Trồng thứ cây treo quả treo thành hàng ở ruộng bậc thang, nông dân Lai Châu khá giả, cả làng vui

Cây chanh leo leo lên tận ruộng bậc thang

Khun Há là xã thuần nông của huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu). Xã có địa hình phức tạp, diện tích đất nông nghiệp ít, bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi xen kẽ khe nước.

Do vậy, việc phát triển kinh tế bao năm qua của phần lớn đồng bào Mông nơi đây dựa chủ yếu vào trồng ngô và lúa một vụ trên đất nương bạc màu, năng suất thấp và không ổn định vì thế đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Trước những thách thức đó, từ chính sách hỗ trợ nông nghiệp của tỉnh Lai Châu, doanh nghiệp liên kết sản xuất, chính quyền định hướng đúng và nông dân mạnh dạn chuyển đổi, 3 năm qua cây chanh leo đã bám đất, bám người Khun Há.

Cây chanh leo với ưu điểm là thích hợp trồng trên mọi địa hình đã trở thành mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu giúp nhiều nông dân có cơ hội đổi đời.

Chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt điện tử ông Cứ A Sở, chủ tịch UBND xã cho biết: Cây chanh leo rất có duyên phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, đất đai của xã. Hiệu quả cây chanh leo mang lại rất tốt, cho thu nhập gấp từ 3 - 4 lần so với trồng ngô và lúa vì thế bà con hồ hởi, động viên nhau thực hiện, tính đến nay, diện tích chanh leo toàn xã đạt khoảng 28ha.

Để cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời giữ vững và nâng cao tiêu chí thu nhập trong thực hiện nông thôn mới, từ năm 2020 xã Khun Há đã biết tận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hàng hóa của tỉnh như Nghị quyết 29 và 33 triển khai thực hiện các mô hình phát triển kinh tế.

Trong đó mô hình trồng chanh leo tiêu biểu phải kể đến trồng chanh leo với diện tích hơn 5ha, các hộ tham gia được hỗ trợ 100% giống, phân bón ban đầu và có sự tham gia liên kết của một số tổ chức, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra, hỗ trợ kỹ thuật đầu vào.

"Tuy nhiên, để chăm sóc cây chanh leo không hề đơn giản, mùa mưa cây chanh leo dễ bị nhiễm bệnh xoăn lá, loang dầu. Vì thế bắt tay vào trồng chanh leo, xã đã lựa chọn kỹ lưỡng các hộ để thực hiện làm mẫu dựa trên tinh thần tự nguyện", ông Sở cho biết.

Để giải quyết bệnh loang dầu cho chanh leo gia đình anh Cứ A Chỉnh, bản Chù Khèo đúc rút được khá nhiều kinh nghiệm trồng chanh leo: Do cây chanh leo hay bị nhiễm bệnh loang dầu, mùa mưa thường thường nhiễm nhiều hơn, sau khi được tập huấn kỹ thuật và chịu khó mày mò tìm hiểu thêm qua nhiều kênh thông tin, anh Chỉnh lựa chọn bón phân ít đạm, tăng lượng lân, kali để tránh bệnh loang dầu.

Nhờ chịu khó học hỏi, cây chanh leo của gia đình anh khoẻ mạnh cho năng suất cao. Năm 2020, gia đình anh Chỉnh trồng được 160 gốc chanh leo, cây sinh trưởng và phát triển rất tốt. Đến nay gia đình đã thu khoảng 40 triệu đồng. Số tiền đó giúp gia đình anh cải thiện cuộc sống và đầu tư thêm cho chăn nuôi.

Doanh nghiệp đồng hành nông dân trồng chanh leo

Đồng hành cũng nông dân Khun Há, Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc tăng cường cử cán bộ hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cho cây. Được chăm sóc đúng kỹ thuật, cây chenh leo đã bám đất sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ bệnh dầu loang thấp, tỷ lệ hàng đạt loại 1 cao (trung bình 40%).

Mức giá chanh leo thu mua của công ty ổn định từ 3,5 - 23 nghìn đồng/kg tùy loại sản phẩm. Theo đánh giá ban đầu cho thấy, cây chanh leo sẽ cho thu hoạch quả liên tục trong thời gian từ 2 đến 3 năm với năng suất bình quân đạt từ 15 - 40 tấn/ha.

Giá trị kinh tế cây cây chanh leo mang lại đã rõ, người dân thu nhập cao hơn từ 3 – 4 lần so với trồng lúa và ngô. Mô hình trồng chanh leo hứa hẹn mang lại cho nông dân Khun Há nguồn thu nhập khá trong tương lại.

Để nâng cao diện tích trồng chanh leo, các cấp chính quyền xã chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền để bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là những diện tích kém hiệu quả sẽ vận động bà con chuyển sang cây chanh leo để nâng cao thu nhập.

Cây chanh leo đã giải được bài toán bây lâu "được mùa nhưng mất giá", vì thế nên bà con người Mông ở Khun Há hồ hởi hưởng ứng. Từ đầu năm đến nay, nông dân xã Khun Há đăng ký và tổ chức trồng 2 đợt chanh leo với tổng diện tích 14,77ha nâng tổng diện tích toàn xã lên 27,73ha. Nhờ đó, Khun Há là xã phát triển diện tích chanh leo khá của huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu).

Nông dân Khun Há đang tích cực mở rộng diện tích trồng chanh leo.

Để hỗ trợ những điều kiện tốt nhất cho bà con nông dân, chính quyền xã Khun Há chú trọng chỉ đạo cán bộ chuyên môn tuyên truyền bà con thực hiện đúng quy trình kỹ thuật hướng dẫn của Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc trong quá trình chăm sóc, nhất là đối với mùa mưa.

Nông dân chủ động thăm vườn kịp thời 1 – 2 lần/ngày để phát hiện sâu bệnh từ đó có biện pháp phòng trừ bệnh để cây chanh leo phát triển tốt.

Sức hút từ cây chanh leo đối với người dân Khun Há không chỉ cho thu nhập khá và ổn định, đáng tin hơn là Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc cam kết hợp đồng, bao tiêu sản phẩm ổn định nên người dân rất yên tâm với mô hình kinh tế mới này.

Đó là động lực để bà con hăng hái thực hiện, cũng từ đó Khun Há thêm một hướng đi để bà con người Mông nơi đây có cơ hội thay đổi cuộc sống, xóa đói giảm nghèo trên những vùng đất khó. Qua đó giúp Khun Há có thêm điều kiện để nâng cao tiêu chí thu nhập theo mức chuẩn mới.

Theo VINH DUY - BẢO ANH/ DÂN VIỆT 

Các tin khác