Nuôi con côn trùng ngọ nguậy như sâu, dân một xã ở Lâm Đồng tự trả lương tốt

Đến huyện Đam Rông vào những tháng đầu năm 2024, cảm nhận đầu tiên của phóng viên là sự thay da, đổi thịt, sự trù phú của mảnh đất từng được xếp vào "TOP" huyện nghèo 30A.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Hương - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Đam Rông nhận định, từ khi thành lập đến nay, các xã được phát triển lên rất nhiều, ý thức phát triển kinh tế của người dân ngày càng tăng.

Qua công tác tuyên truyền vận động giúp người dân, người đồng bào dân tộc thiểu số đã làm ăn rất tốt, người đồng bào được phát triển kinh tế.

Trồng dâu, nuôi tằm đang trở thành sinh kế thoát nghèo, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Chính – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đam Rông cho biết, hiện nay, huyện Đam Rông có khoảng 700ha dâu tằm.

Qua nhiều năm theo dõi thì giá kén tằm ổn định, nhiều hộ thoát nghèo nhờ sinh kế này. Huyện Đam Rông còn được thiên nhiên ưu đãi với nhiều sông suối, bãi bồi nên rất phù hợp để cây dâu phát triển.

Được sự giới thiệu của bà Nguyễn Thị Trang - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đam Rông, chúng tôi được đến thăm nhà của chị Ma Rương (39 tuổi, xã Đạ M'Rông, huyện Đam Rông). Chị Ma Rương là người đứng ra thành lập "Tổ hợp tác cung ứng tằm con tuổi 3" tại xã Đạ M'Rông vào năm 2022.

Chị Ma Rương cho biết, năm 2005, chị theo học trường Cao đẳng nghề Đà Lạt (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Cũng chính từ đây, chị đã quen anh Ha Bắc (người M'nông). Đến năm 2008, chị Rương và anh Bắc đã lấy nhau và cùng về xã Đạ M'rông sinh sống.

"Khi học xong, ra trường và lập gia đình, tôi được bố trí làm cán bộ khuyến nông. Thời điểm nó, người địa phương còn sợ con tằm, không dám sờ bởi giống con sâu. Sau khi được tham dự các lớp tập huấn, chuyển đổi cây trồng nên tôi đã tiếp cận được nghề trồng dâu, nuôi tằm.

Ở Đạ M'rông, trước đây người dân vẫn thường sản xuất theo lối cũ, phụ thuộc tự nhiên nên hiệu quả kinh tế không cao.

Vì vậy, để thay đổi phương thức sản xuất, triển khai sinh kế mới rất khó nên mình là cán bộ, Đảng viên phải tiên phong, nêu gương đi trước. Thế nên năm 2016, tôi cùng chồng đã quyết định chuyển đổi chuyển từ trồng lúa, trồng bắp sang trồng dâu, nuôi tằm.

Lứa đầu tiên tôi đã bán được tằm con và kén với thu nhập cao hơn nhiều so với trồng ngô, lúa. Các anh chị em trong nhà cũng làm theo nghề trồng dâu, nuôi tằm", chị Ma Rương nhớ lại.

Nhiều chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số tại xã Đạ M'rông, huyện Đam Rông đã thoát nghèo, có thu nhập cao nhờ trồng dâu, nuôi tằm.

Là người đầu tiên tham gia tổ hợp tác do chị Ma Rương thành lập, chị K'Jiêng cho hay, gia đình chị có 5.000m2 đất trồng dâu. Sau khi được tư vấn và học hỏi nghề trồng dâu, nuôi tằm của Ma Rương thì chị đã mua 14 khay kén về để làm nuôi tằm.

Hiện nay, mỗi năm gia đình chị có thu nhập khoảng 80 triệu đồng, trung bình mỗi tháng có thu nhập khoảng 6,6 triệu đồng. Chị K'Jiêng cũng nhận định, cách dạy trồng dâu, nuôi tằm của Ma Rương rất dễ hiểu, dễ làm nên đã phần những tổ viên khi tham gia sẽ có thu nhập ổn định, đời sống khá lên so với trước đây.

Nhờ cách làm đơn giản nhưng hiệu quả kinh tế của chị Ma Rương mà đến nay tổ hợp tác đã thu hút được 25 thành viên là phụ nữ dân tộc thiểu số. Đến nay, tổ hợp tác có 2ha dâu để nuôi tằm con, cùng nhà nuôi hơn 500m2.

Mỗi tháng, tổ hợp tác cung cấp thị trường từ 80 đến 100 hộp giống tằm, giúp các thành viên có thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng.

Nói về tổ hợp tác của Ma Rương, ông Nguyễn Hoàng Mai - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đạ M'rông cho biết: "Chị Ma Rương là người có nhiều cống hiến cho địa phương, đặc biệt là người đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ bắp, lúa sang trồng dâu nuôi tằm để người dân địa phương làm theo để phát triển kinh tế, thoát nghèo. Hiện nay, toàn xã Đạ M'rông đã có hơn 100ha dâu, hơn 100 hộ trồng dâu, nuôi tằm.

Chính vì cách làm hay, vì cộng đồng của mình, dự án "Tổ hợp tác cung ứng tằm con tuổi 3" của Ma Rương đã đoạt giải nhất Hội thi "Phụ nữ khởi nghiệp - sáng tạo, kết nối" năm 2023, do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Lâm Đồng tổ chức.

Ngoài ra, chị Ma Rương cũng là một trong 93 "Gương sáng đời thường" được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lâm Đồng tôn vinh.

Theo VĂN LONG/ DÂN VIỆT 

Các tin khác