Nuôi gà trại lạnh ít dịch bệnh
Tham quan trang trại chăn nuôi gà lạnh gia đình ông Phạm Văn Thu, ở thôn Tân Sinh Tây, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), xe ô tô chở chúng tôi phải chạy qua hố vôi để khử trùng, tiêu diệt các loại vi khuẩn, mầm bệnh. Khi xe ô tô dừng trước cổng, ông Thu tiếp tục xịt khử trùng các bánh xe rất kỹ để chắc chắn không còn bất cứ mầm bệnh nào xâm nhập vào trang trại. Theo ghi nhận của chúng tôi, trang trại gà của gia đình ông Thu có tổng diện tích khoảng 1ha, gồm 2 dãy trại. Mỗi trại có diện tích 1.200m2. Ngồi trước trại gà lạnh, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là không cảm thấy mùi hôi như nhiều khu vực chăn nuôi gia cầm khác từng biết đến. Để vào bên trong trại gà, chúng tôi được yêu cầu mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, găng tay và mang ủng, nhằm tuân thủ quy trình phòng chống dịch bệnh được đưa ra. Trước cửa bước vào trại lạnh được che chắn lớp lưới lỗ nhỏ phía ngoài nhằm ngăn chặn ruồi, côn trùng xâm nhập. Tại đây, chúng tôi tiếp tục bước chân ủng qua khay vôi, có độ pH trên 13 để sát khuẩn một lần nữa. Vào bên trong trại, đầu tiên là kho chứa thức ăn được liên thông với khu nuôi gà nhưng ngăn cách qua lớp cửa.
Tường trang trại được thiết kế hệ thống làm lạnh cùng với 8 chiếc quạt thông gió, giúp điều hòa nhiệt độ luôn ổn định từ 28 - 29 độ C. Bên trong trại gà lạnh, hệ thống máng ăn tự động 3 hàng, máng nước uống 4 hàng được sắp xếp hợp lý, phù hợp với từng ô ngăn cách, tạo không gian thoải mái cho đàn gà. Thời điểm hiện tại, đàn gà của ông Thu đã đạt trọng lượng trung bình khoảng 2,5 kg/con, sau 39 ngày nuôi và sắp chuẩn bị xuất chuồng. Bác sỹ thú y kiểm tra đàn gà không phát hiện dấu hiệu dịch bệnh, sinh trưởng và phát triển tốt, được chăm sóc đúng quy trình.
Điều ấn tượng nữa với chúng tôi là dù mặc đồ bảo hộ nhưng trong trại gà cảm thấy rất mát mẻ, chuồng gà khô ráo, thông thoáng và không có mùi hôi khó chịu. Bởi trong chuồng đã làm đệm lót sinh học (nguyên liệu là trấu), kết hợp dùng men vi sinh diệt vi khuẩn và xử lý phân gà, chất thải. Ông Phạm Văn Thu bộc bạch, trước đây, gia đình ông từng chăn nuôi trại hở, mùi hôi thối phát tán khiến người dân xung quanh phản ánh gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên từ khi chuyển qua chăn nuôi trại lạnh toàn bộ chất thải nằm trọn trong trại được xử lý men vi sinh nên không còn gây mùi hôi. Đến khi xuất bán, ông mới dọn chuồng một lần để nuôi lứa gà mới. Theo ông Phạm Văn Thu, nuôi gà trại lạnh khỏe hơn so với cách nuôi hở truyền thống. Tại trại gà của ông Thu, toàn bộ quá trình cung cấp thức ăn cho đàn gà được điều khiển trên smartphone, còn nước uống tự động theo dây chuyền nên tiết kiệm được chi phí nhân công chăm sóc. Hiện 2 dãy trại nuôi gà của ông chỉ cần 2 nhân công vẫn làm hết mọi việc hàng ngày. Do mô hình khép kín, chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ, cùng với việc vệ sinh thú y chuồng trại đảm bảo nên trại nuôi rất ít xuất hiện dịch bệnh trên gà.
“Do môi trường bên ngoài mình đã xử lý kỹ nên bên trong trại gà rất an toàn. Từ khi gia đình áp dụng nuôi gà trại lạnh đến nay, chưa xảy ra dịch bệnh bên ngoài xâm nhập vào. Tỷ lệ nuôi hao hụt chỉ khoảng 3%”, ông Thu chia sẻ. Được biết, mô hình nuôi gà trại lạnh được gia đình ông Thu kết hợp với Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam triển khai từ năm 2015. Theo đó, công ty cung cấp con giống, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và thực hiện các biện pháp vệ sinh chuồng trại theo đúng quy trình. Trại gà của ông Thu hiện chuyên nuôi giống gà lông trắng. Đây là giống gà có thời gian nuôi ngắn, chỉ 42 - 45 ngày là xuất chuồng với trọng lượng từ 2,6 - 2,7 kg/con. Sau mỗi lứa gà thu hoạch, ông được công ty trả tiền công từ 5.400 - 6.000 đồng/kg thành phẩm. Hiện mỗi năm gia đình ông Thu thả nuôi 3 - 4 lứa gà, mỗi lứa khoảng 24.000 con, sau khi trừ chi phí lãi từ 180 - 200 triệu đồng/lứa. Ông Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y Cam Lâm cho biết, hiện chăn nuôi trên địa bàn có sự chuyển dịch theo quy mô trang trại. Địa phương khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hình thức trại lạnh, vừa đảm bảo môi trường, vừa an toàn dịch bệnh, giảm thiểu công lao động mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Theo KIM SƠ - KIM CHI/ NNVN |
- Chủ động phòng dịch, cung ứng đủ con giống để tái đàn
- Chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật ưu việt cho người chăn nuôi gà
- Đất khỏe - giải pháp canh tác sắn bền vững
- Độc đáo mô hình lúa bệ
- Nuôi heo Japfa là muốn nuôi tiếp
- Kỹ thuật chăm sóc để cây ăn quả sớm phục hồi sau mưa lũ
- Cảnh giác với sâu bệnh hại trên lúa sau mưa lũ
- Chế phẩm vi sinh biến rơm rạ thành 'thuốc bổ' cho đồng ruộng
- Giống lúa thuần TBR97 vươn mình trong gió bão
- 20 giống cà phê của WASI được chuyển giao ra sản xuất