Giá cá ngừ sọc dưa quá thấp, ngư dân muốn bỏ biển

Đánh bắt đạt sản lượng vẫn không có lãi

Đứng nhìn bạn thuyền đưa cá từ hầm lên boong tàu để vận chuyển vào nhà lồng Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) cân cho thương lái, mà gương mặt anh Lê Hùng Cường, chủ tàu cá BĐ 98860 TS hành nghề lưới vây ở phường Hoài Hương (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) chẳng biểu hiện chút vui, dù những rổ cá không ngừng được cho lên tấm ván trượt để đưa lên bờ.

Theo ngư dân Cường, chuyến này tàu BĐ 98860 TS của anh đánh bắt được hơn 20 tấn cá ngừ sọc dưa, mức sản lượng này ít tàu nào đạt được, dù chuyến biển đã kéo dài hơn 20 ngày. Nguyên nhân, theo anh Cường là vì đã vào cuối vụ đánh bắt nên biển rất vắng cá. Nếu tàu nào không thả chà giữa khơi để dụ cá, mà còn đánh bắt theo phương thức truyền thống là cho tàu chạy lang thang “săn” những đàn cá núp bóng cây trôi như trước đây thì rất khó đánh bắt đạt sản lượng.

"Tàu của tôi kết bạn với một tàu cá khác thả 12 cây chà ngoài khơi tiêu tốn hết 1,2 tỷ đồng. Gọi là “cây chà” nhưng thực ra đó là một dây neo chuyên dụng dài khoảng 5.000-6.000m, được nối với một chiếc neo nặng khoảng 1 tấn thả sát đáy biển, trên mặt biển có điểm giữ dây neo thẳng đứng. Dưới mặt nước biển khoảng vài ba trăm mét ngư dân dân cột những tấm lưới cũ vào dây neo, tạo bóng mát dẫn dụ cá ngừ sọc dưa vào nấp bóng “nghỉ chân” trong những chuyến hành trình đi kiếm ăn.

Để làm một cây chà ngư dân tiêu tốn từ 100-200 triệu đồng, tùy nơi thả chà nước nông hay sâu. Đặc thù của cá ngừ sọc dưa là đi kiếm ăn từng đàn. Chuyến biển này tàu của tôi may mắn gặp đàn cá lớn vào nấp bóng dưới những cây chà nên đánh bắt đạt sản lượng”, ngư dân Cường chia sẻ.

Nhìn những con cá ngừ sọc dưa to bằng bắp tay người đàn ông vạm vỡ nằm xếp trong những chiếc rổ chạy trên tấm ván trượt tôi không khỏi luôn miệng trầm trồ, thế nhưng ngư dân Lê Hùng Cường vừa lắc đầu vừa giải thích: Hằng năm, từ tháng 8 dương lịch năm trước đến tháng 1 dương lịch năm sau là thời vụ đánh bắt chính cá ngừ sọc dưa.

Mẻ cá này tàu anh Cường đánh bắt vào cuối vụ, đây là những con cá đã thoát được nhiều mẻ lưới của ngư dân còn sót lại nên khá lớn, mỗi con có trọng lượng trên 1kg, có những con trên 2kg, nhưng vẫn chưa đủ size như quy định.

Ngư dân Cường cho biết thêm: Chỉ cuối vụ đánh bắt tàu của anh mới đánh bắt được những con cá lớn như thế này, chứ trong vụ hầu hết là cá có trọng lượng hơn 3 lạng/con, cá hơn 1kg/con rất hiếm. Theo anh Cường, chuyến này tàu của anh đánh bắt được hơn 20 tấn cá nhưng chủ tàu chẳng có lời lãi gì mấy. Giá cá ngừ sọc dưa hiện chỉ từ 20.000đ-25.000đ/kg, bán hơn 20 tấn cá tàu của anh Cường cũng chỉ thu được hơn 500 triệu đồng. Thế nhưng phí tổn của chuyến biển này đã hết 300 triệu đồng, thêm tiền “mua bạn” mỗi người 5 triệu đồng cho 15 thuyền viên nữa, số tiền còn lại chia cho 2 chủ tàu mỗi người chẳng được bao nhiêu, đó là chưa tính chuyện khấu hao 12 cây chà có giá 1,2 tỷ đồng ngoài khơi và chia cho những ngư dân trông coi chà nữa.

“Sắm chiếc tàu 5-7 tỷ đồng, lênh đênh trên biển hơn 20 ngày với biết bao cơ cực mà thu nhập chẳng là bao, nản lắm ông ơi!”, ngư dân Nguyễn Hùng Cường than thở.

Ngư dân Vũ Thành Hoàng, người sở hữu 5 tàu đánh bắt xa bờ hành nghề lưới vây có tổng công suất 3.000 CV ở phường Hoài Thanh (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) cũng đang khốn đốn vì giá cá ngừ sọc dưa rớt thê thảm, thậm chí các doanh nghiệp không nhập hàng.

