Giống sắn xua tan nỗi ám ảnh bệnh khảm lá
Bệnh khảm lá , nỗi ám ảnh của cây sắn Theo ông Võ Ngọc Châu, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Pa (Gia Lai), sắn (mì) là một trong những cây trồng chủ lực của nông dân huyện này với diện tích hơn 26.000ha. Từ năm 2018, cây sắn ở Krông Pa đã bị bệnh khảm lá uy hiếp. Để giảm thiệt hại, năm 2021, ngành chức năng huyện Krông Pa đưa giống sắn KM94 vào trồng được 88.000ha. Tiếp đến, năm 2022, ngành chức năng huyện Krông Pa tiếp tục đưa giống sắn mới kháng bệnh khảm lá HN5 vào trồng thay thế các giống cũ được 40ha, đến năm 2023, diện tích giống sắn HN5 tăng lên khoảng 250ha. Tuy nhiên theo ông Châu, giống sắn HN5 dù kháng bệnh khảm lá rất tốt nhưng không giữ giống được lâu. Sắn ở Krông Pa thường thu hoạch đại trà vào tháng 2 hằng năm, đến tháng 4 tháng 5 mới trồng lại vụ mới vì lệ thuộc vào thời tiết. Nhưng giống sắn HN5 để đến 2 - 3 tháng sẽ bị khô, khi trồng cho năng suất kém so với giống cũ. Các giống cũ tuy bị nhiễm bệnh khảm lá nhưng để lâu không bị khô giống nên bà con vẫn sử dụng.
Cũng theo ông Châu, khi cây sắn đã nhiễm bệnh khảm lá thì năng suất sẽ giảm dần. Ví như năng suất sắn ở Krông Pa trước đây đạt 40 tấn/ha thì đến năm 2024 chỉ còn 20 tấn/ha. “Chúng tôi mong muốn các nhà khoa học nghiên cứu, nhân được các giống sắn vừa kháng được bệnh khảm lá, vừa cho năng suất và có hàm lượng tinh bột cao để cây sắn ở Krông Pa không còn bị ám ảnh bởi bệnh khảm lá, cho hiệu quả kinh tế cao”, ông Võ Ngọc Châu đề xuất tại hội nghị tham quan, đánh giá các tiến bộ kỹ thuật phục vụ sản xuất do Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (ASISO) tổ chức vừa qua. Tại Bình Định, cây sắn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh này. Sắn không chỉ phục vụ chế biến thực phẩm mà còn là nguyên liệu cho chăn nuôi, công nghiệp và xuất khẩu. Từ năm 2020, bệnh khảm lá bắt đầu xuất hiện rải rác trên địa bàn Bình Định và diễn biến ngày càng phức tạp. Hằng năm có hàng trăm ha sắn bị nhiễm bệnh, mất năng suất, gây thiệt hại kinh tế không nhỏ cho nông dân. Không chỉ ở Gia Lai hay Bình Định mà bệnh khảm lá cũng diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh Duyên hải miền Trung. Thế nên việc nhân giống sắn mới kháng được bệnh khảm lá là nhiệm vụ cấp bách của các nhà khoa học, trong đó có các nhà khoa học của ASISO.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, bệnh khảm lá sắn do virus gây ra, lây lan chủ yếu qua môi giới là bọ phấn trắng và hom giống nhiễm bệnh. Nếu cây bị nhiễm virus sớm có thể làm giảm 60 - 90% năng suất. Từ năm 2018, Việt Nam đã nhập và nghiên cứu, chọn được 6 giống sắn kháng bệnh từ Colombia và châu Phi, trong đó 3 giống HN1, HN3, HN5 đã được nhân rộng tại một số địa phương, tuy nhiên tốc độ nhân giống còn khá chậm so với nhu cầu thực tế. Từ thực tế trên, những năm qua, ASISO đã dành nhiều thời gian cho các công đoạn tuyển chọn giống mới, nghiên cứu các giải pháp nhân nhanh giống và khẳng định bằng mô hình sản xuất thương phẩm nhằm tạo ra giống sắn mới không chỉ kháng được bệnh khảm lá mà còn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hết lo bệnh khảm lá Sau 2 năm trồng thí điểm thương phẩm 4 giống sắn nhập nội, 3 giống sắn được lai cải tiến trong nước và một số giống đối chứng trên diện tích 10ha, ASISO đã xác định được giống sắn HN1 có nhiều ưu điểm vượt trội, nhất là kháng được bệnh khảm lá cấp 1. Nghĩa là cây sắn HN1 hầu như không bị ảnh hưởng bởi virus gây bệnh khảm lá; năng suất củ tươi đạt 34,4 tấn/ha (so với năng suất trung bình tại tỉnh Bình Định năm 2022 là 27,3 tấn/ha); hàm lượng tinh bột đạt 25,1%. Theo Thạc sỹ Lê Đức Dũng, Phó Bộ môn Rau, hoa và cây cảnh thuộc ASISOV, năm 2023, ASISO tiếp tục nhân nhanh giống sắn HN1 bằng kỹ thuật nhân hom 2 mắt để tạo ra số lượng hom giống lớn phục vụ cho việc trồng 10ha mô hình trồng sắn thương phẩm trong năm 2024 tại 3 địa phương có diện tích sắn lớn của tỉnh Bình Định là xã Bình Tân (huyện Tây Sơn), xã Mỹ Tài (huyện Phù Mỹ) và xã Hoài Hảo (thị xã Hoài Nhơn). Đây là bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống bệnh khảm lá trên cây sắn.
