Giá ca cao tăng gấp đôi, nông dân trúng lớn
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, địa bàn tỉnh hiện có khoảng 1.140ha ca cao, năng suất đạt khoảng 15,56 tạ/ha, sản lượng ca cao bình quân hàng năm đạt khoảng 1.525 tấn. Hiện nay, cây ca cao đươc trồng tại các huyện như Ea Kar, Ea Súp, Krông Ana, Ea H'leo. Cây ca cao sinh trưởng và phát triển tốt trên các vùng đất trồng cà phê già cỗi, sâu bệnh phải thanh lý, không thể tái canh. Ngoài ra, đây là cây ưa bóng, thích hợp trồng xen với các loại cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày hoặc cây lâm nghiệp, không cạnh tranh nhiều với các loại cây trồng khác, góp phần nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Các chuyên gia đánh giá, ca cao Đắk Lắk có chất lượng tốt nhất cả nước bởi địa phương có điều kiện đất đai, khí hậu thổ nhưỡng phù hợp cho loại cây này sinh trưởng, phát triển. Giá tăng gấp đôi Gia đình bà La Thị Thùy Linh (ngụ xã Ea Knốp, huyện Ea Kar) trồng gần 1ha ca cao đang cho thu hoạch với năng suất hạt khô đạt 2,5 tấn/năm. Theo bà Linh, những năm trước giá ca cao dao động từ 80.000 - 90.000 đồng/kg thì năm nay tăng gấp đôi, từ 150.000 - 180.000 đồng/kg. Trừ chi phí, gia đình bà Linh thu lãi khoảng 250 triệu đồng. “Giá ca cao những năm qua tăng đều qua các năm. Để có đầu ra ổn định, gia đình tôi đã tham gia HTX trên địa bàn, được HTX thu mua tận vườn”, bà Linh nói.
Tương tự, gia đình ông Võ Văn Sỹ (xã Ea Na, huyện Krông Ana) cũng chuyển đổi vườn cà phê già cỗi sang trồng khoảng 1ha cây ca cao. Năm nay, do thời tiết nắng hạn kéo dài, sâu bệnh hại tăng nên năng suất ca cao không đạt, giảm gần 50% so với năm 2023. Uớc gia đình ông Sỹ thu được gần 1 tấn hạt ca cao khô, với giá bán 150.000 đồng/kg, gia đình lãi khoảng 135 triệu đồng. “Năng suất giảm song giá tăng rất cao nên gia đình tôi vẫn có lãi khá, tiếp tục vệ sinh vườn, chăm sóc cây cho vụ sau. Trồng ca cao cho thu nhập cao hơn hẳn so với cà phê nhưng công chăm sóc và đầu tư ít hơn”, ông Sỹ chia sẻ. Hiện toàn xã Ea Na có hơn 60ha ca cao, với sản lượng gần 100 tấn hạt khô/năm (năng suất 1,5 tấn/ha). Ngoài lợi thế địa phương có điều kiện đất đai phù hợp để trồng cây ca cao thì hiện nay, hầu hết người dân trồng ca cao trong xã đều tham gia vào HTX, liên kết với doanh nghiệp để được hỗ trợ về kỹ thuật, giúp việc canh tác đạt năng suất, chất lượng cao cũng như ổn định đầu ra và giá cả.
Ông Thái Đăng Đàm, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp - Sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ ca cao huyện Ea Kar cho biết, ca cao là cây trồng mới, có mặt ở địa bàn huyện hơn 10 năm nay. Hiện HTX có 65 thành viên, liên kết với 179 hộ dân trồng ca cao với diện tích hơn 300ha ở 6 xã, thị trấn. HTX hiện có các sản phẩm bột ca cao, bơ ca cao, chocolate và rượu vang ca cao, trong đó đã có 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Theo ông Đàm, những năm qua, được sự quan tâm của cơ quan chức năng, HTX được hỗ trợ về vốn, máy móc, truy xuất nguồn gốc; máy móc, thiết bị tương đối đầy đủ. “Thời gian tới, với giá cả, đầu ra ổn định, mỗi năm HTX sẽ phát triển thêm từ 10 - 15ha cao cao. Để ca cao cho năng suất cao, chất lượng tốt, HTX sẽ chọn giống chuẩn để canh tác bền vững, mở rộng vùng nguyên liệu. Bên cạnh những lợi thế về sản xuất, nhìn chung thị trường tiêu thụ ca cao thuận lợi, dự báo trong tương lai cung vẫn thấp hơn cầu”, ông Đàm thông tin. Liên kết để đầu ra ổn định Để tìm đầu ra cho hạt ca cao và các sản phẩm từ ca cao, các HTX đã liên kết với một số doanh nghiệp sản xuất socola để thu mua hạt ca cao, giúp nông dân yên tâm về đầu ra. Ngoài ra, các HTX đang khuyến khích người dân chuyển sang sản xuất ca cao theo hướng hữu cơ để ổn định về năng suất, chất lượng và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 6 doanh nghiệp thu mua ca cao xuất khẩu với khoảng hơn 20 đại lý thu mua trên địa bàn các huyện.
