Làm chủ công nghệ sản xuất giống gà Tiên Yên

Gà Tiên Yên là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.
Gà Tiên Yên là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Đã có một thời, con gà Tiên Yên tưởng chừng rơi vào nguy cơ tuyệt chủng, mất nguồn gen. Huyện Tiên Yên đã vào cuộc bằng một đề án bảo tồn phát triển nguồn gen quý của giống gà Tiên Yên.

Đề án triển khai có hiệu quả, nguồn gen gà Tiên Yên đã được bảo tồn. Nhưng khi đã tìm được gà bố mẹ rồi thì bài toán nan giải nữa lại đặt ra cho những người chăn thả tự nhiên như ông Bình là việc nhân giống gà quá khó khăn. Tỷ lệ nhân giống tự nhiên của gà Tiên Yên rất thấp.

Thời gian đầu, trứng gà ấp nở tự nhiên ung rất nhiều. Trước tình hình đó, nhiều câu hỏi đã được các cấp và người dân đặt ra như phải làm sao để nâng tỷ lệ ấp nở? Làm thế nào để thụ tinh nhân tạo cho gà giống như người ta đã làm với lợn, với trâu, bò?

Từ những gì học được và quan sát thực tế đàn gà của gia đình, ông Lý Văn Diểng (xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên) đã nghiên cứu ra phương pháp thụ tinh nhân tạo đảm bảo tỷ lệ đậu trứng cao.

Tại trang trại gà của ông Diểng, hàng trăm con gà trống Tiên Yên khỏe mạnh phải ở riêng một chuồng, nhân viên kỹ thuật của ông Diểng sẽ lấy tinh trùng từ gà trống để bơm vào thụ tinh trứng gà mái. Sau đó sẽ đến giai đoạn chăm sóc gà mái, ông Diểng ví von rằng chăm các "cô" gà mái như chăm sóc bà bầu vậy.

Khi gà mái đẻ trứng rồi những quả trứng sẽ bắt đầu một chu trình mới hệt như quá trình ấp của gà mẹ. Chỉ khác đây là quá trình ấp nhân tạo của ông Diểng mô phỏng gần như tự nhiên. Những mẻ trứng ấy sẽ đi qua 3 cái máy ấp khác nhau. Máy ấp sẽ tạo ra ngoại lực vào vỏ trứng hệt như công đoạn gà mẹ mổ vỏ để gà con chào đời.

Với mục đích tiếp tục phát triển giống gà Tiên Yên, năm 2014, Sở Khoa học Công nghệ phối hợp với huyện Tiên Yên hỗ trợ Công ty CP Phát triển chăn nuôi và nông - lâm - ngư nghiệp Phúc Long của ông Diểng triển khai dự án ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo cho gà Tiên Yên.

Giai đoạn đầu mới áp dụng công nghệ sản xuất giống gà bằng thụ tinh nhân tạo do kinh nghiệm còn hạn chế nên năng suất trứng ấp thành phẩm chỉ đạt 70-80%. Đến nay, tỷ lệ trứng thành phẩm đạt hơn 90%. Qua việc ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo sẽ tăng được tỷ lệ ấp nở giống gà Tiên Yên, góp phần tăng sản lượng thương phẩm cho thị trường, đồng thời bảo tồn, phát triển và duy trì nguồn gen quý của gà Tiên Yên.

Công nghệ thụ tinh nhân tạo cho gà mà ông Diểng nghiên cứu, tìm tòi đã tạo bước đột phá trong ngành chăn nuôi gia cầm của tỉnh Quảng Ninh. Không chỉ có vậy, anh giúp đỡ bà con trong huyện nuôi gà làm giàu.

Những năm vừa qua, nhiều xã trên địa bàn huyện Tiên Yên đã triển khai Dự án nuôi gà thương phẩm thương hiệu Tiên Yên. Hiện hàng trăm nghìn con gà giống cho bà con chăn nuôi đều do Công ty của ông Diểng cung ứng.

