Triển vọng mô hình trồng rau quả không dùng đất
Theo thỏa thuận ký kết giữa UBND tỉnh Sơn La và Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - Bộ NN-PTNT), mô hình trồng rau quả không dùng đất được triển khai thí điểm tại Sơn La. Đây là mô hình thuộc dự án “Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai” được triển khai thực tại Khu Nghiên cứu ứng dụng - Chuyển giao tiến bộ Khoa học công nghệ Mộc Châu thuộc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp - Đổi mới sáng tạo Sơn La (Sở KH-CN tỉnh Sơn La). Dự án do chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO).
Theo đó trong năm 2024, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp - Đổi mới sáng tạo Sơn La và Viện Nghiên cứu Rau quả triển khai thử nghiệm 3 mô hình trồng cây không dùng đất (giá thể xơ dừa, hệ thống thủy canh, hệ thống tưới) trên diện tích hơn 1.600m² nhà màng hiện đại. Mô hình thí điểm nằm ở tiểu khu Chiềng Đi (thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu). Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp - Đổi mới sáng tạo Sơn La cho biết, định hướng phát triển của Trung tâm là tập trung tìm ra các sản phẩm chủ lực để thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, rau thủy canh được xác định là hướng đi chiến lược. Với vai trò là cơ sở nghiên cứu và ứng dụng KH-CN, Trung tâm cam kết góp phần thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp của Sơn La thông qua việc nghiên cứu, thử nghiệm các giống cây trồng và công nghệ mới.
“Chúng tôi phấn đấu trở thành nơi để bà con nông dân đến tham quan, học tập. Chỉ khi bà con chứng kiến hiệu quả thực tế từ các mô hình, họ mới có động lực áp dụng công nghệ vào nhà lưới của mình”, ông Dũng bộc bạch. Điểm nổi bật của các mô hình này là sử dụng công nghệ tưới hồi lưu NFT (Nutrient Film Technique) với hệ thống tự động hóa hoàn toàn. Dinh dưỡng được hòa tan trong các bồn chứa, sau đó được bơm tưới đến cây trồng. Sau khi dung dịch dinh dưỡng hoàn thành chu trình, phần nước dư thừa được thu hồi về bồn chứa và xử lý bằng đèn chiếu tia cực tím (UV). Công nghệ UV giúp loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn, nấm và virus gây bệnh bằng cách phá hủy cấu trúc DNA của chúng.
Mô hình NFT được thiết kế đặc biệt để trồng các loại rau ăn lá như xà lách và rau cải, đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Rau được trồng trong hệ thống này hoàn toàn không sử dụng hóa chất hay thuốc bảo vệ thực vật, dinh dưỡng cung cấp từ nguồn nước sạch địa phương và được bổ sung thường xuyên. Nhờ vậy, khi đến tay người tiêu dùng, sản phẩm không chỉ tươi ngon mà còn đảm bảo an toàn. Theo ông Nguyễn Anh Dũng, các mô hình thí nghiệm trồng cây thủy canh tại Trung tâm đã cho thấy hiệu quả rất tốt. Đây là cơ sở để Trung tâm quyết tâm phát triển hướng đi đầy tiềm năng này. Đặc biệt, với lợi thế khí hậu mát mẻ của Sơn La, việc áp dụng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại đây càng phù hợp. Bởi so với nhiều khu vực khác, Sơn La không cần tiêu tốn nhiều chi phí làm mát khu vực trồng. Từ những thành công ban đầu, Trung tâm đặt mục tiêu nhân rộng các mô hình sản xuất rau công nghệ cao không chỉ trong tỉnh Sơn La mà còn ở các khu vực khác, góp phần lan tỏa giá trị của nông nghiệp hiện đại, bền vững. Theo QUYFDNH CHI/ NNVN |
- Giống gà tre do một anh nông dân Tiền Giang kỳ công lai tạo, nhân giống khiến cả làng phục lăn
- Tay ngang làm nông nghiệp, thanh niên 9X thành 'trùm' ốc nhồi
- Nuôi con đặc sản hiền khô, "bơi đủng đỉnh", một chị nông dân Long An bắt bán 50.000 đồng/kg
- Nuôi loài thú vốn là con động vật hoang dã "nhát như cáy", ông nông dân Phú Yên giàu hẳn lên
- Nuôi vịt công nghệ cao mỗi năm lãi 600 triệu đồng
- Trồng na Thái bền vững trên đất dốc, thắng ngay vụ quả bói
- Nuôi tôm siêu thâm canh ở Trà Vinh kiểu gì mà dân xúc lên toàn con bự, tiền lời cao gấp 7-10 lần?
- Nuôi gà đen bản địa ngày càng hiệu quả
- Thứ rau ham "nghịch nước" này trồng tốt um ở nơi này của Bạc Liêu, nhổ bán lãi gấp 5-7 lần so với trồng lúa
- Vật nuôi mới lạ, lông ánh màu than, đẻ đều, đẻ khỏe giúp một nông dân Hà Tĩnh có của ăn của để