“Từ khi giá cá hạ thấp, nhiều tàu lỗ từ 100-200 triệu đồng/chuyến biển, đa số tàu cá ở địa phương đang làm cầm cự chứ đánh bắt không có lãi. Riêng, đội tàu của tôi mỗi lần ra khơi tốn chi phí trên 1 tỷ đồng, lao động cực nhọc mà cả chủ tàu lẫn 71 bạn thuyền đều không có thu nhập, nếu cứ đà này thì phải bỏ biển mất”, ngư dân Hoàng chia sẻ.

Quy định làm khó ngư dân

Ngư dân Lê Hùng Cường, chàng ngư phủ có nước da dạn dày sương gió và mái tóc bạc phơ do làm ăn thất bát, dù tuổi chưa đến 50, tiếp tục giải thích nguyên nhân giá cá hạ thấp: “Trước đây, cá ngừ sọc dưa có giá 30.000đ/kg, cá tươi, đẹp có giá cao đến 32.000đ-33.000đ/kg. Từ gần giữa năm 2024 đến nay, theo quy định mới, cá ngừ vằn (cá ngừ sọc dưa) được phép khai thác phải có chiều dài tối thiểu là 50cm; nếu dưới kích cỡ này là doanh nghiệp không được thu mua để chế biến, xuất khẩu. Từ đó đến nay, doanh nghiệp chế biến thủy sản không thu mua cá có chiều dài dưới 50cm nữa và giá cá hạ xuống từ 20.000đ-25.000đ/kg”.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Bình Định, phụ trách Cảng cá Quy Nhơn, chỉ những chiếc rổ đựng những con cá to đùng đang được thương lái chọn ra để cân trong nhà lồng cảng cá, bộc bạch: “Tôi làm việc ở Cảng cá Quy Nhơn cả chục năm nay nhưng hiếm lắm tôi mới thấy những con cá ngừ sọc dưa to như thế này. Cá to vậy nhưng chưa đủ size theo quy định. Cá có chiều dài 50cm phải nặng đến 4-5kg/con, mà cá này hiếm lắm, thi thoảng mới đánh bắt được một ít. Nếu ngư dân may mắn gặp luồng cá lớn thì cá có chiều dài 50cm chiếm tỷ lệ cao lắm cũng khoảng 5% trong tổng sản lượng đánh bắt”.

Ông Dũng minh họa thêm nguyên nhân dẫn tới giá cá giảm rớt thảm: Cá đánh bắt được thì nhiều, nhưng không đủ size theo quy định thì doanh nghiệp không dám mua vì không xuất khẩu được. Doanh nghiệp nào thu mua cũng chỉ là để giữ “mối hàng”. Cá mua vào mà không xuất khẩu được, các doanh nghiệp phải trữ lại trong kho thì chi phí tăng thêm. Mà kho lạnh thì có hạn, mua thêm vào không còn chỗ chứa, các doanh nghiệp đành “quay mặt” với cả những bạn hàng thân thiết.

“Cá mua từ tháng 6 tháng 7 năm ngoái đến giờ mà không xuất khẩu được, phải lưu kho thì doanh nghiệp nào gánh nổi chi phí. Doanh nghiệp không thu mua thì cá chỉ còn đường tiêu thụ nội địa với giá thấp. Trước kia, cá ngừ sọc dưa ngư dân đánh bắt vào được thương lái mua trụm chứ không phân loại như hiện nay với giá bình quân 30.000đ/kg, nếu cá tươi, to hơn thì có giá 33.000đ-34.000đ/kg, giờ chỉ còn từ 20.000đ-25.000đ/kg, giá xuống đến 10.000đ/kg đâu phải ít, thậm chí có thời điểm cá hạ chỉ còn 18.000đ/kg thì tàu cá chỉ có nằm bờ chứ không dám ra khơi vì sợ lỗ. Trước thực trạng này, nhiều tàu đánh bắt được 20 tấn cá vẫn bị lỗ tổn”, ông Nguyễn Anh Dũng chia sẻ.

Với kinh nghiệm hơn 30 năm hành nghề đánh bắt hải sản trên biển, lão ngư Bùi Thanh Ninh (68 tuổi) ở phường Tam Quan Bắc (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) chia sẻ: “Trước đây, tôi sở hữu đến 16 chiếc tàu cá đánh bắt xa bờ, giờ làm ăn khó quá tôi xả bản hết 11 chiếc, chỉ còn giữ lại 5 chiếc hành nghề lưới vây chuyên đánh bắt cá ngừ sọc dưa. Trong quá trình đánh bắt, tôi nhận thấy cá ngừ sọc dưa có trọng lượng từ 3 lạng đến 1kg chiếm đến 80%; cá có trọng lượng từ 1kg trở lên chỉ chiếm 20%, chiều dài con cá cao nhất chỉ 20-30cm chứ làm gì có cá dài 50cm”.

“Đánh bắt thua lỗ, hiện nay nhiều chủ tàu rao bán tàu cá nhưng đâu có ai mua. Mua tàu trong thời điểm này chuyến biển nào cũng lỗ tổn thì chỉ có phá sản”, ngư dân Lê Hùng Cường cho hay.

Theo Vũ Đình Thung/NNVN 

Các tin khác