TRANG CHỦ  GIỚI THIỆU  TIN TỨC  SẢN PHẨM  THỜI TIẾT  LIÊN HỆ 
Nông nghiệp đó đây
[ ]
Thứ cây đang hot "bật nảy" quả to bự trên thân, ở Đồng Nai trồng kiểu cánh đồng lớn, "cả làng" trúng đậm

Đến nay, dự án Cánh đồng lớn trồng cây ca cao gắn sản xuất với tiêu thụ đã phát triển được hơn 700 hécta trồng ca cao trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và một số tỉnh, thành lân cận.

Hiện giá trái ca cao tươi nông dân bán tại vườn với mức 16 ngàn đồng/kg, mức giá cao kỷ lục trong vòng 70 năm trở lại đây.

Nông dân trồng ca cao tham gia các dự án cánh đồng lớn đang thu lợi nhuận cao chưa từng có từ cây trồng này.

Nông dân thu lợi nhuận lớn từ cánh đồng lớn trồng ca cao

Giá ca cao tươi tăng cao do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này trên thị trường thế giới có xu hướng tăng nhanh. Trong khi đó, nguồn cung ít hơn cầu, do vùng sản xuất ca cao lớn nhất thế giới ở châu Phi bị mất mùa vì khô hạn.

Dự báo thời gian tới, giá ca cao tiếp tục ở mức cao do nhiều nước bị mất mùa ca cao.

Ông Phạm Văn Huề, nông dân có vườn ca cao rộng 2,5 hécta tại xã Ngọc Định (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai), so sánh khi mới tham gia Dự án cánh đồng lớn, ca cao trồng xen canh trong vườn điều, nông dân chỉ mong đạt lợi nhuận từ 40-60 triệu đồng/hécta/năm.

Đến nay, giá ca cao tăng gấp hơn 3 lần so với giai đoạn ông mới tham gia Dự án cánh đồng lớn. Năng suất ca cao cũng ngày càng tăng, nông dân có thể đạt lợi nhuận từ 200-300 triệu đồng/hécta/năm.

Năm 2024, Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức sản xuất, cung cấp ra thị trường hơn 300 ngàn cây giống ca cao, tăng hơn 150% so với năm 2023. Thời gian tới, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh đầu tư sản xuất cây giống chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu mở rộng diện tích ca cao của nông dân.

Ông Phạm Văn Cường, Tổ trưởng Tổ hợp tác Ca cao Ngọc Định, cho biết trái ca cao ngày càng có giá, nông dân trồng tập trung đầu tư chăm sóc nên năng suất cây trồng này ngày càng cao. Vụ thu hoạch năm nay, năng suất ca cao tăng thêm từ 20-30% so với năm ngoái.

Tùy theo nhà vườn mà ca cao có thể đạt năng suất từ 18-25 tấn/hécta. Cây ca cao đầu tư ít, thường chỉ cần vài chục triệu đồng chi phí phân, thuốc.

Sáp nhập 2 tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, khi "về ở với nhau", tỉnh mới có 2 VQG, 1 khu bảo tồn thiên nhiên, rừng già la liệt động vật sách Đỏ
Hiện Tổ hợp tác Ca cao Ngọc Định đã thu hút được 60 tổ viên, phát triển lên 80 hécta trồng ca cao. Mô hình này đang tiếp tục thu hút nhiều nông dân quan tâm đầu tư do hiệu quả kinh tế cao.

Ca cao có thể cho thu hoạch quanh năm, nhưng thường nông dân chỉ thu hoạch 9 tháng, còn lại 3 tháng cao điểm mùa mưa là thời gian chăm sóc cây, dưỡng cây.

Chính vì vậy, cây trồng này cho năng suất cao, người trồng không lo rơi vào cảnh mất mùa, thất thu như những cây trồng chỉ thu một vụ/năm. Ca cao lại ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết nên rủi ro mất mùa cũng không lớn.

Điều đặc biệt, cây ca cao dễ trồng, sinh trưởng mạnh nên giai đoạn khó khăn, nhà vườn ít đầu tư hoặc khi xảy ra khô hạn, cây xảy ra hiện tượng vàng lá, héo lá, năng suất sụt giảm nhưng khi được chăm sóc lại, cây vẫn hồi phục tốt.

Hình thành chuỗi liên kết trồng ca cao cánh đồng lớn bền vững

Từ vài chục hécta ca cao trước khi đầu tư Dự án cánh đồng lớn, hiện Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức đã phát triển được hơn 700 hécta ca cao tại Đồng Nai và một số tỉnh, thành lân cận. Điều đặc biệt, chuỗi liên kết trồng, chế biến, tiêu thụ ca cao của doanh nghiệp ngày càng phát triển bền vững.