Dự kiến, năm 2022, huyện Tiên Yên sẽ phối hợp với các ngành xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đảm bảo phát triển bền vững, cung cấp sản phẩm chất lượng ra thị trường; hiện thực hóa mục tiêu phát triển quy mô đàn gà 1 triệu con/năm và nâng từ 4 lên 5 sao cho sản phẩm OCOP thương hiệu này.

Nhờ đảm bảo nguồn cung ứng giống chất lượng cao đã giúp ngành chăn nuôi gia cầm tại Quảng Ninh ngày một phát triển. Ảnh: Nguyễn Thành.
Nhờ đảm bảo nguồn cung ứng giống chất lượng cao đã giúp ngành chăn nuôi gia cầm tại Quảng Ninh ngày một phát triển. Ảnh: Nguyễn Thành.

Khu vực miền Đông tỉnh Quảng Ninh có 3 loại gà nổi tiếng, gà râu Cái Chiên, gà Tiên Yên và gà bản Đầm Hà. Trong đó, giống gà bản Đầm Hà nổi tiếng với đặc trưng bộ lông đốm hoa sặc sỡ, da vàng, chân vàng, chất lượng thịt thơm ngon.

Những năm trước đây, rất khó tìm mua gà bản Đầm Hà, bởi bà con chỉ chăn nuôi manh mún. Tuy nhiên hiện nay, giống gà bản Đầm Hà đã được phục tráng thành công nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, và phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung.

Người đi đầu trong việc sản xuất giống gà bản Đầm Hà, đó là anh Nguyễn Văn Tuyền, Giám đốc HTX Tuyền Hiền (xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh).

Đến năm 2015-2016, anh Tuyền bắt đầu xây dựng chuồng trại, trang thiết bị máy móc, "tầm sư học đạo" về công nghệ thụ tinh nhân tạo để sản xuất con giống. "Khi bắt đầu khởi nghiệp vào giai đoạn năm 2015, đó là cả một quá trình gian nan, vất vả," anh Tuyền tâm sự.

Để có thể tìm những con gà bản Đầm Hà bố mẹ đạt chuẩn, vợ chồng anh phải lặn lội lên tận các xã vùng cao của huyện Đầm Hà, thậm chí vào tận các bản của bà con đồng bào dân tộc thiểu số để thu gom.

Sau khi được chuyển giao và làm chủ công nghệ thụ tinh nhân tạo trong sản xuất con giống, việc cung cấp gà giống ra thị trường ổn định, tháng 5/2016, anh Tuyền vận động thêm một số hộ dân cùng thành lập HTX Tuyền Hiền chuyên sản xuất gà giống và nuôi gà bản Đầm Hà thương phẩm.

Tháng 6/2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm gà bản Đầm Hà. Từ sự thành công của anh Tuyền, nhiều hộ dân trong và ngoài xã Quảng Tân cũng đã đầu tư chăn nuôi gà bản Đầm Hà theo hướng áp dụng khoa học kỹ thuật để vươn lên làm giàu bền vững.

Anh Tuyền vui vẻ cho biết: "Từ khi tôi thành công nhân giống và nuôi gà bản Đầm hà, người nhà và họ hàng của tôi cũng bắt đầu vào chuỗi liên kết chăn nuôi gà. Hiện mô hình đã nhân rộng lên không chỉ ở Đầm Hà, mà còn mở rộng sang Tiên Yên, liên kết với cả Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, Hải Hà… Khi tham gia vào chuỗi liên kết, bà con đều thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung."

Hiện gà bản Đầm Hà là sản phẩm OCOP 3 sao, và được UBND tỉnh Quảng Ninh tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh năm 2021.

Năm 2021 giá trị sản xuất chăn nuôi của tỉnh tăng 7,6%, chiếm 56,44% giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có đàn trâu hơn 27.600 con, đàn bò trên 34.000 con, đàn lợn gần 263.000 con, đàn gia cầm hơn 4.000.000 con.

Theo NGUYỄN THÀNH - VIẾT CƯỜNG/ NNVN 

Các tin khác