Nuôi dúi, con động vật thích nằm bóng tối gặm đủ thứ, giúp dân bản này ở Nghệ An giảm nghèo bền vững

Con dúi, con động vật ưa bóng tối, dân bản nói nuôi nhàn mà giá bán lại cao

Những năm gần đây, mô hình nuôi dúi đang phát triển mạnh ở (xã Tam Quang, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An).

Tại đây, có hàng chục hộ gia đình nuôi dúi với quy mô khác nhau. Trong đó, gia đình ông Tống Văn Chiến (SN 1965, trú tại xóm Bãi Sở, xã Tam Quang) là hộ nuôi dúi với số lượng nhiều nhất. Mỗi năm, ông Chiến xuất bán hàng chục cặp dúi giống và dúi thương phẩm.

Chia sẻ về “cái duyên” với loài động vật gặm nhấm này, ông Chiến cho biết: Cách đây 2 năm, trong một lần đi thăm quan ở tỉnh Thanh Hóa, ông Chiến biết đến mô hình nuôi dúi thương phẩm cho hiệu quả cao.

Trực tiếp đến tận trại nuôi dúi, ông Chiến nhận thấy đây là mô hình rất phù hợp với điều kiện tại địa phương của mình.

“Các nguồn thức ăn của con dúi gia đình tôi đều có sẵn. Chuồng trại để nuôi dúi cũng được làm khá đơn giản không tốn nhiều chi phí. Con dúi cũng rất phù hợp với điều kiện khí hậu tại địa phương.

Bên cạnh đó, loài động vật này cũng ít dịch bệnh, không tốn công chăm sóc nhiều. Vì thế, ngay khi đi tham quan tôi đã quyết định mua 6 con dúi giống để về nuôi thử nghiệm. Mới đầu, chủ trại không bán, tôi phải năn nỉ mãi họ mới để lại cho”, ông Chiến chia sẻ.

Mang theo 6 con giống trở về địa phương, ông Chiến tận dụng những vị trí khuất, yên tĩnh để dựng chuồng. Chuồng nuôi dúi được ghép từ những viên gạch ốp lát cũ có đường kính 60cm x 60cm.

Các viên gạch được ghép lại với nhau tạo thành một chuồng nuôi hình vuông. Diện tích này vừa đủ diện tích để cho con dúi hoạt động, vừa đủ chiều cao để con dúi không thể thoát ra ngoài, lại thuận tiện trong quá trình dọn vệ sinh.

Hàng ngày, ông Chiến cho con dúi ăn thân tre, thân mía, ngô, thân cây cỏ voi. “Những loại thức ăn cho dúi đều có rất nhiều quanh nhà. Tất cả các loại đây đều phải đủ độ già và tươi, không được cho ăn cây đã khô.

Chỉ cần chú ý quan sát, nắm bắt được tập tính của loài dúi là nó có thể sinh trưởng tốt. Loài dúi thích bóng tối, sự yên tĩnh. Đặc biệt, thời điểm con dúi ghép đôi, sinh sản đảm bảo sự yên tĩnh.

Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm thức ăn dinh dưỡng như ngô, mía để đảm bảo thời điểm này con dúi phát triển khỏe mạnh, sinh sản tốt”, ông Chiến cho biết thêm.

Mỗi ngày ông Chiến chỉ cần dành khoảng 2 giờ để chăm sóc đàn dúi. Khoảng 3 đến 4 ngày ông mới vệ sinh chuồng trại 1 lần. Bởi thế, đối với ông Chiến, nuôi dúi rất nhàn.

Gia đình ông Chiến đang có 60 chuồng nuôi với khoảng 130 con dúi. Hiện, ông Chiến đang nuôi 3 loài dúi chính gồm: dúi mốc, dúi má đào, dúi bản địa.

Ông Chiến cũng là địa chỉ cung ứng con giống tin cậy cho người dân trong vùng. Đối với dúi giống, ông Chiến bán khoảng 750.000 đồng đến 800.000 đồng/kg. Trong khi đó, ông Chiến bán dúi thương phẩm với giá 350.000 đồng đến 380.000 đồng/kg.

Nhân rộng mô hình nuôi dúi, để con động vật ưa bóng tối giúp dân thoát nghèo

Không chỉ người dân trên địa bàn xã Tam Quang mà các địa phương khác cũng tìm về gia đình ông Chiến để mua con giống.

Ông Chiến cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn người dân cách xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc dúi.

Qua khảo sát, UBND xã Tam Quang nhận thấy mô hình nuôi dúi rất phù hợp với điều kiện của địa phương. Đặc biệt, nuôi dúi có thể tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn trên địa bàn nên giá thành rẻ, mà lợi nhuận lại cao.

Bà Kha Thị Hiền – Chủ tịch UBND xã Tam Quang, huyện Tương Dương, Nghệ An cho biết: “Hiện, đối với dúi thương phẩm được thị trường rất ưa chuộng. Các nhà hàng ở thành phố Vinh và vùng phụ cận tìm về mua rất nhiều.

Vì thế đầu ra cho con dúi ổn định. Địa phương cũng đang khuyến khích người dân nhân rộng mô hình để nuôi dúi theo hướng hàng hóa, giúp người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”.

Đây là mô hình nuôi dúi thương phẩm được đánh giá cao khi phát huy tối đa tiềm năng sẵn có của xã Tam Quang, huyện Tương Dương, Nghệ An. Địa phương cũng đang nhân rộng mô hình để con dúi giúp người dân tăng thu nhập, thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Ảnh: N.T

Hiện tại, một số dự án giảm nghèo của địa phương cũng đang “nhắm” vào mô hình nuôi dúi. Đây là mô hình được đánh giá cao khi phát huy tối đa tiềm năng sẵn có của địa phương.

theo NGUYỄN TỈNH/ DÂN VIỆT 

Các tin khác