Nuôi loài thú vốn là con động vật hoang dã "nhát như cáy", ông nông dân Phú Yên giàu hẳn lên

Ông Đặng Ngọc Hùng, hiện đang sinh sống tại thôn Phước Bình Bắc, xã Hòa Thành, TX Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, tuổi đã trên 70 nhưng gia đình ông đã đầu tư con giống về nuôi từ những năm 2014 cho đến nay, hiện đang duy trì nuôi 3 con nai đực cho khai thác nhung nai.

Trực tiếp nghe ông Hùng chia sẻ kinh nghiệm nuôi nai lấy nhung và tình hình chăn nuôi nai cho thu nhập ổn định từ hộ gia đình cho thấy chăn nuôi nai đang phát huy hiệu quả kinh tế và được nhiều nông hộ nơi đây quan tâm đầu tư.

Con nai cũng là loài động vật dễ thích nghi với mọi điều kiện khí hậu nên chỉ cần một số kinh nghiệm chăm sóc, nhận biết các bệnh để kịp thời chữa trị.

Nếu phát bệnh, nai thường phát bệnh giống như trâu bò nên việc chữa trị giống như chữa bệnh cho bò.

Hơn nữa, nai chủ yếu ăn cỏ, chuối, lá cây, một số phụ phẩm nông nghiệp nên chi phí nuôi không cao vì nai là động vật ăn ít hơn bò, thường lượng thức ăn 1 con bò thì nuôi được 3 con nai.

Để đàn nai phát triển tốt, ông Hùng chia sẻ, chuồng thích hợp cho nai sinh sống cần phải có nền sạch sẽ, dọn chuồng thường xuyên và nền chuồng cần bằng phẳng và đắp cao.

Nuôi con nai lấy nhung, nếu sử dụng đệm lót sinh học thì khoảng 6 tháng mới cần dọn chuồng 1 lần. Đáy chuồng cần thường xuyên được dọn sạch, lót lớp đệm để nền chuồng luôn được khô.

Thành chuồng có thể làm bằng gỗ, hay lưới B40 kiên cố, có nhiều ngăn phù hợp với giai đoạn sinh trưởng của nai.

Đặc biệt, đối với nai đực phải nhốt riêng, tránh tình trạng xung đột giữa các con đực và các con khác trong đàn.

Nai nuôi lấy nhung được nhốt riêng mỗi con 1 chuồng. Trung bình mỗi con nai cho thu hoạch mỗi năm 2 lứa nhung, 1 lứa nhung chính cho thu hoạch từ 2,5 – 3,5 kg/con, 1 lứa nhung phụ từ 1,2- 1,7 kg/con.

Hiện nay giá bán nhung naui tươi từ 7 triệu – 7,5 triệu đồng/kg như vậy trung bình 1 con nai cho tổng thu nhập 25 triệu đồng đến 40 triệu đồng/năm.

Ông Hùng cho biết thêm gia đình ông nuôi nai lấy nhung chủ yếu là tận dụng công lao động nhàn rồi. Nguồn thức ăn cho con động vật này ông tận dụng đất có sẵn tại vườn nhà để trồng cỏ voi, trồng chuối...

Vào thời kỳ nai sắp mọc nhung thì người nuôi nai cần bổ sung, cho con nai ăn thêm củ cà rốt, bắp hạt nấu chín, bí đỏ,….

Theo ông Đặng Ngọc Hùng, trung bình mỗi năm, 1 con nai chỉ hết khoảng 400.000 - 500.000 đồng thức ăn, thuốc men.

Nhung hươu, nhung nai được xếp vào “tứ đại danh dược của thiên nhiên là: sâm - nhung - quế - phụ” (phụ ở đây là phụ tử, tên gọi khác của rễ cây Ô qui đầu).

Nhung hươu, nai bên trong sừng có chứa nhiều mạch máu;. bên ngoài có màu đen hơi hồng, có lớp lông tơ mỏng (có lẽ tên nhung xuất phát từ lớp lông mịn như nhung này chăng ?).

Nhung nai có đặc tính vị ngọt, tính ấm, mặn, là nguồn tài nguyên đã được sử dụng từ hàng nghìn năm trước để bổ thận, tráng dương, sinh tinh, bổ tủy, ích huyệt, mạnh gân xương, tăng cường tuần hoàn máu và có hiệu quả đặc biệt trong việc cải thiện sức khỏe nam giới.

Sử dụng nhung hươu, nai giúp giảm mệt mỏi, nâng cao tinh thần, tăng cường sức khỏe tổng thể. Theo Tây y và y học cổ truyền đều sử dụng nhung hươu trong nhiều bài thuốc bồi bổ cơ thể. Đối với trẻ em, nó có thể giúp cơ thể phát triển và cứng cáp; còn với người cao tuổi, nó giúp tăng cường sức đề kháng, cải thiện sức khỏe, ngăn chặn quá trình lão hóa.

Các loại nhung được sử dụng phổ biến bao gồm:
Huyết nhung: Là phần nhung ngắn mềm, mọng máu, chưa phân nhánh. Huyết nhung được xem là loại nhung quý nhất và có dược tính đặc biệt cao.

Nhung yên ngựa: Là những chiếc sừng non mới bắt đầu phân nhánh nhưng các nhánh còn ngắn, phần phân nhánh bên dài bên ngắn giống như yên ngựa. Cần phải canh thời gian, khi thu hoạch nhung, bởi nếu như để nhung phát triển thành sừng thì giá trị sử dụng thấp.

Trong nhung có chứa các thành phần như: Canxi Cacbonat, Canxi Phosphat, Protid, Collagel, kích tố (testosteron, pentocrin...) và hơn 17 loại Acid Amin.

Hiện nay, đời sống kinh tế người dân ngày càng ổn định, nhu cầu cần bồi bổ sức khỏe con người càng được chú trọng, trong khi việc lấy nhung nai, hươu trong tự nhiên hầu như không thể được; vì thế việc chăn nuôi nai, hươu để lấy nhung được quan tâm, trở thành một nghề mang lại thu nhập khá cho người chăn nuôi.

Theo HUỲNH VĂN VIÊN/ DÂN VIỆT 

Các tin khác