TRANG CHỦ  GIỚI THIỆU  TIN TỨC  SẢN PHẨM  THỜI TIẾT  LIÊN HỆ 
Nông nghiệp đó đây
[ ]
Chuyển lúa sang sả, nông dân cười hỉ hả

Thu nhập gấp 3 lần lúa

Huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang là một vùng đất cù lao ven biển với điều kiện tự nhiên khá khắc nghiệt. Mỗi năm, nơi đây phải chịu từ 3 đến 6 tháng nước nhiễm mặn, khiến việc trồng lúa gặp nhiều khó khăn. Hàng năm, nông dân chỉ sản xuất được một vụ lúa, năng suất thấp. Để thích nghi với điều kiện hạn mặn, nông dân đã chuyển đổi sản xuất từ cây lúa sang cây sả.

Nhờ việc chuyển đổi hiệu quả, sả đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện Tân Phú Đông. Tính đến năm 2015, diện tích xuống giống cây sả chỉ khoảng 831 ha. Đến năm 2018, diện tích cây trồng này đã tăng lên khoảng 1.600 ha. Hiện nay, bình quân hàng năm huyện xuống giống khoảng 2.900 ha, tập trung tại hai xã Phú Đông và Phú Thạnh, trở thành vùng chuyên canh sả lớn nhất tỉnh Tiền Giang.

Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Tân Phú Đông, mỗi năm, nông dân thu hoạch cây sả được 2 vụ, năng suất từ 12-15 tấn/ha/vụ. So với cây lúa, thu nhập từ cây sả mang lại hiệu quả cao gấp 3 lần, nên được đánh giá là cây trồng giúp nông dân thoát nghèo.

Ông Đỗ Minh Cảnh ở ấp Cả Thu, xã Phú Thạnh là một trong những “tỷ phú sả” của địa phương nhờ chuyển đổi từ cây lúa sang cây sả 10 năm nay. Với 13 ha đất chuyên canh cây sả, mỗi năm ông thu lãi lên tới gần 1 tỷ đồng. Theo ông, cây sả rất dễ trồng, mùa khô cày ải phơi đất, mùa mưa xuống giống. Trong suốt vụ chỉ rải phân 3 lần, xịt thuốc 4 lần và không phải tưới nước.

Vụ này, ông Cảnh vừa xuống giống xong là bán luôn cho thương lái với giá 500 triệu đồng (một năm trồng 2 vụ sả). Ông nói, việc rải phân phun xịt là thương lái làm hết, chỉ phải làm sạch cỏ trên ruộng sả cho họ mà thôi. Còn nếu tự đảm nhận công việc chăm sóc cây sả đến khi thu hoạch, thu nhập của nhà nông sẽ tăng lên khoảng 60-70 triệu đồng/ha.

“Tôi thấy trồng sả khá hơn nhiều, lời gấp 2-3 lần cây lúa. Giá lúa vẫn bấp bênh, chứ giá sả ít có biến động, dao động 4.500 - 5.500 đồng/kg. Năm nay, giá sả lên tới 7.000 đồng/kg. Nhờ cây sả, mấy năm nay kinh tế gia đình khá lên”, ông Cảnh cho biết.

Giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động

Đến vùng chuyên canh cây sả Tân Phú Đông, bất kỳ lúc nào du khách cũng có thể nhìn thấy những cánh đồng sả xanh tốt và nghe thấy mùi thơm sả dễ chịu. Bởi nông dân xuống giống 2 vụ/năm và lúc nào trên cánh đồng cũng có cây sả để đáp ứng nhu cầu thu mua của trên 30 cơ sở tại địa phương để cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Nhờ vậy, nhiều người dân ở Tân Phú Đông có thu nhập từ việc trồng sả và làm các công việc liên quan đến thu hoạch vận chuyển, sơ chế cây sả. Những hộ không có đất sản xuất cũng có thu nhập ổn định nhờ cây sả. Cây sả giúp giảm nghèo cho nhiều hộ dân của vùng đất cù lao ven biển chịu ảnh hưởng khắc nghiệt của biến đổi khí hậu.

Gặp được hai mẹ con chị Nguyễn Thị Thanh (ở ấp Bà Lắm, xã Phú Thạnh) đang chặt sả thuê cho thương lái trên cánh đồng vào sáng sớm, chúng tôi được biết chị đã làm việc này được 10 năm nay. Theo chia sẻ của chị, công việc này mang lại thu nhập 200.000 - 300.000 đồng/người/ngày cho hàng nghìn lao động ở địa phương.

