Nuôi con "nhân sâm nước" trong vười xoài, mô hình lạ mà hay của một ông nông dân Đồng Tháp

Nhờ sự đam mê, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm mà nhiều nông dân tại thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã chuyển đổi các ruộng lúa canh tác kém hiệu quả sang trồng các cây khác hoặc làm ao bán nổi để nuôi cá, vươn lên khá, giàu.

Mô hình nuôi cá chạch lấu trong ao nổi, trải bạt ni lông của anh Nguyễn Chí Tâm (ngụ khóm 6, phường 6, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) là một trong những điển hình.

Nuôi cá chạch lấu trong vườn xoài là một hình thức nuôi cá tốn ít chi phí và mang lại lợi nhuận cao, khẳng định được nhiều ưu thế nổi trội so với nuôi cá trong các ao truyền thống.

Nhờ nuôi cá chạch lấu theo cách này, trung bình mỗi năm anh Tâm thu về từ 600 - 850 triệu đồng tiền bán cá chạch lấu thương phẩm và cá chạch lấu giống.

Trên mảnh vườn rộng 4000m2 đang trồng xoài, anh Tâm quyết định kết hợp nuôi thêm cá chạch lấu.

Anh lên ý tưởng dùng ao nổi để nuôi cá, toàn bộ ao nuôi cá chạch lấu được anh sử dụng bằng bạt nhựa dày, có khả năng chống thấm nước và không gây tổn thương cho cá.

Bên trong ao sử dụng thêm hệ thống quạt nước để tạo dòng chảy và tăng lượng oxy hoà tan trong nước, ao có dung tích khoảng 8000 m3 nước.

Ban đầu, anh Tâm chỉ nuôi hơn 10.000 con cá chạch lấu giống và cho ăn bằng thức ăn dạng viên công nghiệp có độ đạm cao.

Qua hơn 1 tháng chăm sóc, thấy cá chạch lấu lớn nhanh và thức ăn phù hợp, anh đã tiếp tục sử dụng thức ăn viên công nghiệp và tăng lượng thức ăn theo quá trình tăng trưởng của cá, thời gian nuôi khoảng từ 08 đến 12 tháng sẽ thu hoạch.

Nuôi con "nhân sâm nước" trong vười xoài, mô hình lạ mà hay của một ông nông dân Đồng Tháp- Ảnh 1.
Anh Nguyễn Chí Tâm, nông dân phường 6, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp thành công với mô hình nuôi cá chạch lấu trong vườn xoài.

Anh Tâm cho biết, “Cá chạch lấu không khó nuôi như nhiều người nghĩ, chỉ cần cho ăn đúng cách và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật. Cho cá ăn cũng nên theo giờ nhất định vào buổi sáng và buổi chiều để tạo thói quen, cá ăn đều sẽ tăng trưởng nhanh.

Làm thêm mái che vào những tháng nắng nhiều tránh làm thay đổi nhiệt độ nước đột ngột, để những thanh tre, thanh gỗ vào ao cho cá có nơi trú ẩn, tầm 04 - 05 ngày thay nước một lần. Khi thời tiết thay đổi hoặc tùy vào độ tuổi của cá mà có cách phòng bệnh khác nhau”.

Mô hình nuôi cá chạch lấu thương phẩm được anh Tâm thực hiện ngay trong vườn xoài của gia đình nên khi thay nước ở các ao nuôi anh còn tận dụng nguồn nước này để tưới vườn, giúp cây sinh trưởng tốt quanh năm và giảm được lượng phân bón.

Từ đó, anh quyết định cải tạo lại vườn xoài của gia đình theo hướng hữu cơ, tham gia và trở thành thành viên của dự án “Cải tạo vườn xoài theo hướng hữu cơ” Phường 6.

Năm 2023, sau khi đã chủ động được về nguồn cá chạch giống và thị trường tiêu thụ, anh Tâm quyết định mở rộng mô hình nuôi cá chạch lấu của gia đình. Đến nay, đàn cá của anh đã lên đến 18.000 con. Hiện, anh cung ứng cả cá chạch lấu giống và cá chạch lấu thương phẩm ra thị trường.

Theo ông Võ Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Cao Lãnh, (tỉnh Đồng Tháp) mô hình nuôi cá chạch lấu trên bể bạt của hộ anh Nguyễn Chí Tâm ở phường 6 là mô hình mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình này có thể tận dụng được bóng mát dưới những tán xoài, khai thác đa giá trị trên một đơn vị diện tích. Trong thời gian tới, sau khi có đánh giá rõ ràng thì Hội Nông dân thành phố sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng trên địa bàn.

Theo LIỄU HIỀN/ CỔNG TTĐT ĐÒNG THÁP 

Các tin khác