Trai Hà Nội nuôi cầy hương, con động vật hoang dã theo cách "đặc biệt" này, mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng
Một ngày cuối tháng 4, đến thăm trang trại của anh Hiếu, 36 tuổi, trước hiên nhà, gia chủ bày la liệt hàng chục nải chuối tây đang ngả màu vàng óng. Mới đầu cứ ngỡ nhầm địa chỉ vào một gia đình chuyên buôn chuối nhưng khi được anh Hiếu ra mở cửa, nói chuối này để làm thức ăn cho đàn cầy hương thì tôi mới "ngã ngửa". Tôi biết đến anh Hiếu qua kênh TikTok và Fanpage trên Facebook có cùng tên "trại cầy vòi hương Đông Anh". Qua theo dõi, thì được biết, đây là 2 kênh anh lập ra để chia sẻ kinh nghiệm nuôi cầy hương với những có đam mê và nhu cầu nuôi loài động vật hoang dã này. Chia sẻ với Dân Việt, anh Hiếu cho biết từng có thời gian đi làm thuê tại một số tỉnh thành ở miền Nam. Trong thời gian này, vô tình trong một lần đi chơi, anh biết đến nghề nuôi cầy hương. "Nuôi cầy hương là nghề tương đối mới và mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên tôi mạnh dạn mua giống bố mẹ đưa ra ngoài Bắc nuôi thử", anh nói. Khởi đầu với nghề nuôi cầy hương của chàng trai Hà Nội này lại không hề dễ dàng, năm đầu tiên 60 con cầy hương đều chết sạch do mua phải nơi cung cấp con giống kém chất lượng dẫn đến bị dịch bệnh.
Dù vậy, anh vẫn không nản lòng, quyết tâm làm lại. Rút ra bài học từ thất bại trước, anh Hiếu đã tìm đến những cơ sở bán con giống uy tín cùng với kinh nghiệm trong tay, lần thứ 2 "khởi nghiệp" anh đã thành công khi những con cầy hương con lần lượt được ra đời. Số cầy hương trong trại mỗi năm lại được nhân lên hàng chục con. Theo anh Hiếu, cầy hương mẹ mỗi năm sinh sản 2 lứa, mỗi lứa đẻ được từ 4-6 con. Sau khi ra đời khoảng 2 tháng, cầy con sẽ tách mẹ, giai đoạn này, anh tiến hành tiêm vaccine phòng bệnh cho cầy con, mỗi mũi cách nhau 25 ngày. Đối với cầy bố mẹ, mỗi năm tiêm nhắc lại 1 lần. Cầy hương cái, sau 10-12 tháng sẽ cho giao phối, trong giai đoạn này quan sát để lựa chọn những con đẻ tốt nhằm giữ lại làm giống (thường thử nghiệm 2-3 lần đẻ để xem tỷ lệ con non ra đời). Đối với cầy hương đực, 15-20 tháng sẽ cho giao phối. Để nhận biết cầy hương muốn giao phối ở thời điểm nào thì ở miền Bắc sẽ "căn cứ theo mùa hoa xoan". Ngoài ra, một số cách nhận biết như, bỏ ăn, kêu giống lên, bộ phận sinh dục cầy hương cái "hoa nở".
Cầy hương con sau khi sinh được từ 2 tháng trở lên có thể xuất bán. Cầy hương nuôi từ 6-7 tháng tuổi có thể đạt trọng lượng từ 2,8-3,2kg/con. “Cầy hương là loài vật tương đối dễ nuôi nhưng để cho sinh sản, người nuôi cần nắm rõ các đặc tính của chúng để áp dụng các kỹ thuật phối giống, chăm sóc con con", anh chia sẻ. Cầy hương thích sống riêng lẻ nên cần làm chuồng riêng cho từng con và chỉ nhốt chung cầy đực và cầy cái để phối giống trong thời gian ngắn. Ðặc biệt, cầy hương con sau khi sinh chưa mở mắt và cần bú sữa, do vậy cần phải quan tâm chăm sóc đặc biệt cho chúng, đảm bảo giữ ấm và bổ sung, cung cấp đầy đủ sữa cho con… Sau 7 năm đưa cầy hương ra Bắc, giờ đây anh Hiếu đã nắm chắc kỹ thuật, am hiểu về cầy hương như một "kỹ sư nông nghiệp". Trang trại nuôi cầy hương của anh điều khác biệt còn đến từ nguyên liệu, cách phối trộn thức ăn và đảm bảo vệ sinh chuồng trại.
