Dùng bẫy cây trồng để diệt chuột bảo vệ mùa màng

Empty
Sở NN-PTNT TP Cần Thơ phát động cộng đồng phòng chống chuột hại cây trồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngày 3/11 Sở NN-PTNT TP Cần Thơ phối hợp với Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) tổ chức chương trình tọa đàm với chủ đề: “Một số lưu ý trong sản xuất vụ đông xuân 2022-2023”.

Đông xuân là vụ sản xuất chính được bà con nông dân gửi gắm nhiều kỳ vọng nhất trong năm. Chỉ riêng diện tích lúa, vụ này các địa phương trong TP Cần Thơ xuống giống gần 80.000 ha lớn nhất so với các vụ sản xuất trong năm, có trên 25.000 ha trồng cây ăn trái/năm và trên 15.000 ha trồng rau màu.

Trong bối cảnh thuận lợi thì có nhiều, nhưng thách thức cũng không nhỏ, thì việc quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ, làm sao để bà con nông dân có được vụ mùa sản xuất thắng lợi, đây là vấn đề cần được các đơn vị hữu quan đặc biệt quan tâm ngay từ đầu vụ. Bên cạnh việc tuân thủ các giải pháp kỹ thuật, thì trong vụ sản xuất đông xuân chuẩn bị xuống giống, nhiều nông dân rất quan tâm nhất đối tượng chuột xuất hiện cắn phá lúa.

Theo Chi Cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ, thời gian gần đây, do tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, nên chuột sinh sôi nảy nở nhanh và gây hại nhiều cho sản xuất. Tại Cần Thơ, chỉ tính riêng trên cây lúa, diện tích bị chuột gây thiệt hại hàng năm chiếm từ 2-3%. Để giúp bà con nông dân bảo vệ mùa màng, UBND thành phố đã có kế hoạch phòng, diệt chuột và đưa ra lộ trình đến năm 2025, nhằm giúp nông dân quản lý tốt ruộng vườn, hạn chế tối đa thiệt hại do chuột gây ra.

Empty
Đào hang bắt chuột. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngành nông nghiệp và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống chuột gây hại. Có nhiều biện pháp tổng hợp được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con nông dân thực hiện, như: sử dụng bả mồi diệt chuột sinh học, đào hang bắt chuột và sử dụng bẫy cơ học, như bẫy kẹp, bẫy lồng, bẫy bán nguyệt…

Ông Trần Hoàng Sơn, ở phường Long Hưng, quận Ô Môn, tham gia vào chương trình bẫy chuột cây trồng tại địa phương phấn khởi chia sẻ: Canh tác lúa trước đây vào vụ là lo ngay ngáy vấn đề chuột đến cắn phá, nhất là trà lúa mới sạ từ 10-20 ngày tuổi. Chuột cắn phá lúa lúc cây còn nhỏ xem như cây đó chết, phải tốn tiền thuê người cấy dặm lại.

Kể từ vụ lúa đông xuân và hè thu 2022 vừa qua, gia đình ông Sơn được Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ xuống tận địa phương tập huấn cho nông dân về các biện pháp bẫy chuột cộng đồng và hỗ trợ các loại bẫy chuột. Chính vì vậy 2 vụ lúa vừa qua gia đình sản xuất lúa rất yên tâm, không còn lo lắng về việc chuột cắn phá đồng lúa. Đồng thời ông Sơn, còn tuyên truyền lại các hộ dân khác cùng nhau thực hiện bẫy chuột cây trồng trong vụ lúa thu đông vừa qua đã mang lại hiệu quả cao. Từ đó giúp nông dân yên tâm sản xuất lúa.

Empty
Sử dụng bả mồi diệt chuột sinh học. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ đưa ra các khuyến cáo: Trước nhất nông dân không nên sử dụng thuốc diệt chuột không có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Không diệt chuột bằng thuốc sâu và nhớt đổ xuống đồng ruộng. Đặc biệt, tuyệt đối không được sử dụng điện để bẫy chuột… Bên cạnh đó người dân cần áp dụng các biện pháp diệt chuột thân thiện với môi trường được khuyến cáo bà con nông dân áp dụng.

Theo bà Hiếu, để diệt chuột thân thiện với môi trường mà đem lại hiệu quả cao, trong năm 2022 ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đã triển khai mô hình bẫy chuột bằng cây trồng. Mô hình được thực hiện trên diện tích 1.700 m2 tại quận Thốt Nốt. Nông dân trong mô hình bẫy chuột bằng cây trồng, được cán bộ kỹ thuật nông nghiệp hướng dẫn thực hiện phương pháp diệt chuột có hiệu quả, đã giúp nông dân nơi đây vô cùng phấn khởi.

Empty
Tập huấn nông dân về kỹ thuật bẫy chuột để bảo vệ mùa màng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bên cạnh việc triển khai nhiều biện pháp tổng hợp trong phòng, chống chuột, Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ còn hướng dẫn nông dân và các địa phương ra quân diệt chuột đồng loạt, huy động cả cộng đồng tham gia. Nông dân trong khu vực sản xuất phải cùng nhau diệt chuột. Đặc biệt là phải chọn đúng thời điểm chuột thiếu thức ăn, mùa sinh sản để mang lại hiệu quả cao.

Đặc biệt, để giúp cán bộ trong ngành nông nghiệp và bà con nông dân có điều kiện cập nhật kiến thức chuyên sâu về chuột, mới đây Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ đã mời tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Phụng (chuyên gia nghiên cứu về chuột) đến tập huấn, cập nhật những kiến thức tổng quan về chuột. Những tác động về thiệt hại do chuột gây ra. Các biện pháp quản lý chuột ở Việt Nam hiện nay. Khuyến cáo về các phương pháp diệt chuột theo ý thức cộng đồng và tất cả cùng nỗ lực, để bảo vệ thành quả sản xuất của mình.

Empty
Dừng bạc cao su làm hàng rào bao xung quanh bờ ruộng để không cho chuột vào cắn phá lúa. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết: Trong sản xuất lúa ở ĐBSCL, không có địa phương nào giống địa phương nào đều có những điều kiện thuận lợi và khó khăn khác nhau. Đặc biệt các tỉnh ở vùng giữa như: TP Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng…chuột xuất hiện nhiều nhất. Chuột là loại khôn lanh, nếu sử dụng hóa học diệt chuột chỉ một lần đầu, lần thứ 2 chúng sẽ không ăn nữa, xem như không hiệu quả. Chính vì vậy, Cục Trồng trọt khuyến cáo nông dân không diệt chuột bằng hóa học mà nên diệt chuột bằng sinh học, các loại bẫy và đặc biệt Cần Thơ đang thực hiện bẫy cây trồng để dụ chuột vào đó ở rồi ra quân cộng động diệt chuột sẽ đem lại hiệu quả rất cao.

Theo LÊ HOÀNG VŨ/ NNVN 

Các tin khác