TRANG CHỦ  GIỚI THIỆU  TIN TỨC  SẢN PHẨM  THỜI TIẾT  LIÊN HỆ 
Nông nghiệp đó đây
[ ]
An Giang - ‘kho báu’ dược liệu của Tây Nam Bộ

Phát huy tiềm năng tài nguyên rừng hiện có, tỉnh An Giang đang đẩy mạnh phát triển trồng cây dược liệu theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và sinh kế người dân. Theo ông Trương Minh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang, rừng và đất rừng của tỉnh không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, du lịch cũng như phục vụ cho an ninh, quốc phòng biên giới.

Ngoài ra, An Giang còn được biết đến là địa phương có nhiều dân tộc, tôn giáo cùng chăm lo đời sống người dân, thích hành thiện. Vì vậy, công tác phát triển Đông y của tỉnh có bước phát triển quan trọng. Từ đó, nhiều mô hình ứng dụng trồng, khai thác và chế biến sau thu hoạch trong lĩnh vực dược liệu ra đời và từng bước được hình thành, với tổng diện tích khoảng 322 ha.

Điển hình như: vùng trồng cây dó bầu trên 250 ha, tập trung tại xã Ba Chúc, Núi Cấm; vùng trồng gấc 12 ha thuộc xã Vĩnh Gia; vùng trồng rau dừa cạn 10 ha ở xã Bình Thạnh Đông; vùng trồng nhàu 5 ha; vùng trồng 10 ha Huyền, sản xuất 14,4 tấn bột huyền/năm.

Tỉnh này xác định, cây dược liệu là sản phẩm tiềm năng, cần quy hoạch, bảo tồn và phát triển. Do đó, An Giang đã từng bước khuyến khích người dân gây trồng trên vùng đồi núi, khu vực được quy hoạch Lâm nghiệp. Đồng thời có chính sách hỗ trợ thích đáng để người dân phát triển vùng gây trồng cây dược liệu, đảm bảo ưu tiên chính sách hỗ trợ cho các hộ gia đình là những hộ nhận khoán rừng trên vùng đồi núi.

Bên cạnh đó, năm 2014 tỉnh An Giang đã thực hiện Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó xác định mục tiêu là Quy hoạch vùng bảo tồn và gây trồng cây dược liệu tiềm năng, chủ yếu là trồng các loài dược liệu phù hợp dưới tán rừng để tạo thêm thu nhập cho những hộ nhận khoán rừng nhằm góp phần bảo vệ rừng bền vững.

Từ đây, hàng loạt các chương trình, quyết định tiếp tục được tỉnh An Giang ban hành để tạo động lực cho vùng trồng dược liệu phát triển. Có thể kể đến là Quyết định số 874/QĐ-UBND, ngày 26/04/2021 về việc Ban hành Danh mục ngành hàng, sản phẩm ưu tiên hỗ trợ trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang, trong đó có ngành hàng Dược liệu. Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND, ngày 11/11/2022 của HĐND tỉnh An Giang về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang. Kế hoạch số 855/KH-UBND, ngày 10/09/2024 của UBND tỉnh về phát triển ngành hàng dược liệu tỉnh An Giang theo chuỗi giá trị giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030.

Hiện nay, các diện tích rừng trên các vùng đồi núi đều được Ban quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh giao khoán cho các hộ dân để trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ theo quy định.

Hộ nhận khoán rừng được Nhà nước hỗ trợ vốn đầu tư trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ theo quy định như vốn đầu tư bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2021-2025; vốn Chương trình mục tiêu phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung, ưu tiên nguồn kinh phí để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về cây dược liệu. Trong đó có nhiều đề tài đã được nghiệm thu như: điều tra hiện trạng, lập danh mục cây dược liệu có chỉ dẫn địa lý trên vùng đồi núi. Nghiên cứu xây dựng quy trình trồng, chế biến và tạo sản phẩm đặc sản từ cây huyền. Nghiên cứu các sản phẩm từ tinh dầu chúc được trồng tại An Giang có tác dụng kháng khuẩn và khử mùi. Nghiên cứu quy trình sản xuất thực phẩm chức năng từ thân rễ cây ngải trắng. Phát triển chế phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị từ cây ngải đen. Nghiên cứu thành phần các hoạt chất có tác động hỗ trợ điều trị ung thư đường tiêu hóa từ củ ngải bún.

Xây dựng mô hình phát triển cây chùm ngây vùng Bảy Núi. Xây dựng mô hình nông lâm kết hợp gắn với du lịch sinh thái cho hộ nhận khoán rừng tại Vồ Bạch Tượng, xã Núi Cấm, tỉnh An Giang (loài cây trồng: kim ngân hoa, sâm cau); nghiên cứu phát triển vùng trồng sâm đại hành và xạ đen.

Tổng hợp các công trình nghiên cứu đã được công bố và kết quả điều tra trong giai đoạn 2015-2017 do Chi cục Kiểm lâm An Giang thực hiện cho thấy, khảo sát tại 37 đồi núi lớn nhỏ trên địa bàn đã được ghi nhận có 1.083 loài thực vật làm thuốc thuộc 623 chi, 164 họ, 93 bộ, 9 lớp và 6 ngành thực vật bậc cao có mạch, phần lớn cây thuốc tập trung ở Bảy Núi. Trong đó, kế thừa 680 loài từ công trình nghiên cứu của Võ Văn Chi (1990-1991), bổ sung 403 loài trong đó ghi nhận mới 177 loài cây thuốc dân gian chưa có tên trong dược điển làm cơ sở nghiên cứu khoa học.

Theo Kim Anh - Văn Vũ/ NNVN 

Đầu trang Gởi E-mail Bản in
Các tin khác
  • Nuôi thứ chim có lông đuôi dài nhất trong các loài chim, anh nông dân Hải Phòng "bỏ túi" nửa tỷ/năm
  • Nuôi gà an toàn sinh học, tạo môi trường tự nhiên để phòng chống dịch bệnh
  • Trồng sâm quý trên núi Pù Ring
  • Một kỹ sư điện ở Thái Nguyên chuyển hướng về quê liên kết nuôi gà, mỗi năm bán ra thị trường 150 tấn, cứ bán 1.000 con lãi 10 triệu
  • Trồng loại cây cho quả như "kho" chứa vitamin, nhiều nông dân Đà Nẵng có thu nhập khá
  • Biến phụ phẩm quả xoài thành phân hữu cơ
  • Gà Mã Đà - đặc sản của rừng, tiềm năng của bếp Việt
  • Trồng nho hạ đen, dưa lưới trái quá trời, vườn đẹp như phim, anh nông dân Nghệ An thu tiền liền tay
  • Nuôi chim quý hiếm như nuôi gà ta, bán dễ như ăn kẹo, trai Cần Thơ có của ăn của để
  • Nuôi con gì chăm chỉ cả ngày, tối nào cũng "về nhà ngủ", nông dân một xã ở Hải Phòng kiếm tiền rủng rỉnh?

Trang chủ | Giới thiệu | Sản phẩm | Giỏ hàng | Liên hệ | Đầu trang
Copyright 2025 © KDT Group 2010