TRANG CHỦ  GIỚI THIỆU  TIN TỨC  SẢN PHẨM  THỜI TIẾT  LIÊN HỆ 
Nông nghiệp đó đây
[ ]
Trồng cây cảnh, hoa kiểng ghép chung một chậu lạ mắt, trông thấy ưng ngay, nông dân Đồng Tháp trồng đâu trúng đấy

Những sáng tạo này đã giúp nâng cao giá trị cây trồng, cây kiểng, giúp nông dân tăng thêm thu nhập đáng kể so với cách trồng truyền thống.

Thay vì chỉ trồng những cây hoa trang thông thường để bán thì anh Đặng Hoàng Nam ở phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc (Đồng Tháp) đã mài mò, học hỏi và sáng tạo bằng cách ghép nhiều loại hoa trang lại với nhau trên cùng một thân cây, tạo ra những cây hoa trang có từ 5 - 7 màu.

Những cây hoa giấy thông thường qua bàn tay tạo hình của anh Vương Quốc Nghĩa đã trở thành những sản phẩm độc đáo

Những chậu hoa trang nhiều màu sắc hiếm thấy đã tạo sức hút đối với khách hàng và giá bán của các cây trang ghép này cũng tăng gấp nhiều lần so với những cây hoa trang đơn thuần chỉ có 1 màu.

Anh Nam chia sẻ: “Bán cây thông thường thì 200 ngàn đồng, cây ghép thì bán được 400 ngàn hoặc 500 ngàn đồng tùy theo cây nhỏ lớn. Trang vàng, trang đỏ, tím sen... đủ loại, trang lá nhuyễn là đều ghép vào chung được hết”.

Hiện ngoài những cây hoa trang ghép tầm trung thì trong vườn của anh Nam còn có những cây trang ghép cỡ lớn với tàn to, được trồng từ 3 - 4 năm với giá bán lên đến vài triệu đồng mỗi cây.

Còn với anh Vương Quốc Nghĩa ngụ ấp Phú Long, xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc thì tạo sức hút cho khu vườn hoa giấy của mình bằng cách tạo dáng các cây thành hình trái tim, hình giỏ hoa, lộc bình, kể cả hình người...

Để tạo thêm sự bắt mắt cho chậu hoa, anh Nghĩa còn kết hợp thêm hoa mười giờ bên dưới trái tim để tạo thêm mảng xanh.

Cây được trồng từ nhỏ, sau đó, anh tiến hành tạo khung sắt rồi cho cây hoa giấy leo theo rồi tạo dáng, giá bán thấp nhất cho mỗi sản phẩm là 1 triệu đồng đối với trái tim nhỏ, trái tim đôi có giá từ 5 - 6 triệu đồng; riêng cổng hình trái tim giá bán 15 triệu đồng/sản phẩm. Giá bán này cao gấp nhiều lần so với những chậu hoa giấy thông thường.

Nói về lý do có những sự sáng tạo này, anh Nghĩa bộc bạch: “Mình thấy hoa giấy ở Sa Đéc có nhiều mặt hàng, nhiều kiểu rồi nên mình muốn có cái gì đó thiệt là lạ để thu hút khách hàng nên mình tạo hình cho các cây hoa giấy mà biểu tượng tình yêu thì luôn là biểu tượng đẹp, được nhiều người quan tâm”.

Bên cạnh việc làm mới sản phẩm, một số nông dân còn mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị chuyển sang kinh doanh hoa kiểng theo hình thức online như: facebook, zalo, youtube, tiktok để thích ứng với tình hình mới.

Tính đến nay, hoa kiểng Sa Đéc đã có mặt trên nhiều sàn thương mại điện tử như: shopee.vn, lazada.vn, dongthapxanh.vn, Postmart.vn... nhờ sự nhạy bén, chuyển đổi hình thức kinh doanh mà sau giãn cách vì dịch Covid-19, hoa kiểng Sa Đéc có sức tiêu thụ mạnh, có cửa hàng mỗi tháng nhận hơn 1.000 đơn hàng.

Với việc không ngừng sáng tạo, làm mới sản phẩm hoa kiểng của mình và sự nhạy bén trong kinh doanh, nông dân Làng hoa Sa Đéc (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) không chỉ từng bước tăng thu nhập cho gia đình mà còn góp phần quảng bá, làm tăng giá trị cho hoa kiểng Sa Đéc, tạo thêm điểm nhấn, tăng sức hấp dẫn cho Làng hoa Sa Đéc trăm tuổi.

Theo THANH NGHĨA/ BÁO ĐỒNG THÁP 

Đầu trang Gởi E-mail Bản in
Các tin khác
  • Một kỹ sư điện ở Thái Nguyên chuyển hướng về quê liên kết nuôi gà, mỗi năm bán ra thị trường 150 tấn, cứ bán 1.000 con lãi 10 triệu
  • Trồng loại cây cho quả như "kho" chứa vitamin, nhiều nông dân Đà Nẵng có thu nhập khá
  • Biến phụ phẩm quả xoài thành phân hữu cơ
  • Gà Mã Đà - đặc sản của rừng, tiềm năng của bếp Việt
  • Trồng nho hạ đen, dưa lưới trái quá trời, vườn đẹp như phim, anh nông dân Nghệ An thu tiền liền tay
  • Nuôi chim quý hiếm như nuôi gà ta, bán dễ như ăn kẹo, trai Cần Thơ có của ăn của để
  • Nuôi con gì chăm chỉ cả ngày, tối nào cũng "về nhà ngủ", nông dân một xã ở Hải Phòng kiếm tiền rủng rỉnh?
  • Nuôi con 'quẳng quẳng' đẻ ra con 'nẽ'
  • Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống
  • Thời trồng rau, nuôi gà bằng điện thoại

Trang chủ | Giới thiệu | Sản phẩm | Giỏ hàng | Liên hệ | Đầu trang
Copyright 2025 © KDT Group 2010