khởi. "Việc nhà nước hỗ trợ dê cho các hộ nghèo đã góp phần giúp người dân có sinh kế. Nuôi gà nuôi lợn đầu tư nhiều hơn nuôi dê. Nuôi dê thức ăn chủ yếu là các loại lá cây có sẵn trong tự nhiên nên khi được hỗ trợ dê giống thì đầu tư thức ăn không nhiều, nhất là lại không phải đối ứng. Ngoài cỏ tự nhiên, thi thoảng gia đình cũng cho ăn dặm thêm ngô, đây cũng là những thứ gia đình trồng được. Dê cũng dễ bán, không khó về đầu ra. Về bệnh của dê thì chúng tôi cũng được hỗ trợ thông qua tập huấn. Trên này núi cao, lạnh nên vào mùa đông dê cũng hay bị bệnh nên việc được tập huấn kỹ thuật, phát hiện và chữa trị bệnh cho đàn dê giúp chúng tôi rất nhiều trong quá trình chăm sóc đàn dê của mình", chị Thơm cho biết thêm. Từng bước giúp người dân thoát nghèo Giống như chị Thơm, chị Đinh Thị Ân, thôn Choóc Vẻn, xã Vũ Muộn cũng đang sở hữu đàn dê hơn 40 con. Chị Ân cũng là một trong những hộ được hỗ trợ dê giống từ chương trình dự án hỗ trợ sản xuất của Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn. Chị Ân nhận định, các chương trình hỗ trợ sản xuất phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi rất thiết thực. Người dân được hưởng lợi nhiều từ những chương trình dự án mà điển hình là dự án nuôi dê mà chị và bà con địa phương đang thực hiện. Nuôi dê bán chăn thả - hướng đi nhiều triển vọng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Bắc Kạn- Ảnh 4. Theo những người nuôi dê bán chăn thả ở xã Vũ Muộn, khí hậu, thổ nhưỡng, diện tích đồi núi đá rộng và có nhiều khe nước nên rất thích hợp chăn nuôi dê. Bản tính dê là giống ưa sạch, núi đá càng cao, càng tách biệt dê càng phát triển mạnh. Nhờ những lợi thế đó, người nuôi dê chỉ cần bỏ vốn ban đầu mua con giống, còn quá trình phát triển dê chủ yếu dựa vào đồi núi, thức ăn là từ cây cỏ tự nhiên. Tại xã Vũ Muộn, phần lớn người dân đều nuôi dê theo hình thức bán chăn thả. Những hộ nghèo, khó khăn về nguồn vốn được hỗ trợ con giống thông qua chương trình hỗ trợ sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã góp phần giúp người dân nơi đây có sinh kế ổn định. Theo thống kê của Hội Nông dân xã Vũ Muộn, toàn xã hiện có hơn 30 hộ nuôi dê với tổng đàn dê trên 700 con, tập trung chủ yếu tại các thôn Choóc Vẻn, Tốc Lù, Còi Có. Trong 30 hộ nuôi dê của xã có 11 hộ được hỗ trợ từ dự án, đàn dê đều đang phát triển tốt, có thu nhập ổn định. Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đinh Quang Duy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vũ Muộn, huyện Bạch Thông nhấn mạnh, với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất mà cụ thể là mô hình nuôi dê, qua đánh giá ban đầu cho thấy nhiều hiệu quả. "Với dự án này, các hộ thực hiện dự án không phải đối ứng, chỉ nhận và chăm sóc đàn dê được cấp phát, do đó cũng có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên cái khó hiện nay là đất rừng sản xuất ít, nhiều hộ dân đã quy hoạch để trồng cây ăn quả, trồng rừng nên diện tích chăn thả cũng dần bị thu hẹp. Chính bởi đó mà mô hình nuôi dê bán chăn thả lại rất phù hợp", ông Duy cho biết thêm. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Vũ Muộn, để hỗ trợ người nông dân phát triển chăn nuôi dê một cách bền vững, chính quyền địa phương đã phối hợp với ngành liên quan tổ chức mở lớp tập huấn kiến thức về khoa học kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh trên đàn dê; hỗ trợ nguồn vốn để người dân đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng đàn. Với những điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi dê, nghề nuôi dê núi bán chăn thả tại xã Vũ Muộn của huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn được đánh giá là hướng đi phù hợp và đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân còn nhiều khó khăn trên địa bàn xã, giúp thoát nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Theo CHIẾN HOÀNG/ DÂN VIỆT |
- Nuôi chim quý hiếm dễ như nuôi gà, một người Sóc Trăng có thu nhập 15-25 triệu/tháng
- Đặc sản Cà Mau, rau dại, hoa rừng thành món ngon, nếm một miếng, vạn người mê
- Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm
- Nuôi con động vật đặc sản được săn lùng, nhóm thanh niên ở Thái Nguyên thu nhập 100 triệu/tháng
- Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây
- Tiên phong làm chủ công nghệ, nâng tầm đàn bò Việt
- Nuôi tôm theo tiêu chuẩn Global GAP, doanh nghiệp hưởng lợi, nông dân lãi lớn
- Trồng "cây tiền tỷ" xen canh trong vườn cà phê, ai ngờ ông nông dân hái bán quả ngon, thu tiền tỷ/năm
- Trồng cây ăn quả nhàn tênh nhờ hệ thống tưới tự động
- Đây là 2 kiểu nuôi tôm, nuôi cá ở một huyện của Kiên Giang, nhà nào làm theo đều khá giả hẳn lên