Kỹ thuật chăm sóc thỏ sơ sinh đạt tỷ lệ sống cao

Nếu được bú đầy đủ thì da phẳng và 5-8 ngày đầu mới thấy bầu sữa thỏ mẹ căng phình ra, có màu hồng ở khoang bụng, thỏ con nằm yên tĩnh trong tổ ấm, chỉ thấy lớp lông phủ trên đàn con động đậy đều. Nếu thỏ con đói sữa thì da nhăn nheo, bụng lép và đàn con động đậy liên tục.

Nguyên nhân chủ yếu thỏ con chết là do đói sữa, dẫn đến suy dinh dưỡng, chết dần từ khi mở mắt. Ngoài ra thỏ con còn bị chết lạnh ở mùa đông do mất nhiệt khi mới đẻ và đôi khi bị viêm ruột, ỉa cứt vàng do nhiễm trùng khi bú mẹ.

Thỏ con bị đói sữa có thể do mẹ ít sữa, có khi thỏ mẹ có sữa nhưng không cho con bú do bị viêm tuyến sữa hoặc không quen cho con bú. Do đó từ khi thỏ đẻ, hàng ngày phải kiểm tra đàn con có no không, có mắc bệnh gì không, đồ lót ổ đẻ có khô sạch không, đàn con có bị phân tán không để kịp thời có biện pháp khắc phục.

Thỏ mẹ chỉ cần cho con bú một lần trong ngày đêm là đủ no. Nhiều khi mẹ vào ổ bới đàn con, nằm trong ổ ỉa đái, ăn cả đồ lót ổ, hoặc có khi sợ hãi nhảy vào ổ đẻ giẫm đạp cả đàn con làm chúng không yên tĩnh. Do đó sau khi thỏ đẻ một ngày nên đưa ổ đẻ có nắp đậy kín ra khỏi chuồng thỏ mẹ, buổi sáng sớm hàng ngày mới đưa ổ đẻ vào chuồng thỏ mẹ mở nắp ra để thỏ mẹ nhảy vào cho con bú.

Như vậy đàn con rất chóng no, thỏ mẹ thoải mái trong lồng, cả mẹ và con đều yên tĩnh không làm ảnh hưởng lẫn nhau, ổ đẻ không bẩn do nhiễm phải phân, nước tiểu của thỏ mẹ, đàn con ít nhiễm bệnh. Thỏ mẹ có 8-10 vú, nhưng khi đẻ trên 10 con thì chỉ nên nuôi 7-8 con là tốt nhất.

Hàng ngày phải kiểm tra ổ đẻ và sức khoẻ của đàn con, bỏ ra khỏi ổ phần lót bị bẩn, ướt và những con bị chết. Mùa đông cần bổ sung đồ lót đảm bảo đàn thỏ con luôn có tổ ấm. Khi được 18-21 ngày thì bỏ ổ đẻ, để đàn con trong lồng với mẹ, lúc này đàn con đã cứng cáp, biết tập ăn thức ăn của mẹ và lượng sữa mẹ bắt đầu giảm dần. Lúc 23-25 ngày tuổi cơ thể thỏ con hấp thu được 50% dinh dưỡng từ thức ăn của thỏ mẹ.

Theo NNVN

Các tin khác