Nuôi gà đẻ trứng kín cả chuồng, bí quyết nào giúp ông nông dân Thái Nguyên nói không với thua lỗ?

Chuyển từ nuôi vịt, nuôi ngan sang nuôi gà đẻ

Ông Lê Văn Hướng chia sẻ, trước khi chăn nuôi gà đẻ quy mô lớn như hiện nay, gia đình ông từng nuôi vịt đẻ và ngan thịt. Đến năm 2003, khi dịch cúm gia cầm bùng phát, trứng vịt không bán được, gia đình ông quyết định chuyển sang chăn nuôi gà đẻ ở quy mô nhỏ.

Đến năm 2005, gia đình ông Hướng bắt đầu xây dựng chuồng trại quy mô lớn, tuy nhiên khi đó gia đình ông chỉ mới nuôi 500 con. Dần dần, gia đình ông tiếp tục mở rộng quy mô và nâng số lượng lên 1.000 con, rồi 2.000 con gà đẻ, 1.000 gà thịt vào năm 2010 và duy trì số lượng ổn định từ đó đến nay.

Mỗi năm gia đình ông Hướng xuất bán khoảng 40 vạn trứng gà, với giá bán trung bình 6.000 đồng/quả, có thời điểm lên tới 7.800 đồng/quả. Trứng gà được gia đình ông giao cho các lò ấp trên địa bàn huyện Phú Bình và một số địa phương lân cận.

Theo ông Hướng, kỹ thuật chăm sóc gà mái đẻ khác hẳn so với gà thịt. Theo đó, trong khoảng thời gian từ 1 - 42 ngày tuổi, người nuôi cho gà ăn tự do theo chế độ bình thường.

Còn gà từ 43 ngày tuổi trở đi, người nuôi phải chăn theo chế độ phù hợp để đảm bảo con gà chỉ đạt trọng lượng trung bình 1,8kg. Nếu gà trọng lượng của gà lớn hơn 2kg thì tỉ lệ gà đẻ trứng sẽ không cao.

Cũng theo ông Hướng, nên cho gà uống ít nước hơn vào mùa đông với tỉ lệ 1 cám, 2 nước, còn vào mùa hè nên cho gà uống nước với tỉ lệ 1 cám, 3 nước.

Ngoài chế độ ăn uống, người nuôi cần đảm bảo chế độ ánh sáng tốt nhất cho gà. Nếu ánh sáng không đảm bảo sẽ ảnh hưởng không tốt đến tỉ lệ đẻ trứng của gà.

Người nuôi cũng cần tiêm vaccine đầy đủ cho gà và chăm sóc đúng quy trình. Như vậy, người nuôi gà đẻ sẽ có nguồn thu nhập ổn định, kể cả trong trường hợp trứng gà xuống giá thì mức độ thiệt hại cũng không đáng kể.

Ngoài ra, gà bố mẹ sau khi khai thác hết thời gian sinh sản thì vẫn bán được giá hơn so với gà thương phẩm. Bởi vậy nếu phòng dịch bệnh tốt thì nuôi gà đẻ sẽ luôn có lãi.

Ông Hướng cho biết thêm, ngoài nuôi gà đẻ trứng, gia đình ông còn úm gà con để xuất bán cho thương lái. Sau khi xuất bán trứng cho các lò ấp, gia đình ông lại mua lại con giống từ các lò ấp đó rồi tận dụng những chuồng lợn bỏ trống để nuôi gà con.

Thành công nuôi gà đẻ, ấp bán gà giống

Chia sẻ kinh nghiệm úm gà, ông Hướng cho biết, trước hết phải đảm bảo về nhiệt độ thích hợp cho gà. Trong ngày đầu tiên đưa vào chuồng úm, cần điều chỉnh nhiệt độ từ 36 – 37oC cho gà con, sau đó giảm dần theo từng ngày tuổi.

Bên cạnh đó, do gà con có sức đề kháng kém nên bên cạnh việc vệ sinh chuồng trại, phải đặc biệt quan tâm, sục rửa thường xuyên dụng cụ chăn nuôi. Đặc biệt, trong thời kỳ úm gà cần phải tiêm đầy đủ vaccine cho gà con.

Trung bình cứ 5 ngày, gia đình ông vào chuồng khoảng 1.000 gà con. Sau thời gian úm gà khoảng 16 – 20 ngày sẽ xuất bán cho thương lái.

Gà con được gia đình ông mua tại lò ấp với giá từ 10.000 – 15.000 đồng/con và sau đó giao cho thương lái với giá từ 20.000 – 25.000 đồng/con tùy từng thời điểm.

Do đó, sau khi trừ các loại chi phí, gia đình ông Hướng lãi khoảng 2.000 đồng/gà con. Mỗi năm, gia đình ông Hướng xuất bán khoảng 5 vạn con.

Với quy mô chăn nuôi gà đẻ như hiện nay, trung bình mỗi năm gia đình ông Hướng thu về lợi nhuận khoảng 450 – 500 triệu đồng, sau khi đã trừ đi tất cả chi phí.

Ông Nguyễn Tiến Vinh – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Phái đánh giá: "Mô hình của gia đình ông Lê Văn Hướng là một mô hình điển hình, địa phương rất mong muốn nhân rộng tuy nhiên còn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng hộ gia đình...".

Theo HÀ THANH - KIỀU HẢI/ DÂN VIỆT  

Các tin khác