Trồng sen, thả cá rô trên ruộng trũng, thu nhập gấp 3-4 lần trồng lúa
Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Bình Định triển khai nhiều mô hình hiệu quả, góp phần mở hướng phát triển kinh tế bền vững tại nhiều địa phương trong tỉnh. Điển hình như tại thị xã Hoài Nhơn, 8 mô hình khuyến nông được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) đồng loạt triển khai trong năm 2024 đều cho kết quả khả quan. Ví như các mô hình nuôi cua hộp trong nhà tại xã Hoài Hải; nuôi cá lăng trong lòng hồ thủy lợi Đồng Tranh tại xã Hoài Sơn; nuôi ếch trong bể xi măng tại phường Hoài Thanh; nuôi cá thát lát cườm tại xã Hoài Phú; 2 mô hình trồng hoa cúc và hoa vạn thọ cùng thâm canh cây sương sâm tại phường Bồng Sơn; mô hình trồng sen trên đất lúa kết hợp nuôi cá rô đầu vuông tại xã Hoài Châu; mô hình trồng và thâm canh cây sen tại phường Hoài Thanh Tây.
Ông Nguyễn Văn Hoài (sinh năm 1955) ở thôn An Quý Bắc, xã Hoài Châu (thị xã Hoài Nhơn) thực hiện mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá rô đầu vuông trên diện tích 0,5ha đất ruộng trũng sản xuất lúa kém hiệu quả gồm 5.000 cây sen hồng và thả nuôi 5.000 con cá rô đầu vuông. "Sau 4 tháng thực hiện mô hình, tôi thấy cây sen dễ trồng, thích nghi với vùng đất trũng thấp, lại ít sâu bệnh, vốn đầu tư thấp và công chăm sóc ít, sản phẩm dễ tiêu thụ. Cây sen đầu tư một lần nhưng thu nhập nhiều lần. Kết quả mô hình tôi thực hiện cho thu hoạch trên 1,5 tấn hạt sen khô, giá bán dao động từ 40.000 - 50.000đ/kg và 1,2 tấn cá với giá bán sỉ tại ruộng 25.000đ/kg. Sau khi trừ chi phí, mô hình cho lãi trên 60 triệu đồng/vụ, cao gấp 3 - 4 lần so với làm lúa”, ông Hoài phấn khởi. Ông Nguyễn Văn Lành ở khu phố Ngọc Sơn Nam, phường Hoài Thanh Tây (thị xã Hoài Nhơn) tham gia mô hình thâm canh cây sen tại địa phương cho hay: “Ngoài việc thu hoạch trên 2 tấn hạt sen và các sản phẩm phụ từ cây sen, thành công của mô hình còn mở ra cho bà con hướng đi mới bền vững, có thể đầu tư phát triển hình mô hình du lịch sinh thái trong thời gian tới”. Bên cạnh những mô hình trồng sen, trong năm 2024, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Hoài Nhơn còn triển khai hỗ trợ xây dựng thành công 2 mô hình khuyến ngư gồm nuôi cá lăng ở hồ Đồng Tranh (xã Hoài Sơn) và mô hình nuôi cá thát lát cườm trong hồ thủy lợi Cự Lễ (xã Hoài Phú) với quy mô 20.000m2, lượng cá giống thả nuôi 10.000 con, mang lại hiệu quả kinh tế khả quan. Anh Nguyễn Mạnh Quang (sinh năm 1991) ở thôn Lương Thọ 2, xã Hoài Phú (thị xã Hoài Nhơn) thực hiện mô hình nuôi cá thát lát cườm cho biết: “Cá thát lát cườm thích nghi tốt với mọi môi trường nước và thời tiết, ít dịch bệnh, tăng trưởng nhanh. Sau 10 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng bình quân 0,4kg/con, năng suất đạt 2,4 tấn, giá bán từ 70.000 - 80.000đ/kg, sau khi trừ chi phí cho lãi trên 50 triệu đồng”.
Để nâng cao giá trị kinh tế từ mô hình, anh Quang dự kiến sẽ mở thêm dịch vụ câu cá ngay trên bờ hồ để phục vụ khách vào những ngày cuối tuần, những ngày lễ, Tết để khách trải nghiệm thú câu cá và chụp ảnh lưu niệm. Theo ông Ngô Đình Tuy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Hoài Nhơn, thời gian qua, Trung tâm đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều mô hình khuyến nông cho hiệu quả kinh tế cao. Các chính sách hỗ trợ hoạt động khuyến nông đã góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, thích ứng với các điều kiện sinh thái, khí hậu và phù hợp với thị trường. “Những mô hình khuyến nông đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài địa phương. Ngoài ra, một số mô hình khuyến nông còn mở ra tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm”, ông Tuy chia sẻ. Theo VŨ ĐÌNH THUNG/ NNVN |
- Nông dân trồng cây ăn quả chọn giống có gốc ghép nhỏ
- Bắp cải vô chậu, thú chơi kiểng ‘không đụng hàng’
- Mô hình vườn - ao - chuồng - rừng, cũ mà luôn mới
- Nuôi vịt biển trên cù lao Tân Phú Đông
- Trang trại triệu đô trên vùng đất cằn
- Trồng 3ha ớt Jalapeno, thu bói đạt gần 150 triệu đồng sau 3 tháng
- Đây là loại cá đặc sản bán 800.000 đồng/kg ở Đồng Tháp, dễ nhầm với cá cảnh, nghe tên nhầm sang cá biển
- Ở nơi này của Quảng Ngãi, ông nông dân nuôi thành công cá đặc sản, toàn con to bự, bán 240.000 đồng/kg
- Nuôi thành công con đặc sản hiền khô, chỉ ăn rau, bèo, đồ bỏ đi, nông dân xã này ở Long An bán bộn tiền
- Bưởi đỏ khuôn chữ "Tài Lộc" ở Mê Linh, giá nửa triệu đồng/quả vẫn hút khách hàng khắp nơi