Tổ trưởng Tổ hợp tác Ca cao Trung Hòa (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) Phạm Thành Lập chia sẻ, tham gia chuỗi liên kết trồng, tiêu thụ ca cao, nông dân được doanh nghiệp cung cấp nguồn giống đảm bảo chất lượng, có đội ngũ kỹ thuật về tận vườn hướng dẫn nông dân trong chăm sóc, xử lý sâu bệnh trên cây trồng, đặc biệt là bao tiêu sản phẩm với giá tốt để nông dân yên tâm gắn bó với cây trồng này.

Ngoài ra, các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng ca cao tham gia cánh đồng lớn đều tự tổ chức các tổ kỹ thuật cung cấp dịch vụ tỉa cành, tạo tán, quản lý, xử lý dịch bệnh trên cây trồng cho nhà vườn.

Chế biến ca cao tại Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.

Thường các vườn ca cao cắt trái một tuần/lần nên các thành viên trong tổ hợp tác, hợp tác xã thường xuyên gặp mặt, được cung cấp thông tin về thị trường, chia sẻ kỹ thuật chăm sóc cây hoặc tình hình dịch bệnh trên cây trồng.

Nông dân trồng ca cao tham gia Dự án cánh đồng lớn cũng được hướng dẫn chuyển đổi sang canh tác theo hướng hữu cơ.

Trong đó, lớp lá của cây ca cao sau khi cắt tỉa được tận dụng che phủ đất, để tự hoai mục làm nguồn phân hữu cơ, lại có tác dụng giữ ẩm tốt cho đất. Sản xuất theo hướng hữu cơ, cây phát triển khỏe nên hạn chế được dịch bệnh xuất hiện trên cây trồng, năng suất cây đạt cao.

Ngoài ra, nông dân trồng ca cao quan tâm, làm ra sản phẩm an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Từ khi triển khai Dự án cánh đồng ca cao, Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức đã hỗ trợ nông dân sản xuất ca cao đạt chứng nhận UTZ - một chương trình canh tác bền vững trên toàn thế giới.

Đến nay, cả nước có gần 370 hécta ca cao đạt chứng nhận UTZ. Trong đó, Đồng Nai là địa phương đi đầu và có diện tích trồng ca cao được chứng nhận UTZ lớn nhất nước với hơn 200 hécta. Đây cũng là nguyên nhân giúp ca cao Đồng Nai được thị trường thế giới đánh giá cao về chất lượng và hương vị.

Theo Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức Đặng Tường Khanh, với cây ca cao, nông dân không thể đem ra chợ bán được. Chính vì vậy, doanh nghiệp đầu tư Dự án cánh đồng, tập hợp nông dân thành từng tổ hợp tác, hợp tác xã để triển khai thực hiện đồng bộ quy trình sản xuất.

Ngoài xuất khẩu hạt ca cao, doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm để tăng thêm hiệu quả cho cây trồng này. Hiện doanh nghiệp đã phát triển được 60 sản phẩm chế biến sâu, trong đó có 2 sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 4 sao, 1 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao.

Theo BINH NGUYÊN/ BÁO ĐỒNG NAI 

Đầu trang Gởi E-mail Bản in
Các tin khác
  • Cam trái vụ cho quả ngọt ở vùng lũ Bảo Yên
  • Vịt trời đẻ 'trứng vàng', nông dân vùng đất trũng phèn thu lãi cao
  • Rẽ hướng từ tôm sang cá chẽm, nông dân miền Tây thu lãi hàng trăm tỉ đồng
  • Giống cây từng bị bỏ rơi, bất ngờ nay là "cây hái ra tiền", nông dân Đắk Lắk tranh nhau mua
  • Tay ngang làm nghề lạ, 9X đưa ốc gác bếp thành đặc sản Tây Đô
  • Thứ quả mọc hoang xưa dân vùng Bảy Núi để rụng đen gốc, giờ bỗng dưng nhiều người săn lùng, tìm mua bằng được
  • Loại nấm "nhớt ăn mới ngon" người Nhật Bản săn tìm, giá 500.000 đồng/kg, ở Việt Nam đã có người trồng bán
  • Giá cá ngừ sọc dưa quá thấp, ngư dân muốn bỏ biển
  • Độc đáo sản phẩm 'Cua lột Xứ Dừa'
  • Vườn sầu riêng 'nói không' với hóa chất

Trang chủ | Giới thiệu | Sản phẩm | Giỏ hàng | Liên hệ | Đầu trang
Copyright 2025 © KDT Group 2010