Thâm canh táo ở 'vùng đất khát, năng suất 50 tấn/ha

Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, cây táo (giống táo Thái Lan) bắt đầu bén duyên trên vùng đất xã Cam Thành Nam (TP Cam Ranh) từ năm 2004. Từ đó đến nay, cây táo nơi đây không ngừng mở rộng và phát triển diện tích. Đến năm 2014, toàn xã có khoảng 100 hộ trồng táo với diện tích hơn 90 ha, sản lượng trên 4.000 tấn táo tươi, mang lại nguồn thu không nhỏ cho người dân.

Tuy nhiên từ năm 2015, việc trồng táo nơi đây gặp nhiều khó khăn do nắng hạn kéo dài, thiếu nguồn nước tưới; sâu bệnh, nhất là ruồi đục trái phát sinh mạnh và khó kiểm soát. Do vậy, năng suất, chất lượng táo ngày càng thấp nên diện tích táo ở xã Cam Thành Nam dần thu hẹp.

Theo ông Hồ Tấn Cường, Giám đốc HTX trồng táo Cam Thành Nam, hiện diện tích táo trên địa bàn xã hiện chỉ còn hơn 40 ha, tập trung tại thôn Quảng Hòa. Trong đó, HTX có 7 ha với 12 thành viên.

Để giúp người trồng táo giảm bớt thiệt hại do sâu bệnh, tăng năng suất và chất lượng, từ năm 2019, HTX bắt đầu trồng cây táo theo hướng VietGAP và áp dụng màng lưới ngăn chống ruồi vàng và đã mang lại hiệu quả rất tích cực. Bên cạnh đó, các thành viên trong HTX cũng đã áp dụng tưới tiết kiệm cho cây táo.

Gia đình ông Hồ Văn Niệm, một người trồng táo ở thôn Quảng Hòa có 7.000 m2 đất trồng táo đã đầu tư 100 triệu đồng làm nhà lưới ngăn ruồi vàng hại quả. Cùng với đó, gia đình ông chuyển sang trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP, từ đó không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, tiết kiệm được chi phí sản xuất, mà còn tạo ra sản phẩm “sạch”, năng suất cũng tăng lên đáng kể.

Theo ông Hồ Tấn Cường, Giám đốc HTX trồng táo Cam Thành Nam đánh giá, việc HTX sản xuất táo theo VietGAP đã giúp bà con thay đổi tập quán sản xuất cũ, nắm bắt được kỹ thuật mới, kiểm soát được lượng phân bón, thuốc trừ sâu, đảm bảo theo tiêu chuẩn sản xuất táo "sạch", vì vậy năng suất và chất lượng tăng khoảng 15 - 20% so với sản xuất truyền thống. Trung bình 1 ha táo trồng theo VietGAP, có nhà lưới bài bản, sau 2 - 3 năm nông dân thu về trên 500 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 250 triệu đồng/năm.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa, từ năm 2019, đơn vị đã triển khai Dự án “Trồng mới và thâm canh cây ăn trái táo theo hướng VietGAP” ở xã Cam Thành Nam. Thời gian qua, mô hình đã mang lại hiệu quả tích cực cho người trồng táo.

Theo đó, táo được trồng mới có tỷ lệ sống đạt 97%, tốc độ sinh trưởng nhanh, ít sâu bệnh gây hại và có nguồn gốc rõ ràng. Nhờ có lưới bọc cả vườn nên ruồi đục trái không tấn công quả, các bệnh phấn trắng, thối nâu xảy ra tỷ lệ thấp.

Còn mô hình thâm canh cây táo theo hướng VietGAP không chỉ giúp cây sinh trưởng và phát triển nhanh, ít sâu bệnh, mà năng suất bình quân đạt 50 tấn/ha/năm, tăng trung bình 16% so với ngoài mô hình (42 tấn/ha/năm). Mô hình cho doanh thu khoảng 500 triệu đồng, tăng 24,4 % so với ngoài mô hình.

Được biết, từ tháng 3 cây táo ở xã Cam Thành Nam bước vào giai đoạn tỉa cành và từ tháng 6 đến tháng 12 hàng năm là mùa thu hoạch.

Theo ông Hồ Tấn Cường, Giám đốc HTX trồng táo Cam Thành Nam, năm 2021, với 7 ha táo trồng theo VietGAP, doanh thu của HTX khoảng 3,5 tỷ đồng. Để tiếp tục tăng thu nhập cho các thành viên, trong thời gian tới, HTX sẽ phát triển cây táo kết hợp làm du lịch, đồng thời làm hồ sơ để công nhận sản phẩm OCOP về táo của HTX.

Theo KIM SƠN/ NNVN 

Các tin khác