Chàng trai đưa sản phẩm gia dụng làm từ tre ra thế giới
Anh Trịnh Đình Toàn (sinh năm 1990, thôn Thọ Đông, xã Thăng Thọ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) có đam mê làm sáo trúc từ khi còn là sinh viên ngành Cơ khí chế tạo máy, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Thời điểm đó, anh là đầu mối cung cấp sáo, có ngày xuất ra thị trường tới 200 cây sáo phục vụ nhu cầu khách hàng. Năm 2021, Toàn quyết định trở về quê mang theo toàn bộ máy móc để bắt đầu một hành trình mới - sản xuất ống hút và đồ gia dụng bằng tre theo xu hướng sống xanh, bền vững. Anh cho biết: “Trong thời gian giãn cách vì dịch Covid-19, tôi có nhiều thời gian suy nghĩ và nhận thấy tiêu dùng xanh, sạch, bền vững và thân thiện với môi trường đang là xu hướng của xã hội hiện đại, đặc biệt là nhu cầu thị trường quốc tế”. Toàn bộ dây chuyền sản xuất đều do Toàn lên ý tưởng, thiết kế. Anh vận dụng kiến thức ngành cơ khí để tạo ra các máy cắt, máy tiện, máy sấy phù hợp với đặc tính của nguyên liệu tre và nhờ bạn bè hỗ trợ lắp ráp các chi tiết máy phức tạp. "Thiết kế của tôi không 'đụng hàng' với bất cứ sản phẩm nào trên thị trường. Bởi vậy, sản phẩm làm ra mang đậm dấu ấn riêng từ hình dáng tới tính năng sử dụng", Toàn chia sẻ. Năm 2022, sau khi xưởng hoạt động ổn định, vợ chồng Toàn cùng người thân thành lập HTX Tre Thăng Thọ. Ban đầu, HTX chỉ có 4 người gồm hai vợ chồng, em trai và một người cô chung tay gây dựng cơ ngơi. Có những thời điểm vợ chồng Toàn phải chạy từng đơn hàng nhỏ lẻ, gửi mẫu đi khắp nơi để chào hàng, chỉ mong có cơ hội được khách hàng thử nghiệm sản phẩm. Theo Toàn, quá trình để làm ra một chiếc cốc hay ống hút bằng tre đòi hỏi sự cẩn thận từ khâu chọn nguyên liệu (tre phải già, thẳng, đều), phơi sấy, xử lý mối mọt, khắc laser, sơn phủ đến đóng gói. Tất cả các công đoạn đều được kiểm soát kỹ lưỡng. “Khó khăn nhất là giai đoạn đầu khi sản phẩm còn mới, chưa ai biết đến, nhiều người còn nghi ngờ về chất lượng và từ chối ký hợp đồng đặt hàng. Nhưng khi họ sử dụng sản phẩm của mình rồi thì rất khó bỏ vì tiện lợi, bảo đảm sức khỏe cho người sử dụng và thân thiện với môi trường”, Toàn chia sẻ. Để lan tỏa sản phẩm gia dụng từ tre, Toàn đã đưa sản phẩm tham gia các diễn đàn khởi nghiệp, các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh để tiếp cận khách hàng và lắng nghe phản hồi thực tế từ người tiêu dùng. Không ít lần, chính tại những sự kiện như vậy, Toàn đã ký được các hợp đồng lớn với các nhà phân phối, chuỗi cửa hàng và cả đối tác quốc tế. Toàn khẳng định, những sản phẩm từ tre hướng tới thị trường ngách, có lợi thế cạnh tranh. Ưu điểm lớn là thân thiện với môi trường, an toàn cho sức khỏe và có thể tái sử dụng. Giá thành sản phẩm đủ sức cạnh tranh với các mặt hàng cùng loại do lợi thế về nguyên liệu sẵn có, máy móc, lao động tại chỗ. Nhờ chất lượng và tính bền vững, các sản phẩm của HTX Tre Thăng Thọ đã xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Úc, Canada, Đức, Trung Quốc... Đặc biệt, Toàn còn ký được hợp đồng với các khu nghỉ dưỡng 5 sao, chuỗi nhà hàng khách sạn cao cấp, trong đó có cả hệ thống Vinpearl – một trong những tên tuổi lớn tại Việt Nam. Sản phẩm làm từ tre của Toàn không chỉ dừng lại ở ống hút mà mở rộng ra hàng loạt mặt hàng gia dụng như cốc, hộp dựng chè, hộp bút, bình giữ nhiệt, khay đựng đồ ăn... Trung bình mỗi tháng xưởng xuất khoảng 300.000 ống hút và 10.000 sản phẩm gia dụng các loại, mang lại doanh thu từ 400 - 600 triệu đồng. Hiện nay, cơ sở sản xuất của Toàn tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động địa phương và hàng chục lao động thời vụ với thu nhập từ 6 - 10 triệu đồng/tháng. Theo Quốc Toản - Tâm Phùng/ NNVN |
Tỷ phú Lâm Đồng là chàng trai cất bằng y về quê nuôi dê xuất xứ Nam Phi
Thứ cây tốt um ngoài đồng, "đẻ" quả cản đâu có kịp, cứ 1ha, nông dân Thanh Hóa thu 150-180 triệu
Phong trào nuôi con đặc sản lan tỏa khắp xứ Thanh
Cô gái Mường bén duyên nghề nuôi cá tầm
Chuyển lúa sang sả, nông dân cười hỉ hả
Rùa Philippines vượt đại dương về Côn Đảo đẻ trứng
Con đặc sản hiền khô này toàn ăn đồ rẻ tiền, nuôi thành công ở Bến Tre, bắt bao nhiêu thương lái mua bấy nhiêu
Nông dân Vĩnh Long "đánh liều" trồng cây gì thấp tè mà quả quá trời, thu nhập cao gấp 5 lần so với trồng lúa?
Tăng hiệu suất sử dụng đất nhờ mô hình trại lợn nhiều tầng
5 cá nhân đầu tiên được cấp phép nuôi biển từ 3-6 hải lý