Nuôi con đặc sản “mặt dài như mặt ngựa”, ăn toàn rau xanh, 9X Đà Nẵng hễ nói bán là hết sạch

Khởi nghiệp thành công nhờ đam mê chăn nuôi

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, anh Phú vốn quen với công việc đồng ruộng và chăn nuôi. Từ những năm là học sinh cấp 3, anh đã tập tành nuôi heo, nuôi gà để thỏa mãn niềm đam mê chăn nuôi, đồng thời có thêm nguồn thu nhập nhỏ phụ giúp gia đình.

Nuôi con đặc sản “mặt dài như mặt ngựa”, ăn toàn rau xanh, 9X Đà Nẵng hễ nói bán là hết sạch- Ảnh 1.
Anh Nguyễn Quang Phú (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) có kinh nghiệm hơn 10 năm chăn nuôi heo rừng. Ảnh: T.N.

Tốt nghiệp trường Bưu chính Viễn thông năm 2013 và có một công việc ổn định với mức lương 7 triệu đồng/tháng, nhưng anh Phú cảm thấy nhàm chán nên quyết định nghỉ việc để toàn tâm theo đuổi niềm đam mê chăn nuôi heo rừng.

Tích góp số vốn dành dụm được 200 triệu đồng, anh đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố rộng 1.000m2 và mua heo rừng giống để nuôi kiểu bán chăn thả.

Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật chăm heo rừng con, nên phần lớn số heo trong đàn mắc bệnh, còi cọc, sinh trưởng kém.

Vượt lên trên những khó khăn, thất bại ban đầu, anh quyết định tìm đến các trang trại nuôi heo rừng từ Bắc vào Nam để học tập kỹ thuật.

Từ vốn kiến thức học hỏi được, anh Phú khắc phục được những khó khăn và nhân rộng đàn heo từ vài cặp ban đầu lên hơn 100 con.

Nuôi con đặc sản “mặt dài như mặt ngựa”, ăn toàn rau xanh, 9X Đà Nẵng hễ nói bán là hết sạch- Ảnh 2.
Anh Phú nuôi heo rừng bán chăn thả, bố trí chuồng nuôi và tường rào kiên cố trên diện tích 1.000m2. Ảnh: T.N.

Nuôi con đặc sản “mặt dài như mặt ngựa”, ăn toàn rau xanh, 9X Đà Nẵng hễ nói bán là hết sạch- Ảnh 3.
Anh Phú tâm sự: "Nuôi heo rừng vốn không dễ như nhiều người vẫn nghĩ, đặc biệt là nuôi với số lượng lớn, đòi hỏi người nuôi phải nắm vững một số đặc điểm và tập tính của heo rừng để bố trí chuồng trại, phân loại heo nuôi một cách hợp lý.

Tôi luôn luôn tiêm phòng các dịch bệnh thường gặp và tẩy giun sán định kỳ để có thể đảm bảo đàn heo sinh trưởng khỏe mạnh".

Nuôi con đặc sản “mặt dài như mặt ngựa”, ăn toàn rau xanh, 9X Đà Nẵng hễ nói bán là hết sạch- Ảnh 4.
Anh Phú cắt lá cây chè khổng lồ làm thức ăn giúp heo tăng sức đề kháng. Ảnh: T.N.

Nuôi con đặc sản “mặt dài như mặt ngựa”, ăn toàn rau xanh, 9X Đà Nẵng hễ nói bán là hết sạch- Ảnh 5.
Heo rừng đực chọn phối giống có thể trạng cân đối, đầu thanh, mặt dài, lưng thẳng, bụng thon, chân cao và cứng cáp, bờm dựng đứng từ cổ đến lưng, bộ phận sinh dục phát triển.... Ảnh: T.N.

Heo rừng vốn là động vật hoang dã ăn tạp, nên anh tận dụng nhiều nguồn thức ăn sẵn ngoài tự nhiên như các loại rau, chuối, cỏ voi, lá rừng.... giúp tiết kiệm được chi phí.

Đặc biệt, anh Phú thường cho heo rừng ăn thức ăn nấu chín để phòng bị tiêu chảy, phân trắng; ăn lá cây chè khổng lồ, cây tàu bay như là vị thuốc nam giúp vật nuôi tăng sức đề kháng.

Ngoài ra, anh cho heo rừng ăn bổ sung cám gạo, cám bắp, nhờ đó mà chất lượng thịt an toàn, thơm ngon và hấp dẫn hơn so với các giống heo trắng thông thường.

