Đây là loại quả ngon "ăn một lần nhớ mãi", bán giá cao, dân Trà Vinh bẻ bao nhiêu cũng bán hết veo

Dừa sáp có hàm lượng tinh dầu và dinh dưỡng cao hơn dừa thường với hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được, khiến cho những ai đã từng thưởng thức sẽ nhớ mãi.

Dừa sáp đến nay vẫn là một cái gì đó bí ẩn, khi thu hoạch, cả buồng dừa thì chỉ có khoảng 1/3 số quả là dừa sáp thứ thiệt, những trái còn lại là dừa thường.

Chỉ có những người trồng dừa dày dạn kinh nghiệm mới có thể "định vị" đâu là trái dừa sáp và đâu là trái dừa thường trong một buồng dừa.

Chính vì mỗi buồng dừa chỉ có khoảng 2 - 3 trái dừa sáp, số lượng không đủ để cung ứng ra thị trường nên giá thành dừa sáp khá đắt so với giá dừa thường.

Từ nhu cầu thực tế, từ nhiều năm qua, cây dừa sáp đã trở thành cây làm kinh tế, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã trồng loại cây này, nhằm tăng thêm thu nhập cải thiện kinh tế gia đình. Nói đến dừa sáp là phải nhắc đến Trà Vinh, loại cây này rất phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất này.

Anh Phạm Văn Công, ấp Châu Hưng, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh chia sẻ: "Gia đình anh có 2,5 ha trồng dừa sáp, đến nay có 1 ha đã cho thu hoạch trái, còn lại 1,5 ha trồng được 2 năm chưa cho thu hoạch. Với 1 ha dừa sáp đã mang lại doanh thu hơn 10 triệu đồng/tháng, so với nghề trồng lúa thì hiệu quả khá cao.

Ông Lý Khanh, ấp Ô Rồm, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh cho biết: "Nhà tui trồng được 1ha dừa, dừa sáp trồng 4 năm là cho thu hoạch, mỗi năm khoảng 200 triệu đồng.

Dừa sáp rất dễ trồng chỉ cho ăn một ít phân hữu cơ cuối mùa mưa và đầu mùa mưa, mỗi năm bón phân 2 lần.

Anh Phạm Văn Công cho biết thêm, trước đây, gia đình tôi trồng mít nhưng không đạt hiệu quả vì vùng đất này không phù hợp…. Ngoài ra, còn lại trồng lúa nhưng hiệu quả kinh tế không cao nên mới chuyển sang trồng dừa được 7 năm nay.

"Trồng dừa sáp, có vốn đầu tư thấp, dễ trồng, ích công, rủi ro thấp, không sợ lỗ vốn, tuy nhiên nếu so với các loại cây trồng khác như sầu riêng...thì thu nhập không bằng", anh Phạm Văn Công chia sẻ.

1ha đất trồng khoảng 250 cây, mỗi cây cách nhau 7 m, nếu trồng dày quá sẽ không có trái. Trồng giống dừa này nếu quả có sáp sẽ bán được với giá từ 40 - 90 ngàn đồng/trái, những quả không có sáp sẽ được bán với giá khoảng 200 ngàn đồng/12 trái".

"Trước đây, nhà tui trồng lúa và làm rẫy, với 1ha lúa mỗi năm trồng 3 vụ thu hoạch được trên 100 triệu đồng, thu nhập thấp, rủi ro nhiều, nên chuyển sang trồng dừa sáp.

Bây giờ, mỗi tháng có 15 triệu không tốn nhiều công chăm sóc, bón phân thuốc, công việc rất nhàn…", ông Lý Khanh thành thật chia sẻ về hiệu quả kinh tế của cây dừa sáp.

Thời gian nhàn rỗi tôi lại lên đất trồng thêm rau, củ để tăng thêm thu nhập. Hiệu quả từ mô hình trồng dừa sáp, nên tôi quyết định mở rộng diện tích thêm 2 ha vùng trồng trong thời gian tới".

Ông Tô Hoàng Anh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh cho biết: "Hiện nay, trên địa bàn xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh diện tích trồng dừa sáp khoảng 24ha. Dừa sáp có giá bán cao hơn dừa thường, những trái không có sáp người dân dùng ươm giống bán cây con cho người có nhu cầu về trồng.

Đặc trưng cây dừa sáp là chỉ có những trái dừa không sáp thì mới có khả năng tạo phôi, mầm, mộng và được chọn làm dừa sáp giống, những trái có sáp thì không thể làm giống. Vì tính đặc trưng này, nên nguồn cung dừa sáp không nhiều khiến giá thành dừa sáp khá cao".

Trên thị trường hiện nay giá dừa đang tăng cao, giá bán lẻ tại các điểm du lịch lên đến gần 300.000 đồng/trái nên nhiều người dân đang mở rộng diện tích trồng. '

Dừa sáp được nhiều người yêu thích nên bán được trong và ngoài tỉnh, cả nước ngoài… Cây dừa là cây trồng chuyển đổi hiện nay có giá trị cao và mang tính bền vững của người dân trên địa bàn, đặc biệt là cây dừa sáp.

Trên địa bàn huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh hiện có Công ty TNHH Chế biến Dừa sáp Cầu Kè (Vicosap) tiêu thụ dừa sáp cho bà con nông dân. Từ trái dừa sáp, Công ty Vicosap sản xuất ra các loại bánh kẹo đặc sản dừa sáp Trà Vinh.

THeo VĂN NGUYỄN/ DÂN VIỆT 

Các tin khác