Thức ăn của đàn cầy hương đều được anh Hiếu kiểm soát rất chặt chẽ. Trong đó 100% sử dụng chuối tây, đu đủ chín trồng tại bãi sông Hồng và cá mè, loại 0,3kg/con hoặc trứng gà tắc mua tại các lò ấp. Sau đó, tiến hành xay nhuyễn với nhau, kết hợp với một số loại vitamin, khoáng chất để bổ sung chất dinh dưỡng cho cầy hương. "Với nguồn thức ăn như vậy, cộng với việc mỗi ngày 1 con cầy hương ăn lượng thức ăn rất ít nên chất lượng thịt cầy hương thương phẩm rất chắc thịt, thịt thơm, ít mỡ", anh Hiếu chia sẻ. Về chuồng trại, anh Hiếu xây dựng mô hình hiện đại, khép kín. Chuồng nuôi cầy hương được thiết kế dạng lồng sắt cao khoảng 70cm, rộng từ 1m2 hoặc hơn tùy vào các giai đoạn phát triển, sinh sản. Bố trí trên giá đỡ cách nền 1-1,5m để thông thoáng, tiện vệ sinh chuồng trại.
Trong chuồng lắp đặt camera, máy đo nhiệt độ, nước tự động; chuồng được phân chia thành các khu riêng biệt: khu nuôi cá thể, nuôi các cặp chồn vợ chồng, nuôi cầy hương sơ sinh… Để ngăn chặn dịch bệnh "từ sớm, từ xa", tại trang trại tuyệt đối không được nuôi chó, mèo, người ra vào trại phải khử khuẩn; trang trại phải đặt ở nơi ít tiếng ồn, bởi cầy hương rất dễ bị stress. Anh Hiếu cho hay, trang trại của anh thường xuyên duy trì có tổng đàn trên 200 con. Hiện nay, mỗi năm xuất bán gần 500 cầy hương giống ra thị trường, giá cầy giống 13-14 triệu đồng/cặp, trọng lượng 1,5 - 2kg/con; đối với cầy hương thương phẩm có giá 2,3 - 2,5 triệu đồng/kg (3-4kg/con loại 1), cầy hương nuôi lấy thịt 12-14 tháng có thể xuất bán. "Nhiều người mua con giống tại trại của tôi thì đều được hỗ trợ kỹ thuật làm chuồng trại và kỹ thuật nuôi. Tôi còn thành lập nhóm Zalo để thường xuyên trao đổi với người mua, từ đó hướng dẫn, giúp họ thuần thục trong nuôi cầy hương. Từ 2018 đến nay tôi đã hỗ trợ hàng trăm người nuôi cầy hương thành công", anh Hiếu cho hay. Nhờ thành công với nghề nuôi cầy hương, anh Hiếu đã có doanh thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Theo BÌNH MINH/ DÂN VIỆT |
Trông như mọc dại bên cồn ở An Giang, thứ cây này thấp tè ra trái quá trời, dân bẻ bán 50.000 đồng/kg
Loại chim to hơn viên kẹo, đã hót hay lại còn đột biến, anh nông dân Tiền Giang nuôi thành công, bán 5-7 triệu/con
Những người nỗ lực đưa sếu đầu đỏ về Tràm Chim
Ao nuôi tôm công nghệ cao, "đánh liều" thả thêm loại cá ngon này, dân Sóc Trăng bắt con to bự, bán trúng lớn
Nuôi thành công loài "tôm sông khổng lồ", một tỷ phú Đồng Nai hễ bắt lên bán đắt, bán nhanh như tôm tươi
Cây mắc ca đổi đời người Vĩnh Sơn
Chông chênh nghề nuôi cá vược
Đây là loại rau gia vị thơm khắp đồng, anh nông dân Sóc Trăng trồng thành công, hễ đất ẩm tốt um cản chả kịp
Thịt vịt suối xóm Nhàng da vàng như da gà
Nuôi con đặc sản bình dân dày đặc ở Hà Tĩnh, bắt cuốn chiếu, bán quanh năm, anh Đài Loan phát tài