Hạt vừng không chỉ ăn ngon mà còn chữa được nhiều loại bệnh, trồng lại đơn giản

Cây vừng có nguồn gốc từ Châu Phi. Tại Việt Nam nhất là ở các tỉnh phía Nam được trồng khá nhiều. Sở dĩ nó được trồng phổ biến là do ngoài là cây lương thực thì cây vừng còn là cây thuốc nam quý.

Cây có đặc điểm dạng thân thảo có lông mềm, cao 60-100cm. Lá mọc đối, đơn, nguyên, có cuống, hình bầu dục, thon hẹp ở hai đầu. Hoa trắng, mọc đơn độc ở nách, có cuống ngắn. Quả nang kép dài, có lông mềm, có 4 ô mở từ gốc lên. Hạt nhiều, thuôn, vàng nâu hay đen, hơi bị ép dẹp, hầu như nhẵn, có nội nhũ. Hoa của cây vừng cũng khá đẹp.

Kỹ thuật trồng cây vừng không quá khó nếu biết cách áp dụng đúng các bước kỹ thuật cơ bản từ khâu chọn giống, gieo trồng cho tới cách phòng bệnh.


Cây vừng không chỉ đem lại kinh tế cao mà còn có tác dụng chữa bệnh hiệu quả. Ảnh minh họa

Các loại giống vừng

Có 2 loại vừng khác nhau đó là vừng đen và vừng trắng. Đây đều là loại dễ trồng và thời gian sinh trưởng khá nhanh. Nhưng để đạt được hiệu quả như mong muốn khi lựa chọn giống cần đảm bảo các yếu tố như cây to, khỏe, sai quả, quả có nhiều múi, khi chín quả đốm đen nhiều.

Cách bảo quản hạt giống cũng khá đơn giản. Khi đến kỳ thu hoặc hãy cắt về ủ, phơi, đập riêng sàng sảy kỹ làm giống. Sau khi phơi khô, trộn hạt giống với tro bếp dày và đậy kín để chống ẩm, mọt. Một hai tháng sau phơi lại một lần.

Thời vụ trồng cây vừng

Tùy tình hình thời tiết và chế độ canh tác từng vùng mà bố trí thời vụ cho thích hợp. Tuy nhiên thời điểm thích hợp nhất để trồng vẫn là vào tháng 4 hoặc tháng 5 khi thời tiết ấm, có mưa. Tránh gieo vừng vào các tháng lạnh dưới 20oC.

Làm đất trồng vừng

Đất trồng vừng có thành phần cơ giới nhẹ, thoát nước tốt, không bị úng. Trước khi đem gieo trồng cần cầy đất, bừa kỹ nhiều lượt và không quên làm đất thật nhỏ và sạch cỏ. Trồng ở đất thấp phải lên luống cao 15-20 cm, mặt luống rộng 1-1,2 m, rãnh luống rộng 40 cm dễ thoát nước.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây vừng

Kỹ thuật trồng cây vừng theo phương pháp gieo hạt. Sau khi đã chuẩn bị hết luống sau đó tiến hành gieo hạt. Muốn gieo đều ta phải trộn vừng với đất bột hoặc cát khô để gieo. Để gieo đều hạt cần gieo thành 2 lần và phải đảm bảo hạt vừng nằm sâu dưới đất từ 3 – 4cm.

Nếu trồng với diện tích nhiều cần làm cỏ thường xuyên và bón phân ngay từ khi cây vừng được khoảng 3 – 4 lá. Vừng rất sợ cỏ át, đồng thời dặm cây tránh sự cạnh tranh ánh sáng lẫn nhau. Khi cây được khoảng 6-7 lá thì tiếp tục làm cỏ và bón phân lần 2 giúp cây phát triển nhanh.


Nhiều công dụng, kỹ thuật trồng cây vừng lại đơn giản. Ảnh minh họa

Thu hoạch và bảo quản hạt vừng

Phần lớn các giống vừng trồng ở các tỉnh phía Nam đều có thời gian sinh trưởng ngắn, dưới 90 ngày. Do đó, tùy thuộc vào thời gian sinh trưởng của giống mà xác định thời điểm thu hoạch cho phù hợp.

Đối với các giống vừng trắng hay vừng vàng thường có thời gian sinh trưởng ngắn hơn, biến động từ 70-80 ngày, còn các giống vừng đen có thời gian sinh trưởng dài hơn, khoảng 90 ngày. Vào thời kỳ chín, quan sát trên đồng ruộng thấy lá và thân cây vừng chuyển từ màu xanh sang màu vàng nhạt, sau đó chuyển sang màu vàng hơi đỏ, những quả ở gần gốc cũng bắt đầu chuyển màu và có hiện tượng nứt, khi đó ruộng vừng có thể thu hoạch được.

Dược tính trong hạt vừng

Nói tới tác dụng của cây vừng trong Đông y, lương y Nguyễn Văn Hán- chuyên bán thuốc Đông y tại Thị trấn Phùng (Hà Nội) cho biết, hạt vừng có vị ngọt, tính bình có tác dụng tư bổ can thận, ích tinh huyết, nhuận tràng, thông sữa. Lá có vị ngọt, tính lạnh có tác dụng ích khí, bổ não tuỷ, mạnh gân cốt, khỏi tê thấp.

Ngoài ra, hạt vừng được dùng làm thuốc chữa can thận không ổn định, đầu váng mắt hoa, bầm huyết, bí đại tiện, sữa xuống không đều. Lá vừng nấu nước uống làm tăng tuổi thọ, nấu nước gội đầu thì tóc mượt đen, da mặt tươi nhuận; cũng dùng chữa rong huyết. Hoa vừng ngâm với nước đắp lên mắt làm mát mắt, dịu đau.

Theo An Dương / VietQ

Các tin khác