Thu nhập ổn định từ heo rừng

Heo rừng đực chọn phối giống quyết định phần lớn chất lượng đàn con lai, vì vậy anh Phú chú trọng chọn heo đực có nguồn gốc rõ ràng, thể trạng cân đối, đầu thanh, mặt dài, lưng thẳng, bụng thon, chân cao và cứng cáp, bờm dựng đứng từ cổ đến lưng.

Bộ phận sinh dục của heo đực phát triển, tinh hoàn to đồng đều và không mắc bệnh di truyền từ bố mẹ.

Nuôi con đặc sản “mặt dài như mặt ngựa”, ăn toàn rau xanh, 9X Đà Nẵng hễ nói bán là hết sạch- Ảnh 7.
Tùy theo nhu cầu của người mua, anh Phú sẽ bán thương phẩm, bán giống heo rừng rặc thuần hay heo rừng thuần chủng, heo rừng lai. Ảnh: T.N.

Anh Phú chia sẻ: "Nuôi heo rừng sinh sản quan trọng nhất là phải xác định đúng thời gian phối giống để tỷ lệ đậu thai cao, tốt nhất nên phối vào ngày thứ 3 của thời gian động dục. Trong lúc heo mẹ mang thai thì phải bổ sung dinh dưỡng, canxi để heo không bị yếu chân, bại liệt".

Heo rừng mang thai từ 110-120 ngày, mỗi năm sinh sản 2 lứa, mỗi lứa từ 6-15 con. Sau 2 tháng thì tách mẹ và có thể xuất bán giống. Tiếp tục nuôi từ 5-9 tháng là có thể xuất bán thịt với trọng lượng mỗi con khoảng 15-45kg.

Nuôi con đặc sản “mặt dài như mặt ngựa”, ăn toàn rau xanh, 9X Đà Nẵng hễ nói bán là hết sạch- Ảnh 8.
Heo rừng mang thai từ 110-120 ngày, mỗi năm sinh sản 2 lứa, mỗi lứa từ 6-15 con. Ảnh: T.N.

 

Nuôi con đặc sản “mặt dài như mặt ngựa”, ăn toàn rau xanh, 9X Đà Nẵng hễ nói bán là hết sạch- Ảnh 9.
Heo rừng con sau khi nuôi 2 tháng thì được tách mẹ và có thể xuất bán làm heo rừng giống. Ảnh: T.N.

Tùy theo nhu cầu của người mua, anh Phú sẽ bán thương phẩm, bán giống heo rừng rặc thuần hay heo rừng thuần chủng, heo rừng lai.

Giống heo rừng thuần chủng có giá bán khoảng 5 triệu đồng/con (5kg), giống heo rừng lai giá bán dao động 2 triệu đồng/con. Heo rừng thịt có giá từ 170.000-1.000.000 đồng/kg (tùy loại).

Mô hình chăn nuôi heo rừng đem lại cho anh Phú mức thu nhập khoảng 150 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, anh còn chăn nuôi gà, vịt và trồng rau để có thêm nguồn kinh tế "lấy ngắn nuôi dài".

Với sự cần cù và cẩn trọng trong quy trình chăn nuôi, anh Phú luôn chủ động theo dõi, nắm bắt diễn biến thời tiết, tình hình dịch bệnh để có các biện pháp phòng ngừa.

Anh thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng 2 lần/tuần, rải vôi bột quanh chuồng và các lối ra vào, giăng lưới đen chắn gió và sử dụng trang phục riêng khi vào trại.

Chia sẻ về hướng phát triển sắp tới, anh Phú bộc bạch: "Đợt dịch tả heo châu Phi hoành hành năm 2018 khiến trại heo rừng của tôi chết hết chỉ còn 10 con. Tôi dự định khi nào có vắc xin phòng bệnh dịch tả thì mới dám mở rộng quy mô chăn nuôi.

Nuôi con đặc sản “mặt dài như mặt ngựa”, ăn toàn rau xanh, 9X Đà Nẵng hễ nói bán là hết sạch- Ảnh 11.
Ngoài chăn nuôi heo rừng, anh Phú còn nuôi gà, vịt và trồng rau để “lấy ngắn nuôi dài”. Ảnh: T.N.

"Hiện tôi cũng đang phát triển kênh youtube Nhà nông Phú Nguyễn, với mong muốn truyền đạt kinh nghiệm nuôi heo rừng mà mình đúc kết được bấy lâu cho những bà con có mong muốn theo đuổi mô hình này", anh Phú cho hay.

Theo TRẦN HẬU - TUYẾT NHUNG/ DÂN VIỆT 

Các tin khác