Đồng bộ giải pháp phòng, chống lở mồm long móng cho đàn vật nuôi
Theo Cục Thú y, bệnh lở mồm long móng (LMLM) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn cho chăn nuôi gia súc. Đây là bệnh được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) quy định bắt buộc phải báo cáo khi có dịch xảy ra và là đối tượng kiểm dịch vận chuyển gia súc, các sản phẩm gia súc.
Trong 6 tháng đầu năm, cả nước phát sinh 44 ổ dịch, tập trung ở các tỉnh như Yên Bái, Gia Lai. Trong các tháng 8, 9, 10, dịch LMLM diễn biến phức tạp, lây lan nhanh tại nhiều huyện của tỉnh Quảng Trị như Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh, Cam Lộ (hơn 500 con trâu, bò của 181 hộ dân mắc bệnh. Cơ quan chức năng và người dân phải tiêu hủy 26 con trâu, bò mắc bệnh) và huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh (56 con trâu, bò của 30 hộ dân mắc bệnh, trong đó có 6 con bị chết và tiêu huỷ). Trước tình hình trên, để bảo vệ đàn vật nuôi, hạn chế thiệt hại, đảm bảo nguồn cung dịp cuối năm, Cục Thú y yêu cầu các địa phương: tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người chăn nuôi hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng, tác hại và cách phòng chống bệnh LMLM. Thực hiện tốt vệ sinh thú y, giữ gìn chuồng trại luôn khô ráo, sạch sẽ, định kỳ phun sát trùng. Con giống đưa vào chăn nuôi phải khoẻ mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, đã được tiêm phòng LMLM. Trước khi nhập đàn phải được nuôi cách ly 21 ngày. Thức ăn, nước uống dùng trong chăn nuôi đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y. Người vào tham quan, nhân viên thú y... trước khi ra, vào khu vực chăn nuôi phải được vệ sinh, khử trùng và trang bị bảo hộ. Định kỳ tiêm phòng vacxin cho đàn gia súc hàng năm là biện pháp tốt nhất và hiệu quả nhất để ngăn chặn sự phát sinh, lây lan của bệnh. Lưu ý, để công tác tiêm phòng đạt hiệu quả, phải tiêm vacxin đúng type, subtype của virus gây bệnh; tiêm đúng kỹ thuật để có miễn dịch tối ưu. Chủ cơ sở chăn nuôi phải có sổ theo dõi, ghi chép thông tin trên nhãn, ngày tiêm, tình trạng sức khoẻ của đàn vật nuôi trước và sau khi sử dụng vacxin. Để hạn chế phản ứng sau tiêm cũng như nâng cao hiệu quả của vacxin, cần để vật nuôi nghỉ ngơi và có chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Khi phát hiện gia súc mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh LMLM phải nhanh chóng cách ly, không cho vật nuôi nghi mắc bệnh tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với gia súc khoẻ mạnh; vệ sinh khử trùng tiêu độc chuồng nuôi, dụng cụ, môi trường xung quanh và báo ngay cho chính quyền hoặc nhân viên thú y địa phương. Nghiêm cấm bán chạy, vứt xác vật nuôi mắc bệnh ra môi trường. Khi có kết quả xét nghiệm dương tính, thực hiện tiêu hủy những con chết, những con ốm nặng không có khả năng hồi phục theo đúng quy trình kỹ thuật có sự giám sát của cán bộ thú y, không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường. Hiện nay, bệnh LMLM chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp chủ yếu là nâng cao sức đề kháng tự nhiên cho vật nuôi bằng cách tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng, cho ăn thức ăn mềm dễ tiêu, bổ sung vitamin, điện giải, các thuốc trợ sức, trợ lực. Xử lý các vết loét bằng cách bôi các loại thuốc sát trùng như xanh Methylen, cồn, tiêm kháng sinh để chống bội nhiễm… Theo TRUNG QUÂN/ NNVN |
- Gia tăng dinh dưỡng cho đất để sản xuất rau màu bền vững
- Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao
- Quá trình cho ra đời giống cây có múi sạch bệnh
- Liên kết ‘4 nhà’ trồng khoai tây, xã viên an tâm sản xuất
- Áp dụng IPHM để 70% hạt tiêu đạt yêu cầu về dư lượng thuốc BVTV
- Lợn nuôi bằng thức ăn bổ sung bột chè xanh giúp tăng miễn dịch
- Kinh nghiệm phòng bệnh ở xã có diện tích thủy sản lớn nhất Hà Nội
- Cấp bằng bảo hộ hai giống nho ăn tươi NH01-152 và NH04-102
- Áp dụng IPHM, cây lúa cho lợi nhuận tăng thêm gần 6 triệu đồng/ha
- Giống lúa TBR97 lần đầu chinh phục vùng đất Chư Don