Thứ chim to hơn nắm tay, chỉ ngồi trong lồng ăn rồi đẻ cản chả kịp, một nông dân Lạng Sơn thu 300 triệu/năm

Đến với xã Yên Bình, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn gặp ai cũng có thể hỏi thăm được đường đến được nhà ông Tiện, bởi ông là người nông dân đầu tiên của xã đã mạnh dạn nuôi chim cu gáy Pháp để phát triển kinh tế.

Trước đây để phát triển kinh tế, gia đình ông Tiện cũng đã tập trung chăn nuôi nhiều loại như: Gà, trâu, bò, lợn và nuôi chim bồ câu Pháp, những vẫn không hiệu quả, kinh tế vẫn khó khăn.

Qua nắm bắt thông tin, tìm hiểu thị trường được biết chim cu gáy Pháp là món ăn đặc sản được rất nhiều các nhà hàng ưa chuộng.

Vì vậy ông Tiện đã tự mình tìm hiểu rất nhiều về chim cu gáy Pháp ở các trang trại Bắc Ninh, Bắc Giang, từ con giống, cách nuôi và thị trường tiêu thụ.

Sau quá trình tìm hiểu, năm 2019 gia đình ông Tiện đã mua 100 đôi chim cu gáy Pháp về nuôi. Chăn nuôi thuận lợi, giờ đây ông Tiện đã phát triển lên 2.000 đôi chim cu gáy Pháp giống.

Ông Tiện cho hay: Đến nay gia đình tôi đã nuôi chim cu gáy được 6 năm, tôi thấy đây là loài rất dễ nuôi, tốn ít thức ăn, ít dịch bệnh… lại không phải lo đầu ra, có bao nhiêu thì đều có khách hàng ở Hà Nội, Nam Định lên mua bấy nhiêu, rất phù hợp với bà con nông nghèo chúng tôi.

Cứ sau khoảng 35-40 ngày, chim cu gáy bố mẹ sẽ sinh sản một lứa, gia đình ông Tiện sẽ phân loại để xuất bán chim non làm giống và nuôi chim thịt thương phẩm.

Mỗi năm gia đình ông Tiện xuất bán chim cu gáy Pháp thương phẩm 6-7 đợt (mỗi đợt khoảng 500 đôi), đem về thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm.

Thức ăn của chim cu gáy Pháp cũng rất dễ kiếm, ngoài thức ăn chính là cám thì cũng tận dụng được các sản phẩm nông nghiệp sẵn có của địa phương như: Ngô, thóc, đỗ xanh… để giảm chi phí trong chăn nuôi.

Chuồng nuôi chim cu gáy Pháp được thiết kế có sàn đổ bê tông để tiện việc dọn dẹp hàng ngày, mái được lợp bằng tấm lợp Fibro xi măng, có quạt ở trên cao, xung quanh xây tường cao 1m và che chắn bằng lưới… đảm bảo ấm về mùa đông và mát về mua hè.

Làm ô nuôi chim cũng khá đơn giản, chỉ cần dùng lưới sắt vây thành những ngăn nhỏ, kích thước 50x50x50; mỗi ngăn nhốt một đôi chim giống, bên trong tạo ổ bằng rơm, rạ hoặc chất xơ từ cây cối cho chim sinh sản.

Việc chăm sóc cho ăn, uống nước, dọn vệ sinh cho chim cu gáy Pháp cũng rất thuận lợi, với đàn 2.000 con nhưng gia đình ông Tiện cũng chỉ cần 1 người làm.

Ông Hoàng Văn Huấn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Bình cho hay: Nhận thấy mô hình chăn nuôi chim cu gáy Pháp của hội viên nông dân Ngô Văn Tiện đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, chúng tôi đã tổ chức và đưa nhiều đoàn Hội Nông dân, nông dân đến thăm và học tập mô hình chăn nuôi này để phát triển.

Yên Bình hiện vẫn đang là xã vùng III, thu nhập chính của bà con vẫn phụ thuộc vào nông nghiệp, chính vì vậy việc mạnh dạn đi đầu phát triển kinh tế với những mô hình chăn nuôi mới như của ông Tiện sẽ là động lực quan trọng để nông dân, hội viên nông dân học tập, phát triển.

Từ đó sẽ góp phần tích cực trong phát triển kinh tế hộ gia đình để sớm đưa Yên Bình thoát khỏi xã nghèo vùng III.

Theo HOÀNG TÍNH/ DÂN VIỆT 

Các tin khác