Vật nuôi mới lạ, lông ánh màu than, đẻ đều, đẻ khỏe giúp một nông dân Hà Tĩnh có của ăn của để
Ngan là vật nuôi đang được nhiều hộ dân ở Hà Tĩnh lựa chọn để phát triển kinh tế nhờ thời gian nuôi ngắn và thu nhập ổn định. Tuy nhiên, bà con nông dân đang chăn nuôi ngan chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, sử dụng giống ngan địa phương năng suất thịt thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi ngan sinh sản, áp dụng các biện pháp kỹ thuật về chuồng trại, thức ăn, chăm sóc nuôi dưỡng và phòng bệnh trong chăn nuôi hộ gia đình. Năm 2024, Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương thuộc Viện Chăn nuôi triển khai Dự án "Sản xuất thử nghiệm ngan RT tại một số tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ" đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt. Để triển khai mô hình, Trung tâm đã chọn hộ có đủ điều kiện về chuồng trại, có vị trí phù hợp, điều kiện chăn nuôi ngan đen và có nguyện vọng tham gia mô hình nuôi ngan sinh sản để tạo nguồn con giống chất lượng phục vụ chăn nuôi của địa phương. Tại Hà Tĩnh, gia đình ông Nguyễn Văn Hào, thôn Hòa Bình, xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà là hộ được lựa chọn thực hiện mô hình này. Tham gia mô hình nuôi ngan đen, gia đình ông Nguyễn Văn Hào được hỗ trợ 400 con ngan giống RT 1 ngày tuổi (trong đó có 300 con mái, 100 con trống), một số vật tư thiết yếu như thức ăn tinh, vắc xin phòng bệnh và hoá chất để tiêu độc khử trùng. Con giống đảm bảo khoẻ mạnh, có độ đồng đều cao, được tiêm phòng các loại vắc xin theo quy định. Với kinh nghiệm chăn nuôi vịt đẻ nhiều năm, quá trình triển khai đã giúp ông Nguyễn Văn Hào tiếp cận, nắm bắt nhanh hơn được quy trình kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng. Sau hơn 26 tuần, tỷ lệ nuôi sống trên 90%, khối lượng cơ thể ngan trống 4,5-4,8kg, ngan mái 2,4-2,6kg. Ông Hào đã lựa chọn được 200 con mái, 50 con trống đưa vào sinh sản. Hiện tại, đàn ngan đã đẻ đều đạt gần 80%, ông Hào lắp đặt máy ấp trứng cho cho ấp nở phục vụ ngan giống cho thị trường. Ông Nguyễn Văn Hào, cho biết: "Tham gia mô hình, chúng tôi được tập huấn kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi ngan sinh sản, sử dụng thuốc thú y, vắc-xin đầy đủ theo nguyên tắc "4 đúng" nên đạt hiệu quả phòng ngừa bệnh cao. Đáng mừng là đến nay đàn ngan đen đã đẻ đều, sản lượng trứng một ngày đạt hơn 160 quả, đủ để đưa vào lò ấp trứng cho ấp nở ngan con, dự kiến sẽ có con giống cung cấp nuôi thương phẩm trong tháng tới". Từ mô hình nuôi ngan đen RT sinh của gia đình ông Nguyễn Văn Hào, thôn Hòa Bình, xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh đang có nhiều triển vọng, nhân rộng các hộ nuôi trên địa bàn. Ảnh: PV Giống ngan RT có nhiều đặc tính ưu việt như: thời gian nuôi ngắn, tăng trọng nhanh, trọng lượng to, thịt ngon, ngọt, thơm, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Giống ngan này do Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương thuộc Viện Chăn nuôi lai tạo từ dòng ngan R41 nhập nội và ngan Trâu bản địa (Việt Nam), có đặc điểm ngoại hình lúc 1 ngày tuổi toàn thân màu đen, cổ vàng chiếm gần 96%. Lúc ngan trưởng thành toàn thân màu đen, đốm trắng ở cổ và đầu. Năng suất trứng đạt trung bình 112 quả/mái/năm, tỷ lệ trứng có phôi đạt hơn 96%. Để chuyển giao thành công mô hình nuôi ngan RT sinh sản tại Hà Tĩnh Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn của huyện Thạnh Hà và Công ty CP Nguyệt Quang (Hà Tĩnh) hướng dẫn các hộ dân xây dựng chuồng trại, tập huấn kỹ thuật để các hộ tham gia nắm bắt được quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, phòng trừ dịch bệnh, đảm bảo ngan phát triển tốt và kết hợp với một số doanh nghiệp trên địa bàn để tiêu thụ sản phẩm. Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Hữu Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Thắng, cho biết: "Xác định phát triển kinh tế nâng cao đời sống cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua. Chính quyền địa phương đã tích cực phối hợp với các đơn vị triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án cụ thể, trong đó mô hình chăn nuôi ngan sinh sản bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Kết quả bước đầu đạt được là tín hiệu đáng mừng để người dân có thêm sự lựa chọn trong phát triển nghề chăn nuôi trên địa bàn, góp phần nâng cao thu nhập và xây dựng nông thôn mới". "Trong bối cảnh chăn nuôi gia cầm nói chung, chăn nuôi ngan nói riêng đang gặp nhiều khó khăn như giá con giống, thức ăn ở mức cao; giá bán sản phẩm, đầu ra không ổn định, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Việc triển khai mô hình sẽ góp phần giúp bà con nông dân chủ động được nguồn giống, quản lý được quy trình chăn nuôi, từ đó ổn định sản xuất và phát triển chăn nuôi bền vững", ông Trần Hữu Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Thắng, cho hay. Theo NGUYỄN HOÀN/ DÂN VIỆT |
- ‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi
- Triển vọng mô hình trồng rau quả không dùng đất
- Giống gà tre do một anh nông dân Tiền Giang kỳ công lai tạo, nhân giống khiến cả làng phục lăn
- Tay ngang làm nông nghiệp, thanh niên 9X thành 'trùm' ốc nhồi
- Nuôi con đặc sản hiền khô, "bơi đủng đỉnh", một chị nông dân Long An bắt bán 50.000 đồng/kg
- Nuôi loài thú vốn là con động vật hoang dã "nhát như cáy", ông nông dân Phú Yên giàu hẳn lên
- Nuôi vịt công nghệ cao mỗi năm lãi 600 triệu đồng
- Trồng na Thái bền vững trên đất dốc, thắng ngay vụ quả bói
- Nuôi tôm siêu thâm canh ở Trà Vinh kiểu gì mà dân xúc lên toàn con bự, tiền lời cao gấp 7-10 lần?
- Nuôi gà đen bản địa ngày càng hiệu quả