Khắp nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long: “Con tôm ôm cây lúa”

Diện tích sản xuất lúa tôm ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện đang mở rộng rất nhanh. Theo số liệu tổng hợp từ các Sở NNPTNT và Trung tâm DVNN & Khuyến nông địa phương cho thấy, tính đến tháng 9/2021, tổng diện tích lúa tôm ở ĐBSCL đã tăng lên tới hơn 220.710 ha, phân bổ nhiều nhất ở Kiên Giang với hơn 102.486 ha.

"Con tôm ôm cây lúa" lan rộng khắp nhiều tỉnh ĐBSCL

Kiên Giang là địa phương có diện tích lúa tôm "phình" ra nhanh nhất. Theo ghi nhận, năm 2000, diện tích lúa tôm ở địa phương này chỉ 12.300 ha, thì tới năm 2010, diện tích tôm lúa ở đây đã tăng lên tới hơn 60.000 ha và đến nay là hơn 102.486 ha.

TS Lê Văn Dũng, đại diện Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh Kiên Giang, cho hay, mô hình canh tác lúa tôm ở Kiên Giang đang được đánh giá là mô hình canh tác thông minh và đang được định hướng phát triển bền vững trong thời gian tới.

"Hiện mỗi năm, TTKN tỉnh đều triển khai từ 500 - 1.000 ha tôm lúa trên nền đất tôm để hướng dẫn và phổ biến kỹ thuật, kinh nghiệm cho bà con nông dân", ông Dũng nói.

Cụ thể, để hướng dẫn bà con triển khai mô hình có hiệu quả, TTKN tỉnh này đưa ra "công thức" như sau: Rút nước cạn để rửa mặn, bón vôi 200-500kg/ha tùy theo đất, xới trục làm thay đổi mặt đất giúp vôi phát huy tác dụng rửa mặn; đánh rãnh thoát nước, bón khoảng 1 tấn phân hữu cơ; bổ sung nấm rễ Mycorrhiza vào hai giai đoạn (lúc lúa 3-7 ngày, và 15-18 ngày sau sạ)…

"Ở Kiên Giang, chúng tôi khuyến cao bà con nuôi tôm 2 giai đoạn cho mô hình lúa tôm, đồng thời cũng bổ sung 1 số cây cỏ bản địa như cỏ năn tượng, cỏ nến, cỏ nước mặn… giúp tạo môi trường cho tôm sống tốt hơn. Tất nhiên, cũng phải quản lý mức độ lây lan của các loại cỏ này", ông Dũng lưu ý.

Hiện nay, mô hình sản xuất luân canh tôm lúa đã phát triển mạnh trong cơ cấu sản xuất hàng năm tại các tỉnh khu vực ĐBSCL. Hiện, có 8 tỉnh, gồm: Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre, Kiên Giang, Long An và Tiền Giang áp dụng hệ thống canh tác theo mô hình lúa tôm, với tổng diện tích trên 220.710 ha.

Trong đó, diện tích canh tác nhiều nhất là Kiên Giang với khoảng 102.486 ha…

Lúa tôm cũng là mô hình canh tác nông nghiệp thông minh ở Cà Mau, bởi quá trình cải tạo đất từ mặn sang ngọt để trồng lúa, nhiều mầm bệnh gây hại tôm sẽ không sống được ở môi trường nước ngọt và ngược lại.

Sau vụ nuôi tôm, các chất thải của tôm sẽ được bộ rễ cây lúa hấp thụ. Không chỉ vậy, sau khi thu hoạch lúa, một lượng sinh khối lớn thân và rễ lúa phân hủy, kích thích sự phát triển của phiêu sinh vật làm thức ăn cho tôm.

"Chính vì lợi ích kép ấy mà nhà nông canh tác lúa - tôm không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm được chi phí khá lớn cho phân bón, sản phẩm tạo ra thân thiện hơn với môi trường và sức khỏe cộng đồng" - ông Nguyễn Bửu Sang, phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau, cho hay.

Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất với mô hình lúa tôm tại Cà Mau, theo ông Sang, là cần phải đẩy mạnh nghiên cứu thêm giống lúa phù hợp với phèn mặn, đặc biệt là nghiên cứu thêm giống tôm càng xanh toàn đực để nâng cao hiệu quả hơn nữa.

Trong khi đó tại Bến Tre, dù diện tích lúa tôm hiện vẫn ở mức khiêm tốn, chỉ 2.500 ha nhưng theo ông Châu Hữu Trị, Giám đốc TTKN tỉnh này, mô hình này có tiềm năng phát triển lên tới 15.000 ha do hiệu quả kinh tế mang lại.

