Nuôi thành công cá măng chung ao với tôm sú ở Bến Tre, kéo bắt hàng tấn, toàn con to bự

Bến Tre là một trong những tỉnh nuôi tôm trọng điểm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Sản lượng nuôi tôm của tỉnh tăng nhanh chóng từ 55.040 tấn năm 2020 tăng lên 96.221 tấn năm 2023.

Theo Chi cục Thủy sản Bến Tre, tổng diện tích tôm nuôi của tỉnh năm 2023 là 38.776ha, trong đó diện tích nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng là 12.915ha.

Chính sự phát triển nhanh chóng của mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng của tỉnh đã tiềm ẩn những rủi ro về mặt sản xuất, nhất là vấn đề bùng phát dịch bệnh trên diện rộng, gây nên những tổn thất nặng nề về mặt tài chính cho các hộ nuôi tôm.

Từ tháng 12-2022, được sự chấp thuận của UBND tỉnh Bến Tre, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Phân viện Nghiên cứu hải sản phía Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đại lý thức ăn Ngọc Trâm và Công ty TNHH QT Hải sản xanh triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi cá măng kết hợp với tôm sú trong ao đất tại tỉnh”.

Mục tiêu chính của đề tài là ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả nuôi tôm sú. Cá măng thích nghi cao trong môi trường nuôi tôm sú, có tác dụng làm ổn định pH, ổn định màu tảo, giúp cải thiện chất lượng nước, hạn chế rủi ro dịch bệnh, hướng tới mô hình nuôi sinh thái, bền vững cho ngành thủy sản.

Tháng 3-2023, mô hình nuôi thử nghiệm cá măng kết hợp với tôm sú trong ao đất triển khai tại Đại lý thức ăn Ngọc Trâm ở địa chỉ ấp An Hòa, xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú trên 6 ao với tổng diện tích là 18.000m2.

Trước khi thả giống cá măng và tôm sú thì cải tạo 6 ao nuôi (mỗi ao 3.000m2): nạo vét bùn đáy ao, diệt tạp, đắp bờ, rắc vôi, xử lý nước ao nuôi; lắp đặt hệ thống thiết bị gồm hệ thống quạt, máy bơm nước, đèn điện và cải tạo 1 ao (5.000m2) để làm ao lắng…

Số lượng con giống cá măng được thả nuôi là 3.750 con với mật độ là ao số 1: 1 con/5m2, ao số 2: 1 con/3m2 (mỗi ao lặp lại 2 lần). Cá giống khỏe mạnh, không bị dị hình, màu sắc tươi sáng và không trầy xước, không nhiễm bệnh.

Cá măng có kích thước từ 5 - 7cm và mùa vụ thả giống cá măng từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm. Số lượng con giống tôm sú được thả nuôi là 360 ngàn con với mật độ là 6 ao là 20 con/m2 (4 ao nuôi ghép và 2 ao đối chứng nuôi đơn).

Tôm sú khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, cỡ giống tôm sú PL15, chiều dài lớn hơn 1,2cm. Chất lượng con giống tôm sú phải đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9398:2012 tôm biển. Tôm sú giống có nguồn gốc rõ ràng (tôm sú Moana) và không nhiễm các mầm bệnh. Mùa vụ thả giống tôm sú là từ tháng 1 đến tháng 7.

Trong tháng đầu, khẩu phần cho cá măng ăn là 6 - 8% khối lượng thân cá, cho cá măng ăn 2 lần/ngày, cho ăn ở góc ao cuối gió. Từ tháng thứ 2 trở đi thì cho cá ăn khẩu phần từ 3 - 5% khối lượng thân cá. Thường xuyên theo dõi để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

Tôm sú cho ăn 3 - 4 lần/ngày, trong 5 ngày đầu cho 1,2 - 1,5kg/100 ngàn con giống, sau đó cứ 2 ngày tăng lên khoảng 0,2 - 0,3kg/100 ngàn con giống. Từ tháng nuôi thứ hai đến khi thu hoạch: theo dõi sàn ăn để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

Suốt thời gian nuôi mô hình phải quản lý môi trường ao nuôi cá măng kết hợp với tôm sú và duy trì trong khoảng thích hợp: Độ mặn: 5 - 15%o; NH3-N < 0,1mg/L; H2S < 0,03 mg/L; Oxy hòa tan > 4mg/L; Độ kiềm 80 - 150mg/L.

Sau hơn 7 tháng nuôi, cá măng đạt được kích cỡ thương phẩm với trọng lượng trung bình đạt từ 300 - 500 gam/con, tỷ lệ sống đạt >70%, tổng sản lượng thu hoạch đạt 1,2 tấn cá măng thương phẩm.

Sau gần 6 tháng nuôi, tôm sú đạt được kích cỡ thương phẩm với trọng lượng trung bình đạt 15 - 20 con/kg, tỷ lệ sống đạt > 60%.

Tổng sản lượng thu hoạch đạt 5,4 tấn tôm sú thương phẩm. Bên cạnh đó, kết quả nuôi cá măng kết hợp với tôm sú của mô hình thử nghiệm đã tạo ra nguồn nguyên liệu sạch làm sản phẩm chả cá măng và chả tôm sú của Công ty TNHH QT Hải sản xanh được Hội đồng cấp huyện chấm và công nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao.

Từ các kết quả mô hình của Phân viện Nghiên cứu hải sản phía Nam thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi cá măng kết hợp với tôm sú trong ao đất tại tỉnh Bến Tre” sẽ là cơ sở để nhân rộng mô hình, mở ra hướng phát triển mới cho người nuôi trồng thủy sản.

Mô hình giúp tận dụng có hiệu quả tiềm năng diện tích ao nuôi tôm thẻ công nghệ cao không hiệu quả để nuôi cá măng kết hợp với tôm sú, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Theo NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO/ BÁO ĐỒNG KHỞI 

Các tin khác