"Ôm đồm" nuôi 4 con đặc sản trên cạn, 2 con đặc sản dưới nước, ông nông dân Hải Phòng có 700 triệu/năm

Nuôi hươu "mát tay" có tiếng trong vùng

Trong khi nhiều người không dám nuôi loài động vật hoang dã này thì ông Chinh lại mạnh dạn, tìm tòi, học hỏi, mạo hiểm đầu tư, lập trại nuôi hươu ngay trên diện tích cấy lúa kém hiệu quả của gia đình.

Ông Chinh cho biết, cơ duyên đưa đẩy ông đến với nghề nuôi hươu được bắt nguồn từ những ngày tháng lặn lội đi buôn chè ở Thái Nguyên kiếm sống. Ông Chinh may mắn được gặp, thân rồi học mót được cách nuôi hươu từ một người bạn dân tộc.

Năm 2005 ông Chinh chính thức bắt tay vào nuôi hươu tại nhà, lúc đầu ông đi vay mượn anh em, họ hàng mua được 4 con hươu về nuôi thử.

Sau một năm đã có lãi, thấy vậy ông Chinh quyết định đầu tư mở rộng, vay mượn mua thêm 8 con hươu nữa về nuôi. Chính giai đoạn này kinh nghiệm nuôi hươu còn mỏng, chưa nắm rõ về đặc tính của hươu. Năm đó, đàn hươu của gia đình lăn ra ốm rồi chết dần chết mòn thiệt hại lên đến cả trăm triệu.

Ông Chinh không nản lòng, quyết tâm tìm tòi nguyên nhân, rút kinh nghiệm trong quá trình nuôi nấng. Mặt khác, ông tích cực tìm kiếm, đọc thêm tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nuôi hươu và gây dựng lại đàn hươu nuôi.

Theo ông Chinh, giống hươu sao là loài khó thuần nhưng dễ nuôi, thích nghi rất tốt với khí hậu miền bắc. Tiền chi phí thức ăn cho hươu không đáng kể, hằng ngày, ông Chinh đi thu gom vỏ ngô, sơ mít, dứa, các loại củ quả loại bỏ tại các chợ ven thành phố.

Cũng theo kinh nghiệm nuôi của ông Chinh, hàng ngày cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, kiểm tra thể trạng của đàn hươu để kịp thời phát hiện con nào có biểu hiện chán ăn, mắc bệnh thì tìm hái lá xoan, ngái, bạch đàn…về cho hươu ăn là khỏi bệnh. Tuyệt đối không tiêm kháng sinh vì loài hươu hễ tiêm là chết.

Hươu được 2 tuổi sẽ bắt đầu mọc nhung. Từ năm 5 tuổi đến 10 tuổi sẽ cho lấy nhung 2 lần/năm. Dưới 5 tuổi và trên 10 tuổi cho lấy nhung năm 1 lần. Lúc đầu nuôi ông Chinh sợ không bán được nhung hươu. Nhưng người này mách người kia, họ gọi điện đến tận nhà tìm mua không có hàng để bán.

Mỗi năm, hươu cái lại đẻ thêm một hươu con, cứ thế đàn hươu nhà ông Chinh số lượng hàng năm được tăng theo cấp số nhân. Hươu đực, ông Chinh nuôi chủ yếu là để lấy nhung, hươu già thì mang nấu cao nhung. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu được 20kg nhung hươu, trị giá 400 triệu đồng.

Hiện, tổng quy mô trang trại của gia đình ông Chinh được mở rộng lên 3.500m2. Riêng diện tích chuồng trại là 1.000m2 với đàn hươu 50 con, 30 hươu đực và 20 con hươu cái. Diện tích còn lại ngoài trồng thanh long ruột đỏ. Ông Chinh còn tận dụng khoảng trống trên lối đi của luống thanh long, ông đào rãnh sâu khoảng 1m, dưới lót bạt, trên chắn lưới để nuôi ếch và cá rô.

Ngoài thu nhập về hươu, ông Chinh còn có thu nhập từ 200 đàn ong với hàng nghìn lít mật. Khoảng 4.000 con ếch nuôi thương phẩm, 30 con dúi, nhím và trên 8 tạ cá rô. Chưa kể việc bán giống từ các con vật này.

Đánh giá về mô hình chăn nuôi của gia đình ông Chinh, Chủ tịch UBND xã Lê Lợi ( huyện An Dương, TP. Hải Phòng), ông Tô Tuấn Anh cho biết, gia đình anh Nguyễn Văn Chinh là một trong những hộ rất thành công trong việc nuôi hươu của xã.

Anh Chinh nhiều năm được thành phố tặng bằng khen trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi. Anh sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật miễn phí cho nhiều hộ chăn nuôi khác, cung cấp giống ong, hươu, ếch, cá… cho nhiều nông dân các vùng lân cận.

"Sản phẩm chăn nuôi của gia đình anh Chinh luôn mới, độc lạ và giá trị nhất trong vùng" – ông Tuấn Anh nói.

Theo THU THỦY/ DÂN VIỆT 

Các tin khác