Chìa khóa để chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Tự động hóa để phát triển bền vững

Ở Đồng Nai, nói đến thâm niên nuôi gà, ít người qua được Lâm Thanh Đức, 50 tuổi, bởi anh đã có đến hơn 25 năm gắn bó với đàn gà. Không tính những doanh nghiệp lớn trong ngành nuôi gà là các tập đoàn đa quốc gia, trang trại gà lạnh Thanh Đức ở xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, hiện là một trong những trang trại hiện đại nhất tỉnh.

Để có được thành quả như hôm nay, anh Đức cũng trải qua nhiều lần thất bại do chưa có kinh nghiệm, vốn đầu tư ít nên dính dịch bệnh, rồi sản phẩm bí đầu ra. Một trong những thất bại nặng nề nhất đối với trang trại là đợt dịch cúm gia cầm năm 2003. Lúc ấy, trại gà Thanh Đức đang nuôi 16.000 con gà đẻ trứng và khoảng 10.000 gà hậu bị, phải tiêu huỷ toàn bộ và được hỗ trợ… 5.000 đồng/con.

Sau đại họa ấy, anh Đức mất gần hết vốn liếng, nhưng vẫn quyết tâm nuôi gà, song chuyển hướng là nuôi gà lấy trứng. Dĩ nhiên, dù nuôi lấy trứng hay lấy thịt, việc quan trọng hàng đầu là phải làm bài bản, an toàn dịch bệnh.

Sau đó, anh Đức bán mảnh đất mới mua được, vay mượn thêm gia đình, người thân, dồn hết vào đầu tư hệ thống chuồng lạnh. Ban đầu, anh nuôi gà để trứng nhưng là để lây con giống chứ không phải bán trứng. Cứ như vậy, anh vừa nuôi lấy trứng vừa tự sản xuất con giống để tạo đàn.

Để đảm bảo có sản phẩm trứng sạch (không tồn dư kháng sinh, không vi khuẩn...), anh trực tiếp đi chọn mua nguyên liệu tốt về phối trộn thức ăn cho gà. Sau một thời gian theo dõi, anh thấy đàn gà sinh trưởng khá tốt, tỷ lệ hao hụt thấp, lòng trứng có màu đẹp, mặc dù thức ăn không cần trộn thêm kháng sinh.

Nhờ tự sản xuất con giống, tự làm thức ăn, giá thành chăn nuôi ở trang trại Thanh Đức giảm từ 15 - 20%. Anh nhẩm tính, hiện nay, mỗi ngày trại gà đang tiêu tốn khoảng 8 tấn thức ăn. Do tự mua nguyên liệu về sản xuất nên rẻ được tới 12 triệu đồng so với việc mua thức ăn công nghiệp. Tính ra, mỗi năm, riêng tiền thức ăn đã tiết kiệm được gần 4 tỷ đồng.

Theo chân anh Đức vào khu vực nuôi gà, cái nắng nóng bên ngoài biến mất. Thay vào đó là không khí mát rượi tỏa ra từ hệ thống máy lạnh. Hàng ngàn con gà đang lao xao mổ thức ăn, thấy người vào, chúng ngước lên nhìn vài giây rồi lại cúp mỏ ăn tiếp.

"Giai đoạn con giống rất quan trọng, quyết định năng suất và tuổi thọ của gà nên anh sử dụng dây chuyền tự sản xuất thức ăn cho gà đạt tiêu chuẩn chất lượng. Chính vì thế, đàn gà luôn đẻ nhiều hơn gà công ty lớn từ 10 - 20%. Bên công ty họ chỉ yêu cầu gà đẻ trong 52 tuần với năng suất 90% là đạt, nhưng đàn gà của tôi đẻ hơn 54 tuần vẫn giữ được năng suất này”, anh Đức cho biết.

Sau những thành công bước đầu, có vốn, Lâm Thanh Đức tiếp tục bỏ ra hàng chục tỷ đồng để đầu tư hệ thống tự động hóa, từ cho ăn, uống, thu trứng đến làm vệ sinh, thu hồi phân gà...

Hiện trên khuôn viên rộng 4ha, ngoài khu nhà ở cho gia đình và dãy nhà cho công nhân, anh Đức có 8 trại gà, mỗi trại rộng 6m, dài 100m. Tổng đàn gà 80.000 con, trong đó 60 ngàn con đang đẻ. Với tỷ lệ đẻ 90%, trung bình mỗi ngày anh Đức thu 54.000 quả trứng.

