Tỷ phú Lâm Đồng, bốc thức ăn sống vào đĩa rồi "mời" con động vật hoang dã này ăn, thu tiền tỷ/năm

Chị Tô Thị Cúc, anh Nguyễn Văn Thư hay anh Nguyễn Quang Dũng là những hộ nuôi rắn nhiều người biết đến tại huyện Đạ Huoai. Đây đều là những người tiên phong, mạnh dạn chuyển đổi cách làm nông nghiệp truyền thống qua mô hình nuôi rắn mang lại hiệu quả kinh tế cao tại địa phương.

 

Mô hình nuôi rắn tráo trâu của anh Nguyễn Quang Dũng tại xã Mỹ Đức (huyện Đạ Huoai) được nhiều người biết đến do mang lại thu nhập "khủng" cho gia chủ. Đây cũng là cách làm mà chính quyền địa phương đang khuyến khích người dân trong vùng học hỏi, làm theo.

Anh Nguyễn Quang Dũng cho biết, từ năm 2023, nhận thấy mô hình nuôi rắn ráo trâu mang lại hiệu quả cao nên anh đã chuyển đổi 0,5ha đất ở xã Mỹ Đức để xây dựng trang trại nuôi rắn. Khu vực nuôi rắn được anh làm với diện tích khoảng 3.000m2, anh chia ra làm nhiều phân khu cho từng độ tuổi của rắn ở.

Sau khi xây dựng trang trại xong, anh Dũng đã đặt hàng làm chuồng bằng gỗ để thả hàng nghìn con rắn ráo giống. Anh Dũng cho biết, so với thời tiết miền Bắc, rắn chỉ được nuôi từ tháng 2 đến tháng 10 tháng, thế nhưng với khí hậu tại Đạ Huoai thì lại nuôi được quanh năm do biên độ nhiệt cao từ 23-32 độ C.

"Hiện nay, trang trại của tôi đang nuôi khoảng 10.000 con rắn, trong đó, rắn thương phẩm chiếm 50%. Tôi đã làm chủ được công nghệ ấp trứng rắn. Với 1 con rắn cái thì đẻ trung bình từ 10-12 quả trứng/lần, với trứng đạt thì tôi đưa đi ấp làm giống, nếu trứng không đạt thì ấp để nuôi làm rắn thương phẩm.

Hiện nay, cách làm, mô hình này tại địa phương đang mang lại hiệu quả cao, vì vậy, tôi đang định hướng để tiếp tục nhân đàn lên từ 15.000-20.000 con rắn các loại. Tôi cũng dự định thành lập hợp tác xã, chuyển giao kỹ thuật cho các nông hộ trong vùng muốn nuôi rắn", anh Dũng nói.

Hiện nay, thức ăn chủ yếu để nuôi rắn là gà, vịt con thải loại được anh Dũng mua từ các đơn vị chuyên cung cấp giống gia cầm. Đây là loại thức ăn đầy đủ dinh dưỡng và cũng phù hợp với nhu cầu của rắn ráo trâu.

Với giá bán rắn thương phẩm từ 400.000-500.000 đồng/kg (có thời điểm đạt 700.000 đồng) cộng với rắn giống bán từ 150.000 - 200.000 đồng/con đã mang lại cho anh Dũng thu nhập từ 2,5-3 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, với da rắn khi rắn lột xác cũng được khách hàng mua với giá khoảng 200.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu ổn định cho anh Dũng.

Lãnh đạo UBND xã Mỹ Đức (huyện Đạ Huoai) cho biết, mô hình nuôi rắn ráo trâu của gia đình anh Dũng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định tại địa phương. Với điều kiện khí hậu, thời tiết tại huyện Đạ Huoai, rắn nuôi phát triển ổn định, sinh trưởng tốt, ít bệnh nên người nuôi gặp nhiều thuận lợi. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ rắn đang còn nhiều dư địa nên địa phương cũng đang khuyến khích người dân phát triển.

Theo VĂN LONG/ DÂN VIỆT 

Các tin khác