Nuôi kiến lấy trứng trên cây ăn quả: Giảm sâu bệnh, tăng nguồn thu
Trứng kiến rất bổ dưỡng, được sử dụng trong nhiều món ăn và là đặc sản trong các nhà hàng cao cấp, khách sạn… So với nhu cầu hiện nay thì lượng trứng kiến cung cấp ra thị trường rất hạn chế. Vì vậy, nông dân một số nơi đã triển khai mô hình nuôi kiến lấy trứng để phát triển kinh tế gia đình. Tại Lào Cai, mô hình nuôi kiến lấy trứng còn khá mới mẻ đối với bà con vùng cao. Do vậy, mô hình này đang được thử nghiệm trước khi triển khai trên diện rộng. Khi thành công, việc nuôi kiến lấy trứng sẽ mở ra hướng đi mới giúp bà con có thêm thu nhập. Ông Phạm Quang Soái ở thôn Ba Xã, xã Tân An (huyện Văn Bàn, Lào Cai) đã đăng ký nuôi 400 tổ kiến trên diện tích hơn 4 ha rừng của gia đình. Đến nay, diện tích cây lâm nghiệp của gia đình vẫn phát triển tốt trong khi các tổ kiến đã đạt được kích thước theo yêu cầu đề ra. “Trước đây, bà con chúng tôi chỉ lên rừng lấy trứng kiến về chế biến chứ chưa nghĩ tới nuôi kiến để lấy trứng. Sau khi nghe có mô hình nuôi kiến lấy trứng triển khai ở xã, tôi đã mạnh dạn đề nghị cho gia đình tham gia, cũng là để gia tăng thu nhập”, ông Soái cho hay. Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Kiên ở thôn Khoai 3, xã Bảo Hà (huyện Bảo Yên, Lào Cai) sẵn có diện tích cây ăn quả như ổi, xoài nên đã triển khai nuôi 200 tổ kiến lấy trứng. Từ khi nuôi kiến đến nay, cây ăn quả trong vườn rất ít sâu bệnh bởi côn trùng và sâu là thiên địch của loài kiến nên đã bị tiêu diệt. “Tôi thấy nuôi kiến lấy trứng rất hữu ích, một là những cây có tổ kiến thì không thấy sâu bọ. Có sâu bọ thì kiến sẽ tiêu diệt chúng ngay nên rất tốt cho cây, quả. Để làm mô hình này không khó mấy, chỉ việc treo lên cây và thi thoảng bảo quản tổ kiến”, ông Kiên chia sẻ. Đề tài khoa học nghiên cứu, nhân nuôi một số loài kiến dưới tán rừng nhằm tạo sản phẩm trứng kiến tập trung có chất lượng tốt do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lào Cai phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ rừng thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam triển khai từ đầu năm 2025. Với mong muốn đem lại sinh kế mới cho người trồng rừng, đề tài nghiên cứu nuôi kiến lấy trứng thương phẩm được triển khai tại xã Tân An (huyện Văn Bàn) và xã Bảo Hà (huyện Bảo Yên). Mô hình này đang hứa hẹn mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân, đồng thời là hướng đi rất tốt góp phần quản lý, hạn chế sinh vật gây hại cây trồng, giảm thiểu việc sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông, lâm nghiệp, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học. Đến nay, đã có 800 tổ kiến được gây nuôi từ loài kiến sinh sống ở tán rừng địa phương. Sau đó, các tổ này được cài lên cây lâm nghiệp, cây ăn quả. Mỗi tổ kiến gây nuôi sau khi đạt chất lượng có thể cho thu từ 500 - 700 gram trứng kiến để xuất bán ra thị trường. Qua đó, sản phẩm trứng kiến sẽ mang lại nguồn thu nhập tăng thêm cho người trồng cây lâm nghiệp và nhà vườn trồng cây ăn quả, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái trong cộng đồng. Với mô hình này, người nuôi không phải đầu tư nhiều vốn và công chăm sóc. Trong khi việc nuôi kiến lấy trứng lại tận dụng được tán cây lâm nghiệp và cây ăn quả sẵn có của các gia đình. Theo ông Nguyễn Minh Chí, Trưởng Bộ môn Kháng sâu bệnh (Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ rừng), mô hình này kỳ vọng sẽ xây dựng được kỹ thuật nuôi kiến lấy trứng chủ động để không phải thu lượm trứng kiến từ tự nhiên. Khi chủ động được kỹ thuật, người nuôi có thể chủ động được nguồn cung trứng kiến để làm sản phẩm thương mại. Trứng kiến là đặc sản được nhiều người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng nhưng hiện sản vật này chủ yếu khai thác từ tự nhiên. Do đó, việc nghiên cứu nhân nuôi một số loài kiến dưới tán rừng và cây ăn quả đã thu hút sự quan tâm của bà con địa phương vì tính ứng dụng cao, mở ra hướng phát triển kinh tế mới, bảo vệ môi trường, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Theo Hải Đăng/ NNVN |
Cho con rươi sống chung với lúa, nông dân Hải Phòng thu lãi gấp đôi
Dinh dưỡng đúng cho sầu riêng: Biết đất có gì mới cho cây 'ăn' hợp lý
Tưới thông minh cho cây ăn quả: Một nghị quyết thay đổi 765 ha
Bí quyết nuôi ong theo mùa hoa tự nhiên
"Vua dúi" đất Sơn La chia sẻ bí kíp "tác thành" cho đôi dúi, cho ở chung khi nào thấy chúng bất hòa là thành công
Người nuôi cá lòng hồ Hòa Bình chủ động ứng phó nước rút sâu
Bí quyết nuôi chồn sinh sản không bị cận huyết
Kiểu nuôi tôm của nông dân Cà Mau không cần thay nước, cho tôm ăn chuối, gừng, ở chung với rong, bắt lên hàng tấn toàn con to khỏe
Nông dân Sông Mã 'bắt' nhãn ra quả theo ý muốn
'Độ' bò vàng Việt Nam thành 'bò lực sĩ'