Bí quyết của ông nông dân Thái Nguyên nuôi trâu bò vỗ béo, từ 2 con ban đầu nhân đàn lên 13 con

Nuôi trâu bò vỗ béo để thoát nghèo

Do có hoàn cảnh khó khăn, năm 2016, ông Đồng Văn Thành (xóm Na Cảnh 2, xã Bá Xuyên, TP.Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) đã được vay 50 triệu đồng từ ngân hàng theo nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo để nuôi trâu bò vỗ béo.

Với số tiền trên, ông Thành mua 2 con trâu về để vỗ béo. Qua quá trình tích luỹ, nguồn vốn ngày càng lớn hơn nên ông cũng phát triển số lượng đàn trâu lớn hơn, có lúc lên tới 17 con. Hiện tại, gia đình ông đang nuôi 13 con trâu, bò.

Theo ông Thành, để lựa chọn được một con trâu tốt, cần dựa vào những đặc điểm như trơn lông, mượt da, mõm to, khung xương rộng và phải ăn tốt thì chăn vỗ béo mới nhanh lên cân.

Ông thường lựa chọn mua trâu đực để vỗ béo, vì trâu đực phát triển nhanh và trọng lượng lớn hơn nên được nhiều thịt hơn so với trâu cái.

Cũng theo ông Thành cho biết, trung bình một con trâu có thể tăng từ 30 – 40kg/tháng. Khi xuất bán, mỗi con trâu đạt trọng lượng trung bình khoảng 600kg/con. Nếu chọn được giống trâu tốt, con trâu có thể đạt trọng lượng lên tới hơn 800kg/con khi xuất bán.

Nhờ có diện tích bờ bãi, cánh đồng rộng lớn nên tạo thuận lợi cho gia đình trồng cỏ, làm thức ăn cho chăn trâu, bò. Hiện tại gia đình ông có tất cả 2 mẫu cỏ voi đủ để phục vụ cho đàn trâu bò.

Ngoài ra, rơm rạ còn sót lại sau khi bà con gặt xong cũng được gia đình ông tận dụng làm thức ăn cho trâu, bò.

Ông Thành cho biết, đối với nguồn thức ăn là cỏ, người nuôi có thể cho ăn trâu tùy theo khả năng của mỗi con. Còn với nguồn thức ăn là cám, người nuôi phải cân đối cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

Cụ thể: Khi trâu còn bé, cho ăn khoảng 1,5kg cám/con/ngày; khi trâu đạt trên 3 tạ, cho ăn khoảng 2 – 2,5kg cám/con/ngày; khi trâu đạt trọng lượng khoảng 4 tạ, cho ăn khoảng 3kg/con/ngày; còn khi trâu đạt từ 5 tạ trở lên đến khi xuất bán, phải cho ăn khoảng 4kg/con/ngày.

Thông thường, thời gian nuôi vỗ béo trâu kéo dài khoảng từ 4 - 5 tháng, cũng có con kéo dài khoảng 7 – 10 tháng tùy theo sự phát triển của mỗi con. Tuy nhiên, không nên nuôi kéo dài trên 10 tháng vì không có lãi.

Ông Thành cho biết, sau đợt dịch long móng lở mồm năm 2020, gia đình ông có 3 con trâu bị mắc bệnh phải tiêu hủy. Tuy nhiên, gia đình cũng được nhà nước hỗ trợ một phần nên cũng không thiệt hại quá nhiều.

Để hạn chế trâu bò bị mắc bệnh, ông Thành thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn chuồng trại chăn nuôi bằng vôi bột, giữ chuồng trại luôn khô ráo, thoáng mát, sạch sẽ.

Nuôi trâu bò vỗ béo không lo lỗ vốn

Ông Thành chia sẻ, khoảng vài năm trước, do giá trâu thương phẩm cao nên giá con giống mua vào tương đối cao. Tuy nhiên một vài năm trở lại đây, giá trâu thương phẩm có phần giảm nên giá con giống cũng giảm hơn trước.

Ông Thành vẫn muốn mở rộng thêm diện tích để tăng thêm số lượng trâu bò. Nhưng do nguồn vốn đầu tư của gia đình còn eo hẹp,nên ông dự định sẽ vay thêm nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân xã để phát triển chăn nuôi.

Trung bình lợi nhuận từ chăn nuôi trâu bò của gia đình ông Thành đạt khoảng 30%/con. Vừa qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá trâu bò giảm nên lợi nhuận cũng giảm theo, chỉ còn khoảng 15%. Hiện tại giá trâu hơi được ông Thành bán 70.000 đồng/kg.

Theo nhận định của ông Thành, sang năm 2023 khi dịch bệnh đã ổn định, giá trâu bò có thể sẽ tăng lên. Thời điểm hiện nay, dù giá trâu bò có giảm nhưng chăn nuôi trâu bò vẫn có lợi nhuận vì chi phí chăn nuôi không quá cao. Đặc biệt, chăn nuôi trâu bò ít rủi ro hơn so với một số vật nuôi khác như lợn, gà mà giá cả lại không quá bấp bênh.

Theo tính toán, nếu giá cả ổn định và không gặp rủi ro bệnh tật, một con trâu sẽ mang về lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng/năm cho gia đình ông Thành.

Theo HÀ THANH - KIỀU HẢI/ DÂN VIỆT 

Các tin khác