Trồng thứ dừa tuy trái “nhỏ nhưng có võ”, mỗi năm ông nông dân đút túi tiền tỷ

Mỗi năm, ông Phạm Hồng Đức, xã Hòa Tịnh, (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) bán ra hơn 30.000 trái dừa Mã Lai uống nước và 12.000 trái dừa Mã Lai giống.


Vườn dừa Mã Lai của ông Mười Đức (xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) cây lúc nào cũng trĩu quả. Ảnh: Trần Đáng.

Trồng dừa Mã Lai phải chăm cây từ bé

Cũng theo ông Mười Đức, hiện rất nhiều nông dân ở miền Tây đang chuyển sang trồng dừa Mã Lai.

Sai lầm nhất của nhiều nông dân trồng dừa Mã Lai là trồng tới đâu chăm tới đó.

"Thật ra, để dừa Mã Lai cho trái sai, vỏ mỏng, gáo to, nước ngọt, thơm ngon, phải chăm cây ngay từ khi đặt giống xuống đất", ông Mười Đức chia sẻ.

Theo đó, trước khi đặt giống dừa Mã Lai xuống hố, nông dân phải bón lót phân hữu cơ. Phân hữu cơ ủ gốc ngoài tạo độ ẩm, còn giúp cây dừa sinh trưởng và phát triển tốt.

Ông Mười Đức quả quyết, thời gian mới trồng, nếu thấy gốc dừa Mã Lai to thì chắc chắn khi cây cho trái sẽ sai và to. Và ngược lại.

Ngoài ra, muốn nước dừa ngọt, thơm phải đi phân "trúng". Nếu đi phân sai dừa sẽ rụng khỏi quầy. "Bón đạm quá nhiều làm nước dừa lạt nhách", ông Mười Đức cho biết.

Ông Đức cho biết thêm, trồng dừa ngại nhất là bị con đuông, bọ cánh cứng ăn đọt, nếu không trị kịp cây sẽ chết. Vì thế, nông dân năng đi kiểm tra cây dừa để có hướng điều trị kịp thời.

Với cách trồng dừa Mã Lai này, ông Mười Đức đã trồng 1,5ha dừa Mã Lai.

Ngoài ra, ông Mười Đức còn ương giống dừa Mã Lai bán.

Khi dừa Mã Lai cho trái, mỗi cây ông Mười Đức chỉ giữ lại 2 buồng trái dừa làm giống.

"Mỗi năm, số lượng dừa giống chiếm 30% lượng dừa thu hoạch. Tuy nhiên, doanh thu dừa giống gấp 3 lần dừa lấy nước", ông Mười Đức thổ lộ.

Dừa Mã Lai trái "nhỏ nhưng có võ"

Ông Mười Đức đánh giá: Dừa Mã Lai "nhỏ nhưng có võ". Dừa Mã Lai chỉ cần trồng khoảng 2,5 năm là cho trái.

Hiện, tại vườn ông Mười Đức, cứ mỗi tuần thương lái đến thu mua hơn 1.000 trái dừa. Dừa trái của ông Mười Đức chủ yếu cung cấp cho các khu du lịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Ngoài ra, mỗi năm ông Mười Đức còn bán hơn 10.000 cây dừa Mã Lai giống. Với giá 50.000 đồng/cây dừa giống, ông Mười Đức lại đút túi thêm nửa tỷ đồng.

Riêng với dừa Mã Lai giống, khách hàng của ông Mười Đức ngày càng nhiều hơn.

Theo ông Mười Đức, vài năm qua do giá thanh long, mít Thái siêu sớm không ổn định, rớt sâu nên nhiều nông dân trồng 2 loại cây này chuyển sang trồng dừa Mã Lai.

Ông Mười Đức cho biết, dù dịch Covid-19 bùng phát, nhưng vừa rồi ông giao khách 12.000 trái dừa Mã Lai giống.

"Giờ lợi nhuận từ trồng dừa Mã Lai tốt hơn thanh long", ông Mười Đức thổ lộ.

Ông Mười Đức còn cho biết, vừa qua một doanh nghiệp thu mua hàng ngàn trái dừa sọ của ông để xuất khẩu.

Tiền Giang: Trồng loại trái “nhỏ nhưng có võ”, mỗi năm ông nông dân đút túi tiền tỷ - Ảnh

Tận dụng đất trống trong vườn dừa Mã Lai, ông Mười Đức trồng thêm lá lốt để tăng thêm thu nhập. Ảnh: Trần Đáng.

Hiện, ông Mười Đức là Giám đốc HTX Hòa Tịnh. HTX đang có 50 thành viên tham gia với hơn 20ha dừa Mã Lai VietGap.

Ông Mười Đức cũng là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh Tiền Giang nhiều năm liền.

Theo TRẦN ĐÁNG/ DÂN VIỆT 

Các tin khác