Nuôi heo rừng bằng cách này, nông dân khỏi lo giá thức ăn chăn nuôi tăng "vô tội vạ"

Hiện, 3 trại nuôi heo rừng của anh Nguyễn Văn Phong (xã Phú Lập, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) có 170 con heo rừng nái.

Nuôi heo rừng giống bằng thức ăn thừa

Theo anh Phong, hằng ngày thức ăn thừa của 1.000 con dê trong trại của anh khá lớn. Lượng thức ăn thừa này, trước đây anh chỉ có cách đổ vào hố để làm phân bón cho cây.

Xót của, anh Phong bèn mở trại nuôi heo rừng để tận dụng thức ăn thừa của dê.

Anh Phong cho biết, do là loại ăn tạp, nên những thức ăn thừa của dê, như: cỏ, mít chín… đều được heo rừng ăn hết.

Theo anh Phong, với heo rừng nái, bên cạnh cho ăn thức ăn thừa của dê, anh phải cho heo ăn thêm thức ăn bổ sung để không còi cọc, ốm yếu khi sinh sản.

Riêng heo rừng giống, thức ăn hoàn toàn là rau, củ, bắp hạt, khoai mì…

Anh Phong cho rằng, cho heo rừng ăn thức ăn thừa của dê có nhiều cái lợi.

"Vừa tận dụng hết thức ăn thừa của dê, vừa không tốn chi phí thức ăn và heo rừng không tăng lượng mỡ", anh chia sẻ.

Hiện, tại trại heo giống của anh Phong, heo rừng nái mỗi năm đẻ 2 lứa. Mỗi lần heo rừng nái đẻ 7 - 8 con. Sau 3 tháng sinh, heo rừng con sẽ tách bầy và có thể bán giống.

Thời điểm này, giá heo rừng giống khoảng 3 triệu đồng/cặp (10kg/con). Giá heo rừng "thả bầu" 130.000 – 140.000 đồng/kg.

"Nuôi heo rừng giống bằng thức ăn thừa khi bán xem như "ăn trọn" doanh thu vì chẳng tốn gì cả", anh Phong thổ lộ.

Nuôi heo rừng làm chơi ăn thiệt

Theo anh Phong, từ khi anh đầu tư nuôi heo rừng giống đã hình thành nên nghề nuôi heo rừng của bà con nông dân ở địa phương.

Nhiều hộ nông dân tại huyện Tân Phú đã bắt đầu nuôi heo rừng thịt với số lượng vài chục con heo rừng mỗi đàn.

Anh Phong cho biết, do đặc tính sống ở nơi hoang dã, nên heo rừng ít bị bệnh, sức đề kháng cao, dễ chăm sóc.

Lợi thế của nuôi heo rừng thịt là không tốn chi phí thức ăn công nghiệp, nhất là việc giá thức ăn chăn nuôi đang tăng "nóng" như hiện nay.

Người nuôi chỉ cần chịu khó tận thu phế phẩm nông nghiệp, như: Rau, củ, mít, bắp, khoai mì, chuối… ngoài vườn làm thức ăn cho heo rừng.

"Nuôi heo rừng kiểu tận thu phế phẩm nông nghiệp càng cho chất lượng thịt heo rừng thơm ngon hơn", anh Phong nhận xét.

Chính vì thế, theo anh Phong, lượng heo rừng giống của anh làm ra không đủ cung cấp nhu cầu thị trường.

Anh Phong cho biết, vừa bán hơn 250 con heo rừng giống với giá 3 triệu đồng/cặp.

Sau khoảng một năm nuôi heo rừng, mỗi con heo rừng thịt bán ra nông dân thu được 15 – 17 triệu đồng.

Anh Phong cũng cho biết, trước đây giống heo rừng lai heo mọi cho lượng mỡ nhiều.

Tuy nhiên, giờ heo rừng được lai tạo cho giống mới, nếu nuôi bằng thức ăn là cỏ, rau, củ…, tỷ lệ thịt chiếm đến 80%.

"Những năm qua, nhu cầu thị trường thịt heo rừng khá tốt. Lợi nhuận từ nuôi heo rừng của bà con nông dân khá cao", anh Phong đánh giá.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Phú Nguyễn Trọng Lâm cho biết, nghề nuôi heo rừng đang phát triển tại địa phương.

Và anh Phong là người tiên phong gầy dựng, phát động nghề nuôi heo rừng cho bà con nông dân.

"Trại heo rừng giống của anh Phong đang cho thấy rất hiệu quả việc cung cấp heo rừng giống cho bà con nông dân", ông Lâm chia sẻ.

Theo TRẦN ĐÁNG/ DÂN VIỆT 

Các tin khác