Bắp cải vô chậu, thú chơi kiểng ‘không đụng hàng’
Tết Nguyên Đán là dịp để các gia đình trang hoàng không gian sống bằng hoa kiểng, cây cảnh. Đây cũng là thời điểm lý tưởng để các nhà vườn và điểm kinh doanh tung ra nhiều sản phẩm mới lạ, độc đáo nhằm thu hút khách hàng. Dọc tuyến Quốc lộ 91 đoạn qua phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ là khu vực chuyên sản xuất và cung cấp cây giống, nhất là các loại rau màu. Do diện tích đất sản xuất hạn chế, khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều nhà vườn đã có ý tưởng đưa nông sản vào trồng trong chậu dịp Tết để gia tăng giá trị kinh tế.
Những chậu bắp cải xanh tốt, lá xoăn và cuộn tròn với nhau, tạo thành hình hoa đẹp mắt trở thành sản phẩm hoa kiểng “không đụng hàng” thu hút khách vào thời điểm này. Theo quan niệm dân gian, bắp cải tròn trịa, tượng trưng cho sự viên mãn, sung túc, tài lộc. So với nhiều loại cây cảnh khác, bắp cải vô chậu còn có điểm mạnh như sức sống khỏe, dễ chăm sóc và phù hợp với khí hậu mát mẻ trong những ngày giáp Tết. Thậm chí, nhiều gia đình còn phối hợp thêm đèn led hoặc sơn màu nhẹ lên chậu bắp cải để tăng tính nghệ thuật. Tại vườn của ông Lê Văn Bé Chính ở khu vực Tân Phước 1, phường Thuận Hưng vụ này trồng khoảng 500 chậu bắp cải. Mặc dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên Đán nhưng thời điểm này số lượng bắp cải vô chậu đã tiêu thụ gần hết. Theo chia sẻ của ông Chính, ngày trước do gia đình không có nhiều đất để canh tác nên thay vì trồng trên đất, ông quyết định cho hạt giống vào chậu để trồng với mục đích có thêm thực phẩm sử dụng trong gia đình.
Ban đầu, nhiều khách hàng qua lại thấy đẹp mắt, nên ngỏ ý muốn mua về trồng ở hiên nhà, sân vườn hoặc trên sân thượng. Nhận thấy nhu cầu tăng cao, ông bắt đầu tăng dần số lượng trồng từ vài chục lên đến vài trăm chậu như hiện nay. Ngoài tính thẩm mỹ, bắp cải vô chậu còn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho nhà vườn. Nếu trồng trên đất, bắp cải chỉ bán được 7.000 đồng/kg nhưng khi đưa vào chậu, giá bán lên tới 25.000 – 30.000 đồng/chậu, cao gấp 2 – 3 lần. Tuy nhiên, để trồng bắp cải trong chậu đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc tỉ mỉ hơn, từ việc tưới nước, bón phân đến việc đảm bảo cho cây phát triển đều, ra bắp to và tròn đẹp. Từ tháng 9 (âm lịch), ông Chính bắt đầu ươm bầu, đến rằm tháng 10 bắt đầu chuyển cây con vào chậu. Sau khoảng 2,5 tháng chăm sóc, cây sẽ cuốn bắp và phát triển kéo dài cho đến qua Tết.
Loại chậu được ông Chính lựa chọn có đường kính từ 25 – 30cm, đảm bảo thoát nước tốt. Sử dụng đất tơi xốp, trộn thêm phân bón hữu cơ và đảm bảo tưới nước đầy đủ cho cây. Đặc biệt, ông chú trọng việc phòng trừ, ngăn chặn sớm sâu ăn lá tấn công bắp cải, tránh ảnh hưởng đến chất lượng, mẫu mã. Hiện nay, ngoài bắp cải, nhiều nhà vườn ở phường Thuận Hưng cũng đưa nhiều loại cây rau màu khác vào trồng trong chậu như đậu bắp, cải xanh, ớt, lúa, khổ qua… để bán cho khách hàng có nhu cầu chưng Tết. Mỗi loài cây đều mang ý nghĩa riêng, hướng đến sự may mắn, tài lộc, viên mãn, hạnh phúc, no đủ trong năm mới. Theo KIM ANH/ NNVN |
- Nông dân trồng cây ăn quả chọn giống có gốc ghép nhỏ
- Mô hình vườn - ao - chuồng - rừng, cũ mà luôn mới
- Nuôi vịt biển trên cù lao Tân Phú Đông
- Trang trại triệu đô trên vùng đất cằn
- Trồng 3ha ớt Jalapeno, thu bói đạt gần 150 triệu đồng sau 3 tháng
- Trồng sen, thả cá rô trên ruộng trũng, thu nhập gấp 3-4 lần trồng lúa
- Đây là loại cá đặc sản bán 800.000 đồng/kg ở Đồng Tháp, dễ nhầm với cá cảnh, nghe tên nhầm sang cá biển
- Ở nơi này của Quảng Ngãi, ông nông dân nuôi thành công cá đặc sản, toàn con to bự, bán 240.000 đồng/kg
- Nuôi thành công con đặc sản hiền khô, chỉ ăn rau, bèo, đồ bỏ đi, nông dân xã này ở Long An bán bộn tiền
- Bưởi đỏ khuôn chữ "Tài Lộc" ở Mê Linh, giá nửa triệu đồng/quả vẫn hút khách hàng khắp nơi