Anh nông dân Nghệ An “cưa sừng” lấy vàng, cả làng thán phục
Từ anh nông dân nuôi vịt chạy đồng Men theo cánh đồng lúa xanh mướt, chúng tôi tìm đến trang trại của anh Cao Xuân Hảo, ở xóm 4 xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An). Chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước một trang trại sạch sẽ, trong lành có nhiều ao cá và cây xanh đẹp mắt đến vậy. Anh Hảo cho biết: "Trang trại này trước đây là rộc nước, năn lác ken dày, vợ chồng tôi phải bỏ nhiều công sức cải tạo mới trở nên ngon lành như bây giờ".
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, anh Hảo phải bỏ dở chuyện học hành để ở nhà phụ giúp bố mẹ làm lụng mưu sinh. Nhà chỉ có mấy sào ruộng khoán nên anh Hảo làm thêm nghề nuôi vịt chạy đồng theo thời vụ và nuôi vịt đẻ. "Nghề này vất vả lắm, suốt ngày dầm mưa, dãi nắng nắng ngoài đồng chạy theo vịt, đêm cũng phải chụm lều ngủ cùng vịt. Cái nghề khó nhọc nhưng lời lãi chẳng đáng là bao, chưa nói đến những lần vịt bị dịch lăn ra chết hàng loạt… trắng tay. Nhưng tôi không thể bỏ được nghề bởi đã trót mang rồi, vả lại bỏ chẳng biết làm nghề gì", anh Hảo tâm sự. Nhiều năm gắn bó với nghề nuôi vịt chạy đồng với biết bao vất vả thăng trầm, cuối cùng anh Hảo cũng có cơ hội để thỏa mãn ước mơ, có một trang trại để mở rộng chăn nuôi theo mô hình khép kín. Năm 2013, một số người anh em họ hàng đi Lào làm ăn, anh mua lại ruộng, cộng với việc dồn điền đổi thửa, anh đã gom cho mình hơn 2 ha. "Vùng đất của tôi gọi là cồn "Bể Đầu", vùng cồn cao, rộc nước chẳng trồng trọt, chăn nuôi được gì. Vợ chồng tôi dùng sức người cải tạo, hơn 2 năm trời cũng ra hình hài trang trại", anh Hảo tâm sự. Tích góp được một số vốn liếng và vay thêm ngân hàng, anh Hảo đầu tư chăn nuôi vịt đẻ và nuôi lợn. Có thời điểm đàn vịt của anh lên tới 4.000 con, đàn lợn hơn 200 con, nhưng với cách nuôi vịt theo kiểu truyền thống, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi nên trang trại của anh Hảo không phát triển, nhiều lứa lợn, vịt bị dịch chết hàng loạt, lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần. Nhưng với quyết tâm không đầu hàng số phận, anh Hảo đã "vùng dậy" với cách làm ăn mới và ước mơ vươn ra "biển lớn". Đến trang trại nuôi hươu tiền tỷ Nhận thấy nuôi vịt, nuôi lợn không ăn thua, anh Hảo nhiều đêm trằn trọc, nghĩ phương thức làm ăn và đã thực hiện nhưng không hiệu quả. Năm 2018, anh đi tham quan trang trại nuôi hươu trên địa bàn và các tỉnh lân cận do UBND xã tổ chức, đọc thêm sách báo về kỹ thuật chăn nuôi. Nghĩ là làm, anh Hảo mạnh dạn tiếp tục vay vốn ngân hàng xây dựng trang trại nuôi hươu. Năm đầu tiên anh nuôi 30 con hươu giống. Không ngờ sau 2 năm chăm sóc đã cho thu lãi hơn 200 triệu đồng. Nhờ chịu khó, không ngừng học hỏi, đến nay anh nhân đàn thành công đàn hươu lên 60 con. Từng bước vươn lên, anh đầu tư hai dãy chuồng trại với 60 chuồng bằng gỗ với chi phí hơn 1 tỷ đồng. Ngoài việc bán nhung hươu tươi anh Hảo còn phối giống, cho hươu sinh sản để bán giống. Sau 3 tháng hươu có thể xuất bán với giá từ 17 triệu đồng/con (hươu đực) và từ 10-12 triệu đồng/con (hươu cái). Mỗi năm, anh Hảo xuất bán trên 15 hươu giống ra thị