Ngoài ra, anh còn bỏ ra 12 tỷ đồng đầu tư thêm một dãy chuồng mới theo công nghệ châu Âu, dài 100 mét nhưng rộng gấp đôi chuồng cũ và công suất nuôi đến 40 ngàn con mà chỉ cần 2 người làm (bằng ¼ số nhân công so với mô hình cũ).

“Dây chuyền này gần như tự động hoàn toàn, từ khâu cho ăn đến dọn vệ sinh, thu, đóng gói trứng. Chỉ cần 2 người quản lý điều khiển máy móc, hệ thống điện tử thôi. Cuối năm nay, khi dây chuyền mới hoàn thành, tổng đàn gà của tôi sẽ lên 120.000 con”, anh Đức nói.

An toàn dịch bệnh quyết định thắng lợi

Hiện nay, toàn bộ hệ thống chuồng nuôi gà của Thanh Đức đều nhập khẩu từ Tây Ban Nha và Italia, các khâu chăm sóc gà của trang trại đều tự động, điều khiển bằng hệ thống tủ điều khiển thông minh Smart One kết nối với máy tính. Có thể ở bất cứ đâu cũng theo dõi được nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng, lưu lượng không khí, thức ăn, nước uống, số lượng trứng... của trang trại.

Chính vì vậy, cả trang trại lớn chỉ cần vài công nhân vận hành hệ thống điện là có thể quán xuyến hàng chục đầu việc một cách chuẩn xác, đúng giờ giấc và đảm bảo vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sạch sẽ. Nhờ vậy, sản phẩm trứng gà cho năng suất đồng đều, đáp ứng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm và tình hình dịch bệnh hầu như không xảy ra.

Anh Đức cho biết, mặc dù đầu tư công nghệ hiện đại, nhưng vẫn phải chú trọng công tác phòng ngừa dịch bệnh. Cụ thể, định kỳ phải phun hóa chất sát trùng, bổ sung chất dinh dưỡng nhằm tăng sức đê kháng cho đàn gà. Vì thế công tác phòng ngừa dịch bệnh luôn được các trang trại đặt lên hàng đầu.

“Vấn đề quan trọng nhất trong phòng bệnh cho đàn gia cầm là chế độ ăn đầy đủ và được tiêm phòng các loại vacxin định kỳ. Xung quanh chuồng và trong chuồng phải được tiêu độc, khử trùng thường xuyên, gà chia ra từng dãy và được đánh số thứ tự để tiện theo dõi sức khỏe”, anh Đức nói.

Đánh giá về hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi gà lạnh, anh Đức nhận định, đầu tư chi phí cho một trang trại gà lạnh khá tốn kém, nhưng bù lại, hiệu quả từ rất cao, an toàn dịch bệnh. Lúc mới bắt đầu làm, anh Đức không có vốn, nên chỉ làm trại hở. Vì thế mà khi dịch bùng phát, đàn gà hàng chục ngàn con phải tiêu huỷ hết. Từ khi nuôi gà lạnh với công nghệ cao, dây chuyền tự động hóa hoàn toàn đã giúp tôi giảm nhiều khoản chi phí.

"Khi áp dụng hệ thống tự động, trại gà với 15.000 con chỉ cần 2 nhân công lao động để chăm sóc và quản lý. Giữa hai môi trường, con gà nuôi chuồng hở phải chấp nhận rủi ro từ sự thay đổi môi trường bên ngoài, còn gà lạnh thì tuần tuổi nào sẽ được xử lý nhiệt độ tốt nhất, tức là điều tiết được nhiệt độ trong chuồng. Mặt khác, môi trường chuồng trại đã được xử lý, việc vệ sinh chuồng trại tốt, nguồn thức ăn đầu vào bảo đảm nên hạn chế tối đa được dịch bệnh”, anh Đức nói.

Anh Đức tâm sự, việc đầu tư hệ thống chăn nuôi tự động bài bản, trước hết là nhắm tới những lợi ích lâu dài như tiết kiệm nhân công, điện nước, hao hụt thức ăn... Nhưng mục đích lớn nhất của anh không gì khác ngoài việc sẽ kiểm soát được tốt hơn nữa quy trình ản xuất trứng sạch của mình, từ khâu đầu vào, tới suốt quá trình sản xuất, cho tới đầu ra của sản phẩm.

Theo HỒNG THÚY - MINH SÁNG/ NNVN 

Các tin khác