Kỹ thuật rải vụ thu hoạch sầu riêng
Các bước tiến hành như sau: 1. Xiết nước: Rút nước trong lòng mương tới khô kiệt, dùng nilon phủ trực tiếp lên mặt liếp và quanh gốc cây để mưa không thấm xuống vùng rễ. Có thể làm vòm nilon phủ liếp, chi phí cao hơn nhưng hiệu quả tốt hơn rất nhiều vì vừa ngăn được nước mưa thấm vào vùng rễ, vừa tạo điều kiện cho đất thoát hơi nước, giúp vườn cây khô hạn nhanh hơn.
2. Chặn rễ: Đào rãnh rộng 20 - 30cm, sâu 30cm cách xung quanh gốc cây 2,5 - 3m, sau 7 - 10 ngày lấp đất kín rãnh trở lại, để không ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của hoa, quả sầu riêng sau này. 3. Kích thích cây ra cơi đọt: Ngay sau kết thúc vụ thu hoạch, tiến hành tỉa bỏ những cành bị sâu bệnh, cành gầy yếu, cành đan chéo trong thân, cành phụ (bơi) trên cuống trái và cành chính và phun phòng bệnh đốm rong trên cây bằng thuốc BVTV có gốc đồng (Cu). Sau đó bón mỗi cây 10 - 15kg phân hữu cơ hoai mục và 1 - 2kg NPK (3-2-1), nếu pH đất < 5 thì bón 3 - 5kg vôi bột/cây) và tưới nước 2 - 3 ngày/lần. Để kích khích cây ra cơi đọt lần 2, bón qua lá các phân có hàm lượng lân và kali cao, khi các lá trên cơi đọt chuyển màu xanh nhạt mới lặp lại quá trình bón phân như lần 1. Chú ý duy trì mực nước mương sâu 60 - 80cm. 4. Sử dụng hóa chất: Dùng chế phẩm PBZ (paclobutrazol) làm giảm quá trình sinh trưởng sinh dưỡng, kích thích quá trình sinh trưởng sinh thực, thúc cây ra hoa, đậu quả theo ý muốn. Phun PBZ (0,10 - 0,15%) ướt đều 2 mặt lá cây sầu riêng khi cơi đọt cuối cùng chuyển sang lá lụa. Lưu ý, không tưới PBZ tưới vào đất vì hoá chất này có thể tồn đọng lâu trong đất (hơn 2 năm).
5. Tạo mầm hoa: Khi cây có lá lụa (khoảng 1 tháng trước phun PBZ), bón NPK (1-3-3) để thúc cây phân hoá mầm hoa. Có thể bón Kali + DAP 2-1, liều lượng 0,5kg/cây hoặc phun siêu lân 86 qua lá 1 - 2 lần cách nhau 10 - 15 ngày. Trong đó khoảng 7 ngày trước khi phun PBZ cần cắt hết các cành bơi trên cuống trái và phun MKP (0-52-34) 0,5% lên cây để lá trưởng thành đồng đều rồi rút kiệt nước mương cho tới khi mầm hoa lộ rõ. 6. Xử lý ra hoa: Đào rãnh rộng 20 - 30cm, sâu 30cm xung quanh cách gốc cây 2,5 - 3m, phủ nilon lên mặt liếp và phun PBZ nồng độ 1.000 - 1.500 ppm ướt đều lên 2 mặt lá sầu riêng vào sáng sớm hoặc chiều mát (nếu không xử lý bằng PBZ, tỷ lệ ra hoa nghịch vụ chỉ đạt 50 - 60%). Khi cây nhú mầm hoa bằng mắt cua, phun KNO3 (0,5 - 1%) để mầm hoa phát triển khoẻ, tránh bị miên trạng (mầm hoa bị chai); phun nhắc lại chế phẩm này nếu mầm hoa phát triển kém; dỡ màng phủ liếp và bón hỗn hợp NPK (1-1-1) + Urê tỷ lệ 3:1 để kích đọt khi mầm hoa ló rộ dạng tròn, liều lượng 0,5 - 0,7kg/cây. Bón nuôi hoa (sau nhú mầm 25 - 30 ngày) từ 0,2 - 0,3kg NPK (1-1-1)/cây. Khi hoa phát triển được 20 và 40 ngày cần tỉa bớt hoa trên những cây ra nhiều hoa, gồm cắt bỏ các hoa ngoài tán, trên thân hoặc ở sát thân chính, tỉa bỏ cả những chùm hoa cuống nhỏ, chỉ để lại những chùm hoa cuống to cách đều nhau trên cành. T 7. Tăng tỷ lệ đậu trái: Trước và sau hoa nở 3 - 5 ngày, phun canxi bo để tăng đậu trái. Có thể thụ phấn bổ sung bằng cách dùng cây chổi nilon quơ qua, quơ lại vài lần lên nướm của chùm hoa đang nở, thời gian tiến hành từ 18 – 21 giờ. Lưu ý, chỉ thụ phấn những chùm hoa ở giữa cành để tránh làm gãy các cành nhành. 