“Mô hình trồng sắn thương phẩm với giống HN1 tại các địa phương nói trên đã cho kết quả khả quan. Năng suất giống sắn HN1 cao hơn giống KM94, hàm lượng tinh bột tương đương nhau”, Thạc sỹ Lê Đức Dũng chia sẻ. Một chuyến công tác tại huyện Tây Sơn, chúng tôi được tận mắt nhìn thấy những cây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá héo úa tại xã Bình Tân được trồng bên cạnh ruộng sắn HN1 nổi bật với bộ lá có màu xanh đậm tươi tốt, thân cây cao vút, khỏe mạnh, lá sum suê. Nhổ thử một số bụi sắn HN1 để so sánh, chúng tôi thấy những bụi sắn giống HN1 có củ to, dài, da láng mịn, mỗi cây có từ 5 - 10 củ. Đây là sự khác biệt với các bụi sắn bị nhiễm bệnh khảm lá đang trồng bên cạnh, nhổ lên chỉ có 3 - 4 củ, củ thì vừa nhỏ nhỏ vừa ngắn. Đặc biệt, khi bẻ đôi củ sắn giống HN1 thấy phần thịt trắng ngà, chắc mịn, biểu hiện củ sắn HN1 cho hàm lượng tinh bột cao. Là một trong những nông dân đầu tiên được tiếp cận giống sắn HN1, bà Trần Thị Nhàn ở xã Bình Tân (huyện Tây Sơn) cho hay: “Vụ trước, vườn sắn nhà tôi thiệt hại nặng vì bệnh khảm lá, nay nhìn rẫy sắn giống mới này xanh tốt, tôi mừng vô kể. Nông dân chúng tôi rất kỳ vọng vào giống sắn mới kháng bệnh khảm lá này, hi vọng từ nay về sau không còn những vụ sắn thất thu nữa”. Theo TS Vũ Văn Khuê, Phó Viện trưởng ASISOV, giống sắn HN1 thể hiện ưu thế vượt trội với thân thẳng, mắt dày. Nhờ đó, số lượng hom thu được nhiều hơn, đáp ứng tốt nhu cầu nhân giống nhanh. Thành công của nghiên cứu không chỉ góp phần giải quyết bài toán về bệnh khảm lá trên cây sắn mà còn mở ra hướng phát triển bền vững cho cây trồng này.
“Quy trình nhân nhanh giống sắn sạch bệnh bằng phương pháp nhân chồi, hom giống của chúng tôi đạt tiêu chuẩn và sạch bệnh khảm lá. ASISOV cũng nghiên cứu hoàn thiện các quy trình nhân cây con ở giai đoạn trong nhà lưới; nhân giống giai đoạn chuyển tiếp từ nhà lưới ra ngoài đồng ruộng”, TS Vũ Văn Khuê, Phó Viện trưởng ASISOV chia sẻ. Thời gian tới, ASISOV tiếp tục nghiên cứu về sự ảnh hưởng của mật độ và phân bón đối với năng suất và chất lượng của giống sắn đã chọn. Việc nghiên cứu tuyển chọn thành công các giống sắn mới có khả năng kháng bệnh khảm lá, chống chịu tốt với các bệnh khác cũng như cho năng suất, chất lượng cao, sẽ góp phần ổn định sản xuất và tăng thu nhập cho người dân ở các vùng trồng sắn chính của tỉnh Bình Định nói riêng, ngành sắn cả nước nói chung. “Giống sắn HN1 có thể giúp nông dân tăng lợi nhuận trên 10% so với sử dụng các giống cũ đang nhiễm bệnh khảm lá nặng. Đặc biệt, giống sắn mới này vẫn phát triển tốt ngay cả khi trồng xen với cây nhiễm bệnh. Đồng thời, giống sắn HN1 còn có thể dùng làm thực phẩm tươi từ củ đến lá - một đặc tính hiếm có ở các giống sắn cao sản”, TS Vũ Văn Khuê, Phó Viện trưởng ASISOV chia sẻ. Theo VŨ ĐÌNH THUNG/ NNVN |
- Giống lúa TBR97 lần đầu chinh phục vùng đất Chư Don
- Giống nghệ N8 củ sai bện vào nhau, năng suất 26 - 33 tấn/ha
- Bảo tồn giống bưởi cơm của xứ Mường
- Nuôi trồng nấm nhộng trùng thảo không sử dụng nhộng tằm
- Chọn tạo được giống sắn có thể đạt năng suất 60 - 70 tấn/ha
- ản xuất VietGAP, cây ăn quả phục hồi tốt sau mưa lũ, cho năng suất cao
- Vì sao chuyên gia khuyến cáo nông dân nên sử dụng hài hòa giữa thuốc BVTV hóa học và sinh học?
- Nuôi vịt, chăm lợn bằng điện thoại thông minh
- Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha
- Nông dân phải thấy được lợi ích từ sản xuất hữu cơ