Trồng "cây làm đẹp" xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, "vua nha đam" thu về 484 tỷ đồng

Doanh nghiệp của ông Thứ hiện đang sở hữu nhà máy chế biến nha đam Vietfarm (Ninh Thuận) quy mô hàng đầu cả nước với công suất 35.000 tấn lá tươi/năm, tương đương 15.000 tấn thành phẩm/năm.

Vì vậy, ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch GC Food còn được nhiều người dành tặng cho biệt danh "vua nha đam".

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Thứ cho biết, năm 2023, công ty đạt doanh thu 484 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 41,4 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 12% và 16%.

"Bẻ lái" từ lãnh đạo ngân hàng sang trồng nha đam

Chúng tôi gặp "vua nha đam" Nguyễn Văn Thứ (sinh năm 1978, quê gốc Nam Định) trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế xanh 2023 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức.

Với phong cách giản dị, câu chuyện "bẻ lái" sang làm nông nghiệp của ông Thứ khiến không ít người ấn tượng, bởi trước đó ông đang ở vị trí phó giám đốc chi nhánh một ngân hàng lớn tại Đồng Nai.

Trồng "cây làm đẹp" xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, "vua nha đam" thu về 484 tỷ đồng- Ảnh 2.
Ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch GC Food được nhiều người dành tặng cho biệt danh "vua nha đam", nhờ gặt hái nhiều thành công trong việc trồng nha đam ở Ninh Thuận, xuất khẩu sản phẩm nha đam sang Nhật Bản, Hàn Quốc... Ảnh: GCF

Ông Thứ cho biết, do đặc thù công việc phải đi thẩm định hợp đồng cho vay vốn, ông có dịp đi qua nhiều vùng miền và nhận thấy, có rất nhiều cơ hội khởi nghiệp và phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp.

Một lần đến Ninh Thuận, ông thấy nông dân trồng khá nhiều nha đam nhưng đầu ra rất bấp bênh, có thời điểm không bán được nên bà con phải chặt bỏ.

"Nhìn cảnh đó, tôi rất buồn và thương bà con nông dân. Từ đó tôi để ý tìm hiểu thì được biết cây nha đam là thực phẩm tuyệt vời chứa nhiều loại dinh dưỡng quý, đồng thời là nguyên liệu tốt phục vụ ngành chế biến mỹ phẩm. Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… sử dụng nha đam rất nhiều trong lĩnh vực thực phẩm, hóa mỹ phẩm.

Quy mô thị trường lên tới vài tỷ USD và tốc độ tăng trưởng 6 - 7% mỗi năm. Điều đó làm tôi trăn trở: Vì sao một sản phẩm tốt, giá trị kinh tế cao như vậy mà Việt Nam chưa khai khác hiệu quả?" – ông Thứ chia sẻ.

"Nhận thấy tiềm năng lớn nên tôi chọn khởi nghiệp với nha đam vì muốn tận dụng tối đa những giá trị mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người. Tôi thành lập Công ty CP Thực phẩm Cánh đồng Việt (VietFarm), sau này là GCF, xây dựng nhà máy sản xuất nha đam tại Khu công nghiệp Giang Điền ở tỉnh Đồng Nai, và dần phát triển trở thành công ty chế biến, cung cấp nguyên liệu nha đam lớn nhất Việt Nam" - ông Thứ thông tin.

Trồng "cây làm đẹp" xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, "vua nha đam" thu về 484 tỷ đồng- Ảnh 4.
Công nhân sơ chế lá nha đam tại nhà máy chế biến nha đam VietFarm của GC Food. Ảnh: GCF

Theo đó, ông Thứ liên kết với nhiều hộ nông dân tại Ninh Thuận trồng nha đam và hình thành vùng nguyên liệu tập trung cho nhà máy chế biến của GCF.

Để thuyết phục nông dân cung cấp nguyên liệu ổn định cho nhà máy, ông Thứ hỗ trợ chi phí để bà con xây dựng mương nước, hỗ trợ cây giống, kỹ thuật và tăng giá thu mua sản phẩm.

Thời gian đầu sau khi nhà máy đi vào hoạt động, GC Food "mở hàng" tại thị trường nội địa, sau đó năm 2013, ông Thứ đã có đơn hàng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Thế nhưng không có con đường nào được trải toàn bằng hoa hồng. "Khi hàng được xuất đi tôi mừng lắm, nhưng ít lâu sau đối tác báo nha đam bị ngả màu vàng, tỷ lệ hủy 3%. Họ đòi trả hàng, đền đơn, nhưng tôi đã thuyết phục họ sang tận nơi để phân loại hàng.

Một tuần sau đó, đối tác tiếp tục báo tỷ lệ hàng bị ngả vàng tăng lên 5%. Tôi đành cắn răng chịu thua lỗ hàng trăm triệu đồng xin nhập lại lô hàng đó" - ông Thứ kể.

