Nuôi loài cá da trơn ưa nước sạch, nông dân Hải Dương lâu lâu mới được bán nhưng bán là đắt hàng, giá cao
Kỹ thuật nuôi cá nheo Mỹ rất cao Cá nheo Mỹ là loài cá da trơn, có nguồn gốc từ châu Mỹ, được đưa vào nước ta từ năm 2010 và Hải Dương là một trong những tỉnh đầu tiên nuôi thành công loại cá này. Cá có tốc độ sinh trưởng khá nhanh, chất lượng thịt thơm ngon nên được người nuôi, người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, người dân phải nhập con giống từ Trung Quốc về, quy trình phức tạp, mất nhiều thời gian và tốn kém kinh phí. Sau nhiều năm nghiên cứu, Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) đã làm chủ được kỹ thuật sản xuất cá nheo Mỹ giống. Tuy nhiên, số lượng chỉ được 100.000-200.000 con, chưa đáp ứng hết nhu cầu của người dân. Để người nuôi thuận lợi mua con giống, nắm vững kỹ thuật nuôi thả, năm 2018, Trung tâm Nghiên cứu và nhân giống thủy sản Tứ Kỳ đã thực hiện Dự án “Tiếp nhận kỹ thuật sản xuất giống cá nheo Mỹ trên địa bàn tỉnh” do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I chuyển giao và hỗ trợ. Sau 3 năm nhận chuyển giao, đến nay việc sản xuất con giống tại trung tâm vẫn ổn định và mang lại hiệu quả cao. Hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu và nhân giống thủy sản Tứ Kỳ duy trì đàn cá bố mẹ với hơn 400 con, tất cả đều được chăm sóc cẩn thận, theo đúng kỹ thuật. Việc sản xuất con giống được thực hiện thành thục, bảo đảm cá con sinh ra có tỷ lệ sống cao, chất lượng bảo đảm khi nuôi thành cá thương phẩm. Theo anh Đào Văn Thượng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và nhân giống thủy sản Tứ Kỳ, chủ nhiệm dự án, so với những loại cá khác, nuôi cá nheo Mỹ vất vả hơn nhiều. Trước hết, nguồn nước nuôi cá phải luôn sạch sẽ, nhiệt độ thích hợp từ 22-30 độ C, cá cũng có một số bệnh do vi khuẩn gây ra nên phải chú ý cẩn thận... Để nuôi từ cá con thành cá bố mẹ có thể khai thác được cần 1,5 năm. Việc lựa chọn con giống cũng cẩn thận, không lựa chọn con quá nhỏ hoặc lớn đột biến bởi sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đàn cá con. Cá bố mẹ có thể sinh sản kéo dài từ 4-6 năm, tùy chất lượng chăm sóc, mỗi năm khai thác được 1 lần. Cá trưởng thành đạt 2 vạn trứng/kg/lần sinh sản. Trung tâm cũng đầu tư xây dựng, sửa chữa hệ thống nhà bể đẻ, bể nhốt cá bố mẹ, hệ thống bể ấp, cấp thoát nước, bể lọc, sửa chữa hệ thống ao phục vụ nuôi thả. Để cá nheo Mỹ có thể sinh sản được, khi đến thời điểm gần đẻ trứng, cá cần phải tiêm kích dục tố và thuốc kích thích sinh sản. Sau khi tiêm liều quyết định khoảng 18 giờ, kiểm tra cá cái bằng cách vuốt nhẹ vào bụng thấy trứng chảy ra thì vuốt trứng. Đối với cá đực phải giải phẫu để thu sẹ. Trứng cá sẽ được đưa vào dụng cụ ấp nở... "Từ tháng 3-5 âm lịch là cá nheo Mỹ bước vào thời điểm sinh sản. Tuy nhiên, nếu thời tiết ấm, cá có thể sinh sản sớm hơn, còn rét muộn hơn. Vì thế, cần theo dõi thời tiết để bảo đảm thời gian cá sinh sản hiệu quả nhất", anh Thượng cho biết. Mỗi năm trung tâm sản xuất được trung bình 100.000 con cá, không chỉ đáp ứng được nhu cầu của người dân trong tỉnh mà còn cả tỉnh ngoài. Việc sản xuất thành công giống cá nheo Mỹ giống góp phần giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế và chủ động về nguồn con giống. Hiệu quả nuôi cá nheo Mỹ Ông Đào Minh Thiêm ở thôn Hữu Chung, xã Hà Kỳ (Tứ Kỳ) là một trong những hộ nuôi cá nheo Mỹ tương đối sớm. Theo ông Thiêm, cá nheo Mỹ phải mất khoảng 2,5 năm mới cho thu hoạch, dài hơn các loại cá khác từ 6 tháng đến 1 năm. Môi trường nuôi cũng đặc biệt quan trọng bởi cá ưa sạch, nếu không sẽ bị nhiễm bệnh dẫn đến chết. Giá cá hiện đạt 120.000 đồng/kg, cao hơn từ 30-50% so với những loại cá khác. "Nhà tôi nuôi từ năm 2016 đến nay, luôn duy trì từ 4-5 lồng, tùy từng thời điểm. Cá nheo Mỹ dễ bán bởi người dân rất ưa chuộng do chất lượng thịt thơm ngon", ông Thiêm cho biết. Tuy nhiên, việc nuôi cá nheo Mỹ trên địa bàn tỉnh hiện cũng gặp một số khó khăn do các doanh nghiệp xả thải khá nhiều khiến nguồn nước nuôi thả cá không được trong, sạch. Dù đã làm chủ được nguồn con giống, song để mở rộng diện tích nuôi thả cá nheo Mỹ, đơn vị sản xuất con giống cũng như người dân mong muốn cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát nguồn nước, tránh ô nhiễm... Theo YHANH HÀ/ BÁO HẢI DƯƠNG |
- Nuôi con vật "mặc áo hoa" vốn là động vật hoang dã, một ông dân Ninh Thuận giàu hẳn lên
- Chanh leo Việt Nam chính thức nhận “giấy thông hành” sang Úc
- Một nông dân ở Quảng Ninh mong được "giải cứu" 7.000 vịt đẻ bị dập trứng sau siêu bão Yagi
- Nuôi cá công nghệ sông trong ao ở Hà Nam thu tiền tỷ, ông chủ là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024
- Mô hình lúa chất lượng cao, lợi nhuận tăng 7,6 triệu đồng/ha
- Thành công từ mô hình trồng ớt chuông công nghệ cao
- Lợi ích lớn từ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên “4 cây, 2 con”
- Trồng loại hoa quý tộc, chỉ cắt cành bán mà anh nông dân Bình Phước có thu nhập tốt hẳn lên
- Cây đặc sản ra quả ngon ở Vĩnh Long, vị ngọt lại đẹp "nhất dáng nhì da", hễ bẻ xuống là bán hết veo
- Đây là kiểu nuôi một loại con, trồng một loại cây chung môt ruộng ở Bạc Liêu, nhà nào làm đều thu nhập tốt