TRANG CHỦ  GIỚI THIỆU  TIN TỨC  SẢN PHẨM  THỜI TIẾT  LIÊN HỆ 
Nông nghiệp đó đây
[ ]
Nuôi dúi ở Bắc Kạn, mô hình chăn nuôi con đặc sản hiệu quả kinh tế cao từ vốn đầu tư Quỹ Hỗ trợ nông dân

Trại nuôi dúi của anh Tá Hữu Biên tại thôn Yên Bình, xã Yên Phong của huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn khi chúng tôi đến, mới chạm bước chân đầu hồi đã nghe tiếng răng dúi rào rào gặm thức ăn phía trong những ô chuồng nhỏ.

Phía trong những ô được cách ngăn bởi những viên gạch hoa là những con dúi béo núc đang cố nghển cổ hóng bước chân người.

Biết có khách đường xa đến thăm, anh Biên đặt tạm rổ ngô hạt xuống nền nhà chạy ra niềm nở.

Phía trong chuồng trại, những chú dúi lúc này cũng đã ngừng nhai hạt, hai chân trước chồm cả lên vách chuồng đợi chủ. Chỉ vào những con dúi tròn căng anh Biên bảo, chúng nó tưởng có đồ ăn mới nên hóng đấy.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Biên cho biết gia đình anh đã nuôi dúi từ năm 2019 nên rất hiểu tập tính của chúng.

Sau 4 năm thực hiện mô hình, nhận thấy hiệu quả của loài vật nuôi này, gia đình anh đã quyết định mở rộng quy mô vào năm 2023 bằng việc xây dựng thêm một trại nuôi với diện 80m2.


Đoàn kiểm tra việc thực hiện dự án nuôi dúi sinh sản từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tại chuồng trại nuôi dúi của anh Tá Hữu Biên, thôn Yên Bình, xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

Anh Biên cho hay, nhìn chung, người dân ở đây không có vốn nên khi mới xây dựng mô hình cũng gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có gia đình anh. Rồi anh nhận định, nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân đã kịp thời hỗ trợ, giúp không ít hộ dân vượt qua được khó khăn ban đầu này.

Anh Tá Hữu Biên, thôn Yên Bình, xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ về việc vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để mở rộng quy mô chuồng trại nuôi dúi sinh sản. Ảnh: Chiến Hoàng
Trại nuôi dúi thứ hai của gia đình anh Biên được xây dựng hoàn toàn từ nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân của huyện.

Nguồn vốn tuy không quá lớn nhưng đã tạo điều kiện để anh Biên mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô để phát triển mô hình.

Hiện tổng hai chuồng trại của gia đình anh đang có khoảng 800 con dúi. Dù gia đình anh Biên đang tập trung vào việc nhân giống để mở rộng đàn, chưa đẩy mạnh bán dúi thương phẩm, nhưng mỗi năm mô hình vẫn mang về nguồn thu nhập đáng kể, giao động từ 50 đến 80 triệu đồng.

Theo anh Biên, nguồn thu này không chỉ giúp gia đình anh cải thiện đời sống mà còn đảm bảo việc hoàn trả vốn vay cho Hội Nông dân. Việc chủ động được con giống thông qua nhân đàn tại chỗ cũng như nguồn thức ăn từ rừng đã giúp gia đình anh tiết kiệm được một khoản đầu tư đáng kể.

Anh Biên cho biết, giá dúi thương phẩm khá ổn định, với dúi mốc anh đang nuôi có giá trung bình 700.000đ/kg, đầu ra của dúi cũng không gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo anh Biên, dúi trung bình từ 8 đến 12 tháng tuổi bắt đầu sinh sản. Mỗi năm một con sinh được từ 2 đến 3 lứa, mỗi lứa từ 1 đến 4 con nên việc nhân đàn, mở rộng quy mô cũng không gặp nhiều khó khăn khi chủ động được con giống. Dúi thương phẩm thì khoảng 6 đến 8 tháng tuổi đã có thể xuất bán.

Bà Nguyễn Thị Bích Thu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn nhấc thử một con dúi thương phẩm tại chuồng trại của anh Tá Hữu Biên. Ảnh: Chiến Hoàng

Hiệu quả rõ rệt của mô hình nuôi dúi đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng tại xã Yên Phong.

Bản thân anh Biên cũng đã tích cực tuyên truyền và hỗ trợ kỹ thuật, giúp hơn 10 hộ dân khác trong thôn cùng tham gia nuôi dúi.

Anh Biên bày tỏ mong muốn Hội Nông dân các cấp sẽ tiếp tục dành nguồn vốn cho các hộ dân vay để mô hình ngày càng được nhân rộng, giúp thêm được nhiều nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ con dúi.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Bích Thu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Phong cho biết, từ năm 2022, Hội đã tích cực tham mưu để nông dân được tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân.

Hiện xã đang triển khai hai nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân Trung ương và Quỹ Hỗ trợ Nông dân huyện. Nguồn vốn từ Trung ương hỗ trợ dự án nuôi dúi sinh sản các hội viên đã hoàn trả vốn vay đúng hạn nhờ mô hình hiệu quả.

Nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện cũng đang hỗ trợ cho 05 hộ với mức vay 20 triệu đồng/hộ để thực hiện dự án nuôi dúi. Mặc dù nguồn vốn vay này không nhiều, nhưng đã giúp các hộ có thêm nguồn lực để mở rộng quy mô và phát triển mô hình.

Bà Nguyễn Thị Bích Thu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ về mô hình nuôi dúi trên địa bàn xã. Ảnh: Chiến Hoàng

Theo bà Thu, từ hiệu quả của mô hình, nhiều hội viên Nông dân đã chủ động học hỏi và nhân rộng.

Đến thời điểm hiện tại, toàn xã Yên Phong đã có trên 200 hộ tham gia nuôi dúi sinh sản với tổng đàn trên 8.000 con. “Điều đó cho thấy mô hình nuôi dúi không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho từng hộ gia đình mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển nông nghiệp bền vững của xã”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Phong nhận định.

Theo Chiến Hoàng/ DAN VIET 

Đầu trang Gởi E-mail Bản in
Các tin khác
  • Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới sản xuất thành công một giống cá đắt tiền, bán 1 triệu đồng/kg, Trung Quốc, Nhật Bản vẫn đang nghiên cứu
  • 'Ông vua sầu riêng' vùng biên
  • Sơn La bội thu nhãn chín sớm
  • Tuấn 'hai lúa' và hành trình thành 'Tuấn tỉ phú' trên cánh đồng 500 ha
  • Tỉ phú lúa giống miền Tây: Người đi lên từ cơ hàn
  • 'Vua' cá chình miền Tây: Hành trình làm giàu từ 1 ha đất cằn cỗi
  • Độc lạ giống cam nặng cả ký, ăn được cả vỏ
  • Bỏ túi hơn 1 tỉ đồng mỗi năm từ… cây nhàu
  • Long An bất ngờ mưa lớn, nông dân xả nước bắt hàng trăm ký cá rô đồng
  • Nuôi 2 loại vịt trong vườn cao su, đêm tắt đèn, sáng ra nhặt hàng nghìn quả trứng, nông dân Bình Phước vừa đếm quả vừa tính tiền

Trang chủ | Giới thiệu | Sản phẩm | Giỏ hàng | Liên hệ | Đầu trang
Copyright 2025 © KDT Group 2010