8. Chăm sóc cây ở thời kỳ nuôi quả: Sau đậu trái 7-10 ngày, phun NPK 0,5% (1-2-1) + GA3 (Gibberellin) 5 - 10 ppm hai lần cách nhau 10 - 15 ngày để hạn chế rụng trái non. Sau đậu trái 15 - 20 ngày, phun canxi bo + thuốc bảo vệ thực vật ngừa sâu đục quả và rụng trái. Bón nuôi quả lần 1 (sau đậu trái 25 - 30 ngày) khoảng 1,0 - 1,5kg NPK (1-1-1)/cây (tuỳ thực tế sinh trưởng của cây). Những cây phát triển kém hoặc ra nhiều trái, bón thêm NPK + Urê (tỷ lệ 3 : 1). Bón nuôi quả lần 2 (sau đậu trái 60 - 65 ngày) khoảng 0,5 - 1kg NPK (2-1-3)/cây, kết hợp phun bón lá KNO3 (0,5 -1%). Đồng thời phun canxi bo qua lá 2 lần cách nhau khoảng 12 ngày để thúc đẩy quá trình vào cơm (thịt quả). Bón nuôi quả lần 3 như lần 2 nhưng chỉ áp dụng cho những vườn trồng giống sầu riêng có thời gian phát triển quả dài > 100 ngày như Monthong (Dona). 9. Tỉa quả (thời kỳ sau đậu trái 20 - 25 ngày và 40 - 45 ngày): Cắt bỏ những quả méo, quả cuống nhỏ và tỉa thưa những quả quá nhiều trong chùm, trong đó những cây 10 - 15 năm tuổi chỉ nên để 70 - 100 quả/cây. Định kỳ 15 - 20 ngày/lần phun MKP (0-52-34) nồng độ 2 - 2,5% hoặc KNO3 (1,5%) để ức chế cây ra đọt non. Sau đậu trái 30 - 35 ngày, phun Ca(NO3)2 nồng độ 0,2% nhằm hạn chế sượng cơm. Riêng những vườn trồng giống sầu riêng Ri6 cần bón canxi bo qua lá để khắc phục cháy múi quả, sau đó khoảng 12 ngày phun MgSO4 (0,2%) qua lá giúp hạn chế sượng múi. Để hạn chế nhão cơm quả vào mùa mưa, trước thu hoạch 25 - 30 ngày cần rút kiệt nước mương kết hợp phủ nilon mặt liếp. 10. Phòng trừ sâu bệnh: Theo dõi phòng trừ kịp thời các đối tượng dịch hại sầu riêng như nhện, rầy mềm, bọ phấn, bọ trĩ, thán thư, bệnh thối trái, nhất là vào các thời kỳ đọt non bung lá, trước và sau hoa nở và thời vụ có mưa. Nên thu gom trái rụng mang ra khỏi vườn tiêu hủy, không để trái rụng trong mương tưới hay trên mặt liếp trong vườn. Chú ý tuân thủ các quy định quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và quản lý mùa vụ tổng hợp (ICM), đồng thời phải đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. 11. Thu hoạch: Khi vỏ quả chuyển từ màu nâu sáng sang vàng xanh và dùng thanh gỗ gõ vào trái nghe tiếng bộp, bộp. Lưu ý, dừng thu hoạch khi có mưa lớn để hạn chế cơm trái bị nhão rồi bơm nước trong mương ra, sau 3 ngày mới tiếp tục thu hoạch. Sầu riêng xuất khẩu cần xử lý cho quả chín tập trung bằng cách quét ethephon (0,1 - 0,2%), sau để cho trái chín tự nhiên, tuyệt đối không được đậy kín. Chú ý: Bên cạnh các giải pháp trên, có thể rải vụ thu hoạch sầu riêng bằng bố trí cơ cấu giống trồng hợp lý. Ngoài sản xuất các giống sầu riêng có thời gian phát triển quả dài (> 100 ngày) như giống Dona, bố trí trồng thêm các giống sầu riêng có thời gian phát triển quả ngắn như Ri6, giúp kèo dài được mùa vụ thu hoạch quả từ 20 - 30 ngày. Theo NGUYỄN HẢI TIẾN - VŨ NGỌC HOA/ NNVN |
- Giống lúa Nhật thế hệ mới J01 vững vàng trước bão
- Chanh dây hoàng kim VN77 bám rễ tại vùng đất nhiễm phèn Tân Phước
- Chuẩn bị ngay phương án phòng, chống dịch bệnh vật nuôi sau siêu bão Yagi
- Giống cấy mô mở tương lai cho cây chuối mật mốc
- Chăn nuôi an toàn sinh học, người dân được mở mang tri thức
- Xử lý nhanh rơm rạ tại ruộng, tiết kiệm 20 - 30% phân bón
- Giống nhãn mới Thanh Sơn hạt lép, cơm vàng, ăn rất ngon
- Cẩn trọng bùng phát sâu bệnh hại sau bão số 3
- Bất ngờ với năng suất, chất lượng giống ngô sinh khối ĐH 17-5
- Giống lúa TBR97 của ThaiBinh Seed được thương lái săn lùng với giá cao, nông dân Khánh Hòa phấn khởi