Sau đó, ông Thứ nghiên cứu tìm hiểu các lỗi sai, nhờ các chuyên gia của Nhật hướng dẫn xây dựng quy trình sản xuất, chuyển giao công nghệ chế biến nha đam đạt tiêu chuẩn Nhật.

Đến năm 2014, ông quyết định xây nhà máy sản xuất nha đam tại Ninh Thuận. Với hàng sản xuất thành phẩm, ông cho lưu kho một tuần để kiểm tra nhiều lần, sau đó đem đi soi chiếu để đảm bảo sản phẩm không nhiễm sinh vật lạ.

Với container đóng hàng, ông chọn các đối tác uy tín và yêu cầu họ cung cấp các vỏ sạch, chưa từng chở hóa chất hay vật phẩm gây mùi. Trước khi cho đóng hàng, toàn bộ container phải được kiểm tra và phun khử khuẩn sạch sẽ.

Nếu như trước đó, nhà máy thu mua lá nha đam theo mùa, thì nay ông đề nghị nông dân cắt tỉa dần dần, lá đủ già sẽ thu hoạch trước.

Nhờ vậy mà nhà máy chế biến có nguyên liệu quanh năm, nha đam đạt chất lượng cao về độ giòn, ngọt và dinh dưỡng.

Trồng "cây làm đẹp" xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, "vua nha đam" thu về 484 tỷ đồng- Ảnh 7.
Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 333ha nha đam, diện tích tập trung chủ yếu ở TP.Phan Rang – Tháp Chàm và các huyện Ninh Sơn, Thuận Bắc, Ninh Phước. Ảnh: GCF

Mạnh dạn đầu tư mở rộng sản phẩm, chế biến sâu

Đến nay, công suất nhà máy chế biến nha đam tại Ninh Thuận có thể đạt 35.000 tấn lá tươi mỗi năm, với sản lượng thành phẩm có thể lên tới 15.000 tấn/năm. Theo ông Thứ, hiện các sản phẩm chế biến từ nha đam của GCF đã được xuất khẩu sang 20 thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ… Ngoài ra, GCF còn cung cấp nguyên liệu cho nhiều nhà máy thực phẩm lớn trong nước để chế biến các sản phẩm sữa chua nha đam, nước nha đam…

Điều đáng mừng là tại vùng đất Ninh Thuận, hiện nay nha đam vẫn là cây trồng hiệu quả với lợi nhuận bình quân 300 triệu đồng/ha. Thông thường, mỗi hộ nông dân có diện tích canh tác 2.000 - 5.000m2, tương đương khoản lợi nhuận 60 - 150 triệu đồng/năm.

Trồng "cây làm đẹp" xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, "vua nha đam" thu về 484 tỷ đồng- Ảnh 8.
Năm 2023, ông Thứ tiết lộ công ty đạt doanh thu 484 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 41,4 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 12% và 16%.

Sau thành công với dự án cây nha đam, năm 2016, ông Nguyễn Văn Thứ có cơ hội mở rộng danh mục sản phẩm khi nhận thấy khách hàng Nhật Bản có nhu cầu mua thạch dừa. Vậy là, ông Thứ mạnh tay đầu tư thêm nhà máy sản xuất thạch dừa Vinacoco tại Khu công nghiệp Hố Nai (huyện Trảng Bom, Đồng Nai), với công suất chế biến 20.000 tấn thạch/năm, lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Được biết, sau 9 tháng năm 2023, xuất khẩu thạch dừa của GC Food sang các thị trường tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hai thị trường có thị phần lớn như Nhật, Hàn Quốc lần lượt tăng 20% và 25% so với cùng kỳ 2022. Ngoài thị trường xuất khẩu, thạch dừa và nha đam của GC Food còn được các công ty sữa tại Việt Nam tăng mua để làm thức uống trái cây.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của GC Food cho thấy, năm 2023 công ty đạt doanh thu 484 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 41,4 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 12% và 16%. Tuy nhiên, cả năm 2023 công ty phát sinh thêm chi phí thuế thu nhập hiện hành từ hai nhà máy 12,8 tỷ đồng. Điều này cũng khiến cho lợi nhuận sau thuế cả năm của doanh nghiệp giảm gần 8% so với cùng kỳ còn 24,5 tỷ đồng.

Chia sẻ thêm về hoạt động kinh doanh 2023, ông Nguyễn Văn Thứ cho rằng, đầu năm gặp khó khăn về nguồn cung nguyên liệu nhưng nhờ nỗ lực hỗ trợ nông dân về cây giống cũng như trợ giá sản xuất, vùng nguyên liệu đã dần đi vào ổn định. Hoạt động xuất khẩu gặp nhiều thuận lợi. Các thị trường chính như Nhật Bản, Hàn Quốc tăng mua sản phẩm thạch dừa, nha đam từ 20-25% nên lãi trước thuế công ty tăng mạnh so với năm 2022.

Theo MINH HUỆ/ DÂN VIỆT 

Các tin khác