Khánh Hòa: Nghiên cứu thành công kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo cá hồng bạc
ThS. Nguyễn Địch Thanh và nhóm cộng sự ở Trường đại học Nha Trang đã thực hiện thành công hướng nghiên cứu nói trên. Nhóm nghiên cứu của ThS. Nguyễn Địch Thanh đã cho cá hồng bạc đẻ trứng, ươm nuôi ấu trùng và cá giống; xác định các thông số kỹ thuật. Kết quả nghiên cứu này sẽ là cơ sở để xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo cá hồng bạc. Tuyển chọn, gây nuôi tạo đàn cá hồng bạc bố mẹ
Sau hơn 2 năm tuyển chọn và nuôi thuần dưỡng, nhóm thực hiện đề tài đã tạo được đàn cá bố mẹ 34 con khỏe mạnh, ổn định, đưa vào nuôi vỗ thành thục và cho đẻ. Nuôi vỗ thành thục cá bố mẹ và cho cá hồng bạc sinh sản nhân tạo Trong thời gian nuôi vỗ thành thục cá bố mẹ, hàng tháng định kỳ kiểm tra tuyến sinh dục để có kế hoạch cho đẻ, thường kiểm tra vào kỳ trăng non. Nâng đáy lưới lồng lên gần mặt nước, dùng vợt bắt cá cho vào bể composit (200 lít), gây mê cá bằng ethylenglycol monophenylether, nồng độ 200 - 300 ppm, 3 - 5 phút sau, cá mê, tiến hành kiểm tra. - Kiểm tra cá trống: lật ngửa bụng cá, dùng tay vuốt nhẹ dọc theo lườn bụng, từ trên xuống dưới, nếu thấy xệ chảy ra ngoài lỗ huyệt, đặc, màu trắng sữa, tan nhanh trong nước là cá đã thành thục tốt. - Kiểm tra cá mái: lật ngửa cá, dùng ống hút nhựa mềm polyethylen cannula đường kính 1 - 2 mm, đưa vào lỗ huyệt (nằm sau hậu môn) 3 - 4 cm, hút nhẹ, sau đó lấy ống ra cho trứng vào cốc thủy tinh hoặc lòng bàn tay quan sát. Nếu thấy trứng rời, tròn đều, màu vàng rơm, đo trên trắc vi thị kính, đường kính trứng 0,4 - 0,5 mm là cá thành thục tốt, cho đẻ được. Sau khi kiểm tra, tiêm kích dục tố cho đẻ. Hai loại kích dục tố được sử dụng thử nghiệm sinh sản nhân tạo cá hồng bạc là: HCG (human chorionic gonadotropin) kết hợp với LHRHa (luteinizing hormon - realesing hormon analogue). Kích dục tố được hòa với nước cất hoặc nước muối sinh lý (sử dụng trong y học) để tiêm cho cá. Cá sau khi gây mê được tiêm kích dục tố HCG và LHRHa để kích thích cá đẻ. Tiêm một lần vào buổi sáng. Kỹ thuật ươm nuôi ấu trùng cá hồng bạc mới nở đến 30 ngày tuổi Bể ươm bằng xi măng thể tích 4 - 6 m3/bể. Trước khi tiến hành ươm nuôi, hệ thống bể phải được chà rửa kỹ bằng xà phòng. Sử dụng chlorin hoặc formol 300 ppm tạt đều lên thành bể và đáy bể phải xử lý mầm bệnh, để khô 2 - 3 ngày, rửa sạch lại bằng nước ngọt và tiến hành cấp nước mặn chuẩn bị phục vụ cho quá trình ươm nuôi. Nước cấp vào bể ươm có độ mặn 30 - 32%o, được bơm từ biển lên hệ thống bể lắng, xử lý chlorin 15 ppm, sục khí cho bay hết clor (khoảng 2 - 3 ngày tùy theo thời tiết), lọc sạch trước khi cấp vào bể ươm. Xử lý EDTA với liều lượng 5 ppm (EDTA được hòa tan trong nước ngọt sau đó tạt đều vào bể). Bể ươm sâu 1 m, mực nước trong bể 0,8 m, bố trí 5 vòi sục khí nhẹ đảo đều. Sau khi chuyển hết ấu trùng vào bể ươm, tiến hành định lượng ấu trùng, mật độ ấu trùng các đợt ươm từ 70 - 100 con/lít. Sau 30 ngày ươm nuôi đạt tỷ lệ sống 12,6 - 14,1%, đạt kết quả tương đương với ươm nuôi ấu trùng cá hồng bạc của một số nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines. Kỹ thuật ươm nuôi cá hồng bạc 30 ngày tuổi đến cỡ giống 3 - 5 cm Ươm nuôi cá hồng bạc giống trong bể xi măng thể tích 4 - 6 m3. Đáy bể ươm hơi dốc về lỗ thoát nước, độ sâu 1,2 - 1,5 m, có bố trí hệ thống sục khí. Trước khi tiến hành ươm nuôi, hệ thống bể phải được vệ sinh, chà rửa kỹ bằng xà phòng sau đó rửa sạch bằng nước ngọt, dùng chlorin nồng độ 300 ppm tạt đều lên thành bể, đáy bể diệt trùng, để khô 2 - 3 ngày, rửa lại bằng nước ngọt và tiến hành cấp nước mặn đã xử lý chuẩn bị phục vụ cho quá trình ươm nuôi. Mật độ ươm trên 6.000 con/m3. Kỹ thuật ươm giống cá hồng bạc bằng giai biển, giai ươm giống cá hồng bạc đặt trong lồng nuôi tại Vũng Ngán, vịnh Nha Trang, kín gió, dòng chảy nhẹ, độ mặn và độ trong cao, nguồn nước sạch. Giai có kích thước 2 x 2 x 1,5 m, thể tích 6 m3/giai, làm bằng lưới ru, kích thước mắt lưới 2a = 5 mm, đảm bảo cá không chui ra ngoài. Sau 44 ngày ươm trong bể xi măng, thu toàn bộ, phân cỡ, chọn lọc chuyển ra ươm trong giai. Mật độ ươm nuôi trên 1.600 con/m3 giai. Theo THANH HƯƠNG - KHPT |
Nuôi lợn ngủ ngon nhờ vaccine Dacovac-ASF2 kết hợp kỹ thuật chăn nuôi không tiếp xúc
Sâu bệnh xuất hiện sớm trên lúa hè thu
Khẩn trương phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng
Giống lạc chịu hạn đến từ Cuba
Hướng dẫn xử lý một số sinh vật gây hại trên mắc ca
Lúa thuần DK6 lấp lánh trên cánh đồng vàng
3 giống lúa của ThaiBinh Seed tỏa sáng trên đồng ruộng Vụ Bản
Áp dụng IPHM trong sản xuất lúa, lợi nhuận tăng thêm 5,6 triệu đồng/ha
Tẻ Nương Hà Giang 'hiên ngang' ở Đất Cảng
Giống lúa mới VNR88 mở hướng tăng năng suất, tăng thu nhập cho nông dân Hòa Bình