Ngoài ra, các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Cao Nguyên Xanh, Công ty TNHH ca cao Nam Trường Sơn cũng tham gia thu mua ca cao. Hạt ca cao lên men của tỉnh được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá có chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng vì cỡ hạt lớn. Ông Trương Ngọc Quang, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Nam Trường Sơn cho biết, năm nay giá ca cao tăng vượt ngoài dự báo của doanh nghiệp. Theo ông Quang, giá ca cao tăng, người dân hưởng lợi và tăng thu nhập, từ đó chú trọng hơn trong việc đầu tư, chăm sóc cũng như mở rộng diện tích, góp phần tăng sản lượng và hướng tới phát triển bền vững. “Công ty đang liên kết với 2 hợp tác xã với diện tích khoảng 250ha tại các huyện Krông Ana, Ea Kar và Buôn Đôn, sản lượng đạt 200 - 250 tấn/năm. Từ năm 2013 đến nay, Công ty đã hỗ trợ người dân và các HTX xây dựng vùng nguyên liệu, tập huấn để xây dựng chuỗi liên kết. Mục tiêu của chúng tôi là tăng cường xây dựng chuỗi liên kết để phát triển cây ca cao bền vững; hỗ trợ nông dân về kỹ thuật sản xuất, lên men để bảo đảm chất lượng sản phẩm”, ông Quang thông tin. Với những tiềm năng, thuận lợi trong việc trồng và phát triển ca cao, tỉnh Đắk Lắk đang xây dựng Đề án phát triển ngành hàng ca cao phù hợp với định hướng tái cơ cấu nông nghiệp trong giai đoạn tới.
Theo đó, mục tiêu của Đề án nhằm xây dựng ngành hàng ca cao phát triển theo chuỗi giá trị, đảm bảo bền vững về mặt kinh tế, xã hội, môi trường; xây dựng thương hiệu sản phẩm phù hợp với hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ca cao ngày càng tăng ở thị trường xuất khẩu và nội địa. Mặt khác, nhiều nông hộ, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đang thử nghiệm, triển khai mô hình vừa sản xuất ca cao vừa gắn với du lịch trải nghiệm. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, hiện các vùng trọng điểm trồng ca cao của tỉnh đã xây dựng được chuỗi liên kết trong khâu sản xuất với tiêu thụ, góp phần gia tăng giá trị cho cây ca cao và đem lại cho người dân nguồn thu nhập ổn định ở mức 100 - 130 triệu đồng/ha/năm. Để phát triển ngành hàng ca cao, địa phương đang rà soát lại những vùng có khả năng trồng cây ca cao, đồng thời rà soát lại ngành hàng ca cao từ khâu tổ chức sản xuất, chế biến đến thị trường tiêu thụ và cơ chế chính sách để phát triển ngành hàng bền vững. Trong Đề án phát triển ngành hàng ca cao, các chuyên gia đưa ra nhiều giải pháp nhưng khâu quan trọng nhất là chọn giống, đồng thời cần làm tốt khâu chế biến và phòng trừ sâu bệnh. Tỉnh Đắk Lắk cũng xác định phát triển ngành hàng ca cao phải lấy hộ nông dân và các thành phần kinh tế khác là chính, do vậy cần có các chính sách cụ thể khuyến khích phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, các thành phần kinh tế tư nhân có điều kiện tham gia phát triển ca cao. Theo MINH QUÝ/ NNVN |
- Giá loại quả ngon-"trái cây vua" của Việt Nam lại bất ngờ tăng vọt, sức mua từ Trung Quốc đạt 10 tỷ USD?
- Nhãn chín muộn giá gần 30 nghìn đồng/kg vẫn 'cháy hàng'
- Loại quả ngon, quả đặc sản này tại Lâm Đồng đang chín trước ở miền Tây, cứ 1kg dân bán giá 70.000 đồng
- Dưa hấu được mùa, giá cao, nông dân lãi gần trăm triệu/ha
- Dự báo giá lợn hơi đứng ở mức cao đến quý I/2025
- Giá sầu riêng đột ngột tăng vọt, dân 22 quốc gia, vùng lãnh thổ đang ăn sầu riêng Việt Nam
- Giá tiêu cao nhất trong vòng 10 năm, nông dân Đắk Lắk "găm" hàng chưa vội bán
- Đây là loại dưa hấu “lạ”, bé bất ngờ, trước cả trăm nghìn đồng/kg, nay bán đầy chợ với giá “siêu rẻ”
- Giá tiêu tăng cao, người trồng hưởng “vị ngọt”
- Giá sầu riêng ở Gia Lai tăng cao, nông dân chia sẻ kinh nghiệm ký hợp đồng để đảm bảo lợi ích của mình