Nuôi gà trên đệm lót sinh học, một nông dân ở Thanh Hóa bán được 8 lứa/năm

Đệm lót sinh học hiệu quả tức thì

Mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, sản xuất phân hữu cơ từ phế phụ phẩm nông nghiệp và nuôi sâu canxi được triển khai tại gia đình bà Trịnh Thị Bính (SN 1959) ở thôn Là Thôn, xã Định Long, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa và gia đình bà Bính cũng là một trong những hộ đầu tiên tham gia mô hình.

Sau khi được Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa tập huấn về kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, nuôi sâu canxi, ủ phân hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp trên địa bàn xã, nhận thấy những kỹ thuật này rất phù hợp với điều kiện chăn nuôi của gia đình mình nên bà Bính đã áp dụng ngay vào thực tế trang trại 2.500m2 của gia đình.

Theo bà Trịnh Thị Bính, sau lứa gà đầu tiên được nuôi trên đệm lót sinh học dày đã chứng minh ngay hiệu quả, đàn gà khỏe mạnh, phát triển đồng đều, ít bị bệnh, giảm tỷ lệ mắc bệnh như tiêu chảy, hen ở gà, hạn chế tỷ lệ chết, lợi nhuận tăng.

Hiện, gia đình bà Bính đang nuôi khoảng 2.000 con gà/lứa. Khi gà đạt trọng lượng từ 1,5 - 1,7 kg là gia đình bà Bính lại xuất bán cho bà con chăn nuôi lại với giá dao động từ 50.000 – 60.000 đồng/kg. Mỗi năm gia đình bà Bính nuôi được khoảng 8 lứa gà, trừ chi phí gia đình bà thu từ 120 - 150 triệu đồng/năm.

“Gia đình tôi bắt đầu nuôi gà từ năm 2017, đến năm 2019 thì mở rộng diện tích chuồng trại và tăng số lượng đàn gà lên. Cũng từ đó mùi hôi của phân gà làm ảnh hưởng đến các gia đình xung quanh, có lần gia đình tôi đã bị người dân viết đơn phản ánh lên xã. Nhưng từ khi gia đình nuôi gà bằng đệm lót sinh học thì mùi hôi thối không còn nữa, cải thiện môi trường sống cho vật nuôi, không gây ảnh hưởng đến dân cư”, bà Trịnh Thị Bính hồ hởi cho biết lợi ích của mô hình.

Nuôi gà trên đệm sinh học dày giúp nông dân giải quyết được vấn đề môi trường.

Cũng theo bà Bình việc lên men phụ phẩm cây trồng thành thức ăn chăn nuôi đem lại nguồn thức ăn dinh dưỡng cho gia súc, giúp tăng khả năng tiêu hóa, giảm chi phí đầu vào, chủ động nguồn thức ăn dinh dưỡng vào mùa đông.

Ngoài ra, việc tận dụng rơm rạ sau thu hoạch để ủ, không đốt rơm rạ giúp môi trường không khí trong lành hơn. Việc nuôi sâu canxi và trùn quế vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm từ phân vật nuôi, vừa tạo được nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng, cũng như làm phân bón cho các loại cây trồng, giảm chi phí sản xuất, giúp phát triển kinh tế.

“Việc sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ ngay tại ruộng, giúp người dân khôi phục lại độ màu mỡ của đất, kỹ thuật đơn giản, dễ làm, dễ áp dụng và nhân rộng, chi phí thấp, giúp nông dân bỏ thói quen đốt đồng gây ô nhiễm môi trường, giảm được chi phí sử dụng thuốc trừ cỏ, trừ sâu, trừ bệnh, lúa sinh trưởng và phát triển tốt, qua đánh giá sơ bộ, năng suất lúa cao hơn so với ruộng lúa không sử dụng chế phẩm xử lý sau thu hoạch”, bà Bính cho biết thêm.

Theo bà Bình, việc triển khai trên thực tế, sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp đã chứng minh hiệu quả kép, nhân đôi lợi ích cho người dân. “Trước đây, khi chưa biết về kỹ thuật xử lý rác thải để tạo ra phân vi sinh thì gia đình phải tốn từ 400.000 – 600.000 đồng để mua 10kg. Nhưng từ khi tập huấn cách xử lý phụ phẩm nông nghiệp, tôi chỉ tốn 30.000 đồng để có 10kg vi sinh làm đệm lót cho gà”, bà Bính chia sẻ.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án Xử lý rác thải Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa, sau hơn 2 năm (từ tháng 7/2022 đến tháng 12/2024), dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam đã được thực hiện nghiêm túc, trên tinh thần người dân là chủ thể của mọi hoạt động. Dự án được triển khai tại 11 xã, thị trấn của các huyện Quảng Xương, Thiệu Hóa và Yên Định. Qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, hội viên nông dân và nhân dân tiếp cận với các phương pháp xử lý rác thải thân thiện với môi trường.

Nhờ đệm lót sinh học, bà con nông dân giảm chi phí trong chăn nuôi.

Với phương pháp “cầm tay, chỉ việc”, BQL dự án đã tổ chức 55 lớp tập huấn xử lý rác thải thân thiện với môi trường, với sự tham gia của gần 300 cán bộ, hội viên, nông dân. Các lớp tập huấn tập trung vào 5 khâu kỹ thuật: Lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi; nuôi gà trên đệm lót sinh học dày; ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng; nuôi sâu canxi và trùn quế.

Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được 110 mô hình nuôi gà trên nền đệm lót sinh học dày; 165 mô hình “Lên men thức ăn chăn nuôi”; 165 mô hình cho kỹ thuật “Xử lý rơm rạ ngoài ruộng”; 110 mô hình kỹ thuật “Nuôi trùn quế” và “Nuôi sâu canxi”.

Một trong những điểm nhấn của dự án đó là tác động tích cực đến tư duy, nhận thức và hành động của người nông dân về công tác bảo vệ môi trường. Từ chỗ còn xa lạ với các khái niệm, kỹ thuật, đến nay đã trở thành nhu cầu xử lý rác thải, chất thải trong quá trình sản xuất và đời sống. Ban đầu với 180 hộ tham gia ở 11 xã, thị trấn của các huyện Quảng Xương, Thiệu Hóa và Yên Định, đến nay đã lan tỏa mạnh mẽ đến nhiều địa phương trong tỉnh.

Hiện nay đã có hàng nghìn hộ ở các địa phương như: Triệu Sơn, Thường Xuân, Như Thanh, Thạch Thành, Nga Sơn, Hà Trung, Nông Cống, Hậu Lộc, Thọ Xuân... ứng dụng các kỹ thuật trong việc xử lý rác thải thân thiện với môi trường. Dự án được thực hiện nhằm cung cấp kiến thức xử lý rác theo phương pháp sản xuất tần hoàn, coi rác thải là nguồn tài nguyên và biết cách biến chất thải thành của cải, phục vụ sản xuất và đời sống.

Theo HỮU DỤNG/ DÂN VIỆT 

Các tin khác