Bỏ phố về quê trồng cây gì mà nông dân bảnh trai Bình Dương bán trái ngon sang tận Trung Đông?

Với những nỗ lực phát triển cây ổi tại địa phương, Nguyễn Hoàng Trọng Hiếu (24 tuổi), ngụ tại ấp Bố Lá (xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương), đã hỗ trợ tạo sinh kế cho nhiều hộ gia đình và góp phần xây dựng nên thương hiệu độc quyền.

Đánh cược vào ổi, trầy trật đưa ổi Việt Nam đến thị trường Trung Đông

Vốn sinh ra trong gia đình gốc thuần nông, Trọng Hiếu từ nhỏ đã theo cha mẹ trồng đủ loại nông sản, như: bầu, bí, dưa leo… Giữa năm 2015, cha Hiếu đem ổi về trồng tại Bình Dương trước lời chê bai của nhiều người.

“Nhiều người nói Bình Dương là đất công nghiệp, sao không bỏ vườn trồng cao su lại chọn cây ăn trái. Nhưng gia đình quyết tâm làm vì thấy đây là loại nông sản quốc dân, dễ trồng và chắc chắn sinh lợi nhuận trong tương lai”, Hiếu kể.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Hiếu làm quản lý nhà hàng với mức thu nhập hơn 12 triệu đồng/tháng nhưng vì thích kinh doanh nông sản nên cuối năm 2021, anh quyết định bỏ việc về quê trồng ổi. Tuy nhiên, đầu năm 2023, cha anh không may mất do đột quỵ, mọi công việc gần như đi xuống.

Anh chia sẻ thời điểm ấy mình còn quá non trẻ, chưa chịu được nhiều áp lực từ thị trường kinh doanh nông sản.

“Tiếp quản hợp tác xã lại thiếu nhiều kinh nghiệm, có giai đoạn không bán được phải lấy máy cày xúc đổ bỏ… 25 tấn ổi. Đặc biệt, lần xuất khẩu 2 tấn ổi đầu tiên sang Dubai bị trả hàng toàn bộ do không đảm bảo giấy tờ kiểm định chất lượng”, Hiếu kể lại những khó khăn.

Suốt thời gian dài, Hiếu nhiều lần đi vay ngân hàng để tìm hướng giải quyết cho nông sản. Khi được hỏi: “Vì sao vẫn còn động lực gắn bó với cây ổi sau những biến cố?”, anh cho hay: “Đây là loại nông sản đặc trưng của gia đình, nếu chỉ mới khó khăn mà nản chí từ bỏ thì sau này khó đứng vững trên thị trường. Cho nên, mình vẫn quyết tâm đánh cược dù có thử lại bao nhiêu lần”.

Hiếu tìm đến nhiều hợp tác xã trong địa bàn tỉnh để trao đổi kinh nghiệm kinh doanh nông sản, đồng thời sang Thái Lan học hỏi mô hình trồng nông sản hữu cơ, nông nghiệp cộng sinh. Và từ đây, những dấu hiệu tích cực đã mở ra với chàng trai này.

Sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật miễn phí

Với quan niệm “mỗi chồi non là một hy vọng”, mỗi ngày Hiếu đều chăm chỉ ra vườn ổi chăm sóc từ 6 giờ đến gần sập tối. Ngoài ra, anh còn đầu tư thêm một số phương pháp canh tác hiện đại, như: rải vôi khử trùng đất bằng drone (máy bay không người lái), tưới tiêu qua hệ thống tự động kết nối điện thoại thông minh… để tăng năng suất và giảm thời gian làm việc.

“Trồng ổi tuy không nặng nhọc so với nông sản khác nhưng mọi quy trình từ trồng, chăm bón cho đến bọc trái, cắt tỉa phải thường xuyên vì cây luôn có trái quanh năm. Do đó, mình càng có thêm nhiều kinh nghiệm và nắm bắt các kỹ thuật mới”, Hiếu cho hay.

Hiện tại, tổng diện tích hợp tác xã trồng ổi mà Hiếu quản lý khoảng 20ha, bao gồm: ổi lê Đài Loan, ổi ruột đỏ trân châu, ổi nữ hoàng với bình quân thu hoạch từ 3 - 8 tấn/ha/vụ.

Ngoài bán nội địa ở TP.HCM và Bình Dương, Hiếu còn xuất khẩu ổi sang nhiều nước khác, như: Nhật Bản, Dubai, Oman, Ấn Độ, Singapore… với khoảng 50 - 60 tấn/năm, doanh thu đạt hơn 1,8 tỉ đồng/năm.

Hiếu cho biết Dubai là thị trường yêu thích trái cây nhiệt đới, do đó phải luôn cải tiến về chất lượng ổi để được xuất khẩu.

“Thái Lan là đối thủ cạnh tranh lớn trong thị trường ổi tại Trung Đông, nên phải chú trọng vào nhiều chất lượng bên cạnh mẫu mã. Ổi của hợp tác xã được ưa chuộng vì có hậu ngọt, giòn và có thể bảo quản đông lạnh từ 28 - 38 ngày với kích thước 180 - 250g/trái”, anh chia sẻ.

Giai đoạn hiện tại, Hiếu đang mở rộng diện tích trồng ổi ở huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) và kết nối với 7 hộ thành viên vào hợp tác xã để chuyển giao công nghệ trồng trọt và kỹ thuật miễn phí. Ngoài ra, Hiếu cho biết sẽ sẵn sàng hỗ trợ nông dân lập nghiệp nếu muốn trồng ổi làm kinh tế.

Làm việc với Hiếu từ 2 năm trước, anh Huỳnh Minh Tân (39 tuổi), ngụ xã Vĩnh Hòa (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) cho biết: “Mô hình trồng ổi của Hiếu rất hiệu quả, nhờ vậy mà tôi có thêm nguồn thu nhập để chăm lo cho gia đình.

Hiện tại, gia đình tôi được chuyển giao hơn 1ha trồng ổi với cây giống và máy móc miễn phí, năng suất thu hoạch khoảng 5 tấn/năm và được hỗ trợ xuất hàng sang Dubai”.

Chia sẻ về dự định sắp tới, chàng trai này cho biết sẽ sang Israel để học thêm nhiều kỹ thuật nông nghiệp trong năm nay và mở rộng thị trường xuất khẩu sang Úc, Mỹ.

“Nếu muốn khởi nghiệp với nông sản, ngoài điều kiện gia đình thì phải thật sự nắm bắt được tiềm năng dài hạn loại cây trồng muốn phát triển. Không nên vì lợi nhuận trước mắt mà đổ xô trồng cây theo trào lưu, dễ dẫn tới bài toán “giải cứu” rồi mất đi giá trị nông sản Việt trên trường quốc tế”, Hiếu chia sẻ.

Theo THƯỢNG HẢI - QUANG DƯƠNG/ DÂN VIỆT 

Các tin khác