Chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật ưu việt cho người chăn nuôi gà
Cơ hội để Thái Nguyên tiếp cận những công nghệ mới trong chăn nuôi Theo Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên, trong những năm qua, tỉnh đã phát triển sản xuất chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô trang trại, thay thế dần chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô nông hộ bằng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, xây dựng chuỗi liên kết giá trị trong chăn nuôi. Tổng đàn gia súc, gia cầm và sản lượng chăn nuôi của Thái Nguyên đã có sự tăng trưởng đều đặn qua các năm. Hiện nay, đàn trâu, bò đạt khoảng 95.000 con, đàn lợn khoảng 610.000 con, đàn gia cầm khoảng 16 triệu con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 170.000 tấn. Giá bán sản phẩm chăn nuôi có xu hướng tăng. Phát biểu tại Hội thảo “Giới thiệu tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi gà” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên tổ chức ngày 11/10, ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên, thông tin, thời gian qua, tỉnh đã rà soát, lựa chọn sản phẩm thịt lợn, thịt gà và trứng gà là các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của địa phương để đầu tư phát triển, qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. “Tuy nhiên sản xuất chăn nuôi của Thái Nguyên hiện đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Điển hình như một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái bùng phát, giá các loại thức ăn chăn nuôi, vật tư, thuốc thú y... vẫn đang ở mức cao…”, ông Vũ Đức Hảo cho biết và nhấn mạnh ý nghĩa thiết thực, quan trọng của Hội thảo “Giới thiệu tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi gà” trong bối cảnh của địa phương hiện nay.
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên, Hội thảo sẽ tạo điều kiện để các nhà quản lý, các nhà khoa học, doanh nghiệp, cán bộ kỹ thuật, cộng tác viên khuyến nông, các chủ trang trại và người chăn nuôi tại địa phương có cơ hội tiếp cận, chia sẻ các thông tin, kinh nghiệm về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới trong chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gà. Hội thảo “Giới thiệu tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi gà” cũng là dịp để các đơn vị, địa phương, người chăn nuôi Thái Nguyên cùng thảo luận, giải đáp những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong phát triển chăn nuôi nói chung và kỹ thuật chăn nuôi gà nói riêng. “Đồng thời, đây là cơ hội để tỉnh Thái Nguyên giới thiệu về tiềm năng và lợi thế, định hướng phát triển của ngành chăn nuôi, là cơ hội để học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm quý về phát triển chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gà nói riêng giữa các tỉnh trong vùng, góp phần thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi lớn mạnh, bền vững trong xu thế hội nhập quốc tế”, ông Vũ Đức Hảo nhấn mạnh. Nhiều tiến bộ kỹ thuật ưu việt được chuyển giao đến người chăn nuôi Tại Hội thảo “Giới thiệu tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi gà”, các nhà quản lý, nhà khoa học đã cùng với người chăn nuôi thảo luận các vấn đề liên quan đến ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào chăn nuôi gà trong thực tiễn sản xuất. Đồng thời đánh giá kết quả triển khai áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới tại các địa phương cũng như tập trung trao đổi các giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi.
Theo ông Lê Minh Lịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các tiến bộ kỹ thuật mới được giới thiệu đến bà con gồm các tiến bộ kỹ thuật mới về giống như gà mía, gà ri, gà TP, gà LV, gà Ai Cập... Đặc biệt là giống Gà lai 18M1 có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, chất lượng ổn định, thịt thơm ngon, thích nghi tốt với nhiều vùng sinh thái. Bên cạnh đó là các tiến bộ kỹ thuật tập trung vào quy trình sản xuất thức ăn chăn nuôi và chế phẩm Probiotic đa chủng dạng bột dùng trong chăn nuôi. “Ngoài ra, bà con sẽ có cơ hội tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật về xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi bằng việc sử dụng các chế phẩm vi sinh vật hữu hiệu phục vụ xử lý đệm lót và môi trường chăn nuôi. Bên cạnh đó là các tiến bộ kỹ thuật về quy trình công nghệ như Quy trình công nghệ thụ tinh nhân tạo sản xuất gà thuần, gà lai; Quy trình ấp trứng đa kỳ - đa giống và nuôi gia cầm bố mẹ; Phương thức nuôi theo quy trình an toàn sinh học…”, ông Lê Minh Lịnh cho hay. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tiếp thu, tổng hợp các ý kiến từ Hội thảo, báo cáo lãnh đạo Bộ NN-PTNT để có những chủ trương, giải pháp cụ thể nhằm tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đề nghị Trung tâm Khuyến nông các tỉnh tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Sở NN-PTNT các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong nông nghiệp, phát triển chăn nuôi phù hợp tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương.
Các doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội cũng cần dựa trên thông tin và kết quả của Hội thảo để đề xuất đặt hàng các các nội dung về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi gà với hệ thống khuyến nông, HTX, người nông dân trong việc cung ứng, đầu tư trang thiết bị, trình diễn mô hình. “Các HTX, Tổ hợp tác, Tổ dịch vụ, người sản xuất cần căn cứ vào thông tin, kết quả tại Hội thảo để tổ chức sản xuất ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới một cách có hiệu quả. Đồng thời đề ra những phương án, giải pháp triển khai cụ thể nhằm phát huy đối ta nguồn lực sẵn có trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất”, ông Lê Minh Lịnh nhấn mạnh. “Những chia sẻ của các nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia tại Hội thảo sẽ giúp Bộ NN-PTNT và các đơn vị từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gà nói riêng. Từ đó đề ra những định hướng hoạt động khoa học công nghệ cần tập trung nghiên cứu trong giai đoạn tới, nhằm đáp ứng tốt hơn nữa những yêu cầu của thực tiễn sản xuất”, ông Lê Minh Lịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nhận định. Theo PHẠM HIẾU/ NNVN |
- Nuôi vịt, chăm lợn bằng điện thoại thông minh
- Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha
- Nông dân phải thấy được lợi ích từ sản xuất hữu cơ
- Các bước sản xuất giống cây có múi sạch bệnh
- Vị thế riêng biệt của vịt bầu Quỳ Châu
- Hài lòng với giống lúa TBR97 ở vùng đất khó
- Chủ động phòng dịch, cung ứng đủ con giống để tái đàn
- Đất khỏe - giải pháp canh tác sắn bền vững
- Độc đáo mô hình lúa bệ
- Nuôi heo Japfa là muốn nuôi tiếp