Thu nhập được tính dựa trên khối lượng sả sau khi được chặt bỏ gốc, ngọn cho gọn gàng. Mỗi ký sả, người chặt được chủ thuê trả công 1.200 đồng. Công việc này dù hơi vất vả, đi sớm về khuya nhưng chị Thanh có thu nhập rất ổn định, hai người chặt giỏi thu nhập 400.000 - 500.000 đồng/ngày.

“Có khi đi từ 2-3 chiều tới 11h đêm hoặc 2-3 khuya đi tới 2-3h chiều. Nói chung lúc nào mát mẻ hay lái kêu là mình làm. Từ hồi có cây sả tới bây giờ, bà con có đời sống ổn định, người già, người trẻ ai cũng làm được”, chị Thanh nói.

Khác với hai mẹ con chị Thanh, chị Trần Thị Tuyết (ở ấp Bà Tiên 1, xã Phú Đông) chọn công việc sơ chế sả tại cơ sở thu gom. Sả sau khi được thu hoạch ngoài đồng về sẽ tiếp tục được chặt gọn lại, làm sạch sẽ, bó lại thành từng bó và cho vào túi nilon để giao cho tiểu thương tại các chợ.

“Mỗi bọc (10kg), lao động được trả công 3.500 đồng. Tùy theo yêu cầu của chủ mà mình làm nhiều hay ít. Thu nhập tùy theo ngày nhưng bình quân tôi kiếm được khoảng 200.000 đồng/ngày”, chị Trần Thị Tuyết chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Tân Phú Đông, để nâng cao hiệu quả sản xuất cho cây sả, sắp tới địa phương sẽ đặt hàng làm đề tài đối với Trường Đại học Nông lâm TP.HCM và Trường Đại học Tiền Giang nghiên cứu những trang thiết bị đưa vào quy trình làm đất, xuống giống, bón phân, thu hoạch để giải phóng sức lao động thủ công. Đồng thời, phối hợp với các xã tuyên truyền người dân thực hiện liên kết sản xuất - tiêu thụ để giảm chi phí đầu vào và đầu ra cây sả ổn định hơn.

Cũng theo ông Hải, cây sả của huyện hiện nay chủ yếu chỉ được sơ chế và bán thô. Một số cơ sở tận dụng lá sả để chế biến tinh dầu sả và hút chân không củ sả đóng gói xuất khẩu ra nước ngoài, tuy nhiên sản lượng này không lớn.

“Tới đây, chúng tôi sẽ mời những doanh nghiệp, nhà khoa học đề nghị làm triển khai thực hiện các đề tài, dự án để nghiên cứu sâu về cây sả. Chẳng hạn như chiết xuất tinh dầu từ lá sả đuổi muỗi, khử mùi phòng, mỹ phẩm hoặc làm thuốc bảo vệ thực vật sinh học để phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng”, ông Nguyễn Văn Hải cho biết.

Nhờ cây sả, nhiều hộ gia đình ở Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang thoát nghèo, cải thiện đời sống và phát triển kinh tế bền vững. Có thể khẳng định, đây là một minh chứng cho sự thích ứng linh hoạt của người dân trước biến đổi khí hậu và sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả.

Theo Minh Đảm/ NNVN 

Đầu trang Gởi E-mail Bản in
Các tin khác
  • Tỷ phú Lâm Đồng là chàng trai cất bằng y về quê nuôi dê xuất xứ Nam Phi
  • Thứ cây tốt um ngoài đồng, "đẻ" quả cản đâu có kịp, cứ 1ha, nông dân Thanh Hóa thu 150-180 triệu
  • Phong trào nuôi con đặc sản lan tỏa khắp xứ Thanh
  • Cô gái Mường bén duyên nghề nuôi cá tầm
  • Chàng trai đưa sản phẩm gia dụng làm từ tre ra thế giới
  • Rùa Philippines vượt đại dương về Côn Đảo đẻ trứng
  • Con đặc sản hiền khô này toàn ăn đồ rẻ tiền, nuôi thành công ở Bến Tre, bắt bao nhiêu thương lái mua bấy nhiêu
  • Nông dân Vĩnh Long "đánh liều" trồng cây gì thấp tè mà quả quá trời, thu nhập cao gấp 5 lần so với trồng lúa?
  • Tăng hiệu suất sử dụng đất nhờ mô hình trại lợn nhiều tầng
  • 5 cá nhân đầu tiên được cấp phép nuôi biển từ 3-6 hải lý

Trang chủ | Giới thiệu | Sản phẩm | Giỏ hàng | Liên hệ | Đầu trang
Copyright 2025 © KDT Group 2010