trường. "Nuôi hươu cũng dễ. Quan trọng biết cách nuôi khoa học, khép kín, nhưng chuồng trại phải thoáng mát gần gũi và thân thiện với thiên nhiên. Đặc biệt, phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, dùng đệm lót sinh học để các chuồng được sạch sẽ", anh Hảo bật mí. Đặc tính của hươu rất nhạy cảm, hạn chế người lạ vào tránh hươu giật thột húc, nhảy lung tung, ảnh hưởng đến sự phát triển và sinh sản. Con đực, con cái phải nhốt riêng, mỗi con một chuồng để tránh vào mùa động dục sẽ tấn công nhau, gây thương tích. "Tôi trồng vườn mít, trồng các loại cây thảo dược để làm thức ăn cho hươu. Nguồn thức ăn luôn đầy đủ, cho ăn một cách khoa học tùy theo độ tuổi và các thời kỳ sinh trưởng và sinh sản của hươu. Chính vì cho hươu ăn một cách khoa học cùng với các loại thảo dược nên nhung hươu rất tốt, được khách hàng ưa chuộng", anh Hảo chia sẻ. Theo anh Hảo, con hươu đực trưởng thành mỗi năm cho cắt lộc 2 lần, mỗi lần cắt được khoảng 1,7- 2 kg, lãi từ 12 - 15 triệu đồng/con từ việc bán nhung hươu tươi. Mỗi năm anh Hảo thu lãi ròng từ bán nhung hươu và hươu giống hơn 500 triệu đồng. "Sắp tới tôi sẽ làm thêm chuồng trại để nâng số lượng đàn hươu, mở rộng quy mô, liên kết với các trang trại nuôi, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu. Tiếp tục hỗ trợ nguồn giống chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con, nhất là đoàn viên, thanh niên muốn lập nghiệp bằng kinh tế trang trại. Tôi cũng sẽ mở một xưởng chế biến các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe từ nhung hươu như: Rượu nhung hươu, bột nhung hươu, nhung hươu ngâm mật ong", anh Hảo cho biết. Song song với mô hình nuôi hươu, anh Hảo vẫn duy trì đàn vịt đẻ 2.000 con cùng với thả cá nước ngọt và chăn nuôi lợn. Mô hình trang trại tổng hợp cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 4-5 nhân công với mức lương khá cao. Trao đổi với PV Dân Việt, ông Dương Đăng Hoàng - Chủ tịch UBND xã Diễn Liên, cho biết: "Anh Cao Xuân Hảo là tấm gương vượt khó vươn lên, dám nghĩ dám làm. Mô hình nuôi hươu của anh Hảo là một trong những mô hình điển hình của huyện Diễn Châu. Đây cũng là mô hình được chọn để bà con nông dân trong và ngoài huyện đến tham quan, học tập". "Mô hình nuôi hươu của anh Cao Xuân Dương được nhiều người trong và ngoài tỉnh đến tham quan và học hỏi. Một số người đã thành công như anh Nguyễn Hà ở Đô Lương, Anh Phan Trọng Hùng ở Nghi Lộc", ông Dương Đăng Hoàng - Chủ tịch UBND xã Diễn Liên, nói. Theo TIẾN DŨNG - LÊ TẬP/ DÂN VIỆT |
- Giống lúa Nhật thế hệ mới J01 vững vàng trước bão
- Chanh dây hoàng kim VN77 bám rễ tại vùng đất nhiễm phèn Tân Phước
- Chuẩn bị ngay phương án phòng, chống dịch bệnh vật nuôi sau siêu bão Yagi
- Giống cấy mô mở tương lai cho cây chuối mật mốc
- Chăn nuôi an toàn sinh học, người dân được mở mang tri thức
- Xử lý nhanh rơm rạ tại ruộng, tiết kiệm 20 - 30% phân bón
- Giống nhãn mới Thanh Sơn hạt lép, cơm vàng, ăn rất ngon
- Cẩn trọng bùng phát sâu bệnh hại sau bão số 3
- Bất ngờ với năng suất, chất lượng giống ngô sinh khối ĐH 17-5
- Giống lúa TBR97 của ThaiBinh Seed được thương lái săn lùng với giá cao, nông dân Khánh Hòa phấn khởi