Cụ thể, theo ông Trị, năng suất tôm càng xanh nuôi ở mô hình lúa tôm trên địa bàn tỉnh Bến Tre đạt tới 500-600kg/ha.

Tuy nhiên, do đặc thù gần với TP.HCM nên giá tôm càng xanh cao hơn 20-30% so với các địa phương khác; chưa kể, năng suất lúa ở các mô hình cũng đạt khoảng 4,5 – 5,5 tấn/ha và cũng được thị trường mua giá cao hơn 20-30%.

"Khoảng 2 tháng nữa, tôm càng xanh Bến Tre có thể được cấp chỉ dẫn địa lý. Đây sẽ là tiền đề để mô hình lúa tôm sẽ càng phát triển", ông Trị nói.

Phát triển thành mô hình kinh tế trọng điểm

Trước sự phát triển của mô hình lúa tôm tại các tỉnh ĐBSCL, PGS.TS Mai Thành Phụng, nhà khoa học - chuyên gia nông nghiệp, lưu ý, yêu cầu môi trường sống của tôm và lúa trong mô hình lúa tôm trái ngược nhau về độ mặn, vì vậy phải có biện pháp chặt chẽ để quản lý.

"Phải biết rằng mô hình lúa tôm là dùng mặn đuổi phèn, nhưng quá trình đuổi phèn này cũng đuổi luôn các chất dinh dưỡng khiến đất bị mất cân đối dưỡng chất. Ngoài ra, sau vụ tôm, tránh để đất bị tái chua phải ám phèn, không để đất mặt bị khô nứt, nhất là các vùng ở khu vực Tứ giác Long Xuyên và bán đảo Cà Mau", ông Phụng lưu ý.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, nhấn mạnh, vị trí và vai trò của mô hình lúa tôm ở ĐBSCL rất quan trọng. Phải xác định đây không còn là mô hình thuận thiện nữa mà là mô hình kinh tế trọng điểm, mô hình kinh tế bền vững nhưng phải có kiểm soát để quản lý tốt.

"Chúng ta cũng cần có định hướng rõ sản xuất của nông dân phải theo quy trình, tiêu chuẩn nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, có các chứng nhận đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường, tránh tình trạng nông dân thích gì trồng đó và làm theo tập quán. Khắc phục được tình trạng trên, sản phẩm sẽ có đơn hàng và đầu ra ổn định", ông Tùng nói.

Ngoài ra, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng đề nghị các địa phương cần có định hướng từ 3-5 năm hoặc dài hơi hơn để phát triển mô hình này. Đặc biệt, cần có cẩm nang về mô hình này ở tình địa phương, từng vùng đất để phổ kiến kiến thức, kinh nghiệm cho bà con nông dân trong việc chuyển đổi theo mô hình này.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Văn Giàu, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Ngọc Phú, cho biết, năm 2020 đơn vị này đã ký hợp đồng bao tiêu cho 500 ha lúa tôm của HTX Tân Minh Điền và quá trình thương mại hóa sản phẩm này rất tốt.

"Sản phẩm gạo ST24, ST25 từ mô hình lúa tôm được chúng tôi mang qua thị trường Mỹ, được họ test chất lượng và đánh giá rất tốt. Sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng quy mô bao tiêu sản phẩm này để xuất khẩu", ông Giàu nói.

Ông Huỳnh Phi Châu, Giám đốc Công ty CP gạo Ông Thọ, cùng cho hay đơn vị đã thu mua sản phẩm từ mô hình lúa tôm từ năm 2015 đến nay và quá trình thương mại hóa rất tốt.

Tuy nhiên, theo ông Châu, sắp tới cần xây dựng sổ tay canh tác cho từng vùng để chuẩn hóa quy trình canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa; đồng thời, ngành nông nghiệp cũng nên làm hồ sơ vùng nguyên liệu lúa tôm để có cơ sở chứng nhận chất lượng sản phẩm bằng hồ sơ này khi thương mại hóa sản phẩm.

Ghi nhận ý kiến từ các DN, ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing Công ty CP Phân bón Bình Điền, khẳng định, sắp tới sẽ phối hợp với TTKN các tỉnh thành để đưa ra những quy chuẩn tốt nhất cho mô hình, sẽ lồng ghép quy trình canh tác thông minh vào mô hình lúa tôm để góp phần đưa chất lượng sản phẩm lên cao hơn nữa.

"Mục tiêu quán xuyến của chương trình đã vượt ra khỏi vấn đề "Con tôm ôm cây lúa" mà phải là "lúa thơm, tôm sạch, gạo an toàn và môi trường bền vững…", ông Tâm nói.

Theo QUỐC HẢI/ DÂN VIỆT 

Các tin khác