Cảnh giác với sâu bệnh hại trên lúa sau mưa lũ
Theo Bộ NN-PTNT, cơn bão số 3 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho những diện tích sản xuất lúa ở các tỉnh phía Bắc. Đặc biệt hiện nay, nhiều diện tích lúa ở các tỉnh phía Bắc đang vào thời kỳ trỗ bông và vào hạt, sẵn sàng chuẩn bị để thu hoạch sớm và sản xuất cây vụ đông. Tuy nhiên nhiều diện tích lúa đã bị đổ và ngập úng. Theo ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN-PTNT), để phục hồi "sức khỏe" cho cây lúa sau bão lũ, người dân cần khẩn trương, tích cực tiêu úng, thoát nước. “Với những diện tích lúa đã vào hạt từ 3 - 5 ngày, nếu để bị ngập lâu, cây lúa sẽ bị hỏng. Do vậy việc đầu tiên bà con cần làm là phải tiêu úng thật nhanh. Sau đó tiến hành buộc dựng đứng đối với lúa đã trỗ bông và vào hạt để cây lúa có thể quang hợp và tiếp tục phát triển”, ông Hoàng Văn Hồng lưu ý. Với những diện tích lúa vừa trỗ bông, chưa vào hạt, sau khi tiêu úng, thoát nước, cần dựng cây lúa ở góc 70 - 80 độ để lúa có thể tiếp tục quang hợp. Với những diện tích lúa đang trong giai đoạn làm đòng, chưa trỗ bông, người dân cần đảm bảo việc tiêu úng, thoát nước, giữ an toàn cho bộ lá đòng - bộ phận có công năng giúp cây lúa quang hợp để vào hạt.
“Với những diện tích lúa bà con không thể tiêu úng, thoát nước, có nguy cơ bị hỏng, bà con cũng cần sớm chuẩn bị cho việc sản xuất cây vụ đông, từ đó tăng thêm thu nhập, bù đắp phần nào lúa bị thiệt hại”, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khuyến cáo. Theo ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), sau khi trải qua giai đoạn mưa lũ, cây lúa thường gặp phải một số loại sâu bệnh nguy hiểm. “Giai đoạn chuẩn bị hoặc bắt đầu trỗ bông là một trong những giai đoạn cây lúa rất mẫn cảm với bệnh bạc lá và bệnh đốm sọc vi khuẩn. Đặc biệt trong điều kiện thời tiết mưa bão vừa qua, cây lúa đã bị va đập mạnh nên nguy cơ phát sinh những bệnh này là rất lớn”, ông Dương cho hay.
Chia sẻ về những biện pháp phòng ngừa 2 bệnh trên, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo người dân không bón phân đạm cho lúa. “Sau bão lũ, bà con thấy cây lúa bị đổ ngã thường hay có tâm lý bón thêm đạm để cây phục hồi. Thế nhưng chính việc bón phân đạm vào giai đoạn này sẽ tạo cơ hội để bệnh bạc lá và đốm sọc vi khuẩn phát triển mạnh hơn", ông Dương khuyến cáo. Bên cạnh đó, mặc dù không phải là đối tượng gây hại thường xuyên với lúa vụ mùa nhưng trong điều kiện thời tiết mưa lũ, người dân cũng cần quan tâm đến việc phòng ngừa bệnh đạo ôn cổ bông. Người dân cũng cần quân tâm đến các đối tượng rầy nâu, sâu đục thân và sâu cuốn lá. “Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật cũng như bà con nông dân các địa phương cần phải đặc biệt lưu tâm, điều tra, phát hiện sớm để phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại trên cây lúa sau mưa lũ”, ông Dương nhấn mạnh. Theo PHẠM HIẾU/ NNVN |
- Nuôi vịt, chăm lợn bằng điện thoại thông minh
- Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha
- Nông dân phải thấy được lợi ích từ sản xuất hữu cơ
- Các bước sản xuất giống cây có múi sạch bệnh
- Vị thế riêng biệt của vịt bầu Quỳ Châu
- Hài lòng với giống lúa TBR97 ở vùng đất khó
- Chủ động phòng dịch, cung ứng đủ con giống để tái đàn
- Chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật ưu việt cho người chăn nuôi gà
- Đất khỏe - giải pháp canh tác sắn bền vững
- Độc đáo mô hình lúa bệ