Sản xuất ván dăm từ trấu và vụn chỉ xơ dừa

Nhằm tận dụng nguồn sinh khối phế thải nông nghiệp, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, TS. Lâm Trần Vũ cùng các cộng sự thuộc Phân viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (TP.HCM) đã nghiên cứu, ứng dụng thành công sản xuất ván dăm từ trấu và vụn chỉ xơ dừa...

Theo TS. Lâm Trần Vũ thì các vật liệu có chứa cellulose đều có thể sản xuất ván dăm, tuy nhiên do tính chất cơ lý hóa khác nhau nên công nghệ sản xuất khác nhau. Trong nước đã có nhiều nghiên cứu về công nghệ sản xuất ván dăm từ các loại gỗ, tre, rơm rạ, xơ dừa, vỏ hạt điều… song công nghệ phối trộn trấu với vụn chỉ xơ dừa để sản xuất ván dăm thì đây là đề tài đầu tiên nghiên cứu tổng thể công nghệ sản xuất nguyên liệu này, từ quá trình xử lý nguyên liệu, chọn keo và tỷ lệ keo, tỷ lệ phối trộn, chế độ ép nhiệt đến trang trí bề mặt sản phẩm…

Trấu và vụn chỉ xơ dừa được nghiền qua lưới sàng lỗ ø6 mm, được khử bụi bằng cyclon rồi đưa vào sấy xuống độ ẩm 3 - 6%, sau đó được phân loại bằng sàng ra dăm mặt và dăm lõi rồi định lượng theo tỷ lệ phối trộn trấu/vụn chỉ xơ dừa là 6/4. Đem trộn keo UF hàm lượng chất khô 45 - 50%, dăm mặt trộn 15% keo, dăm lõi trộn 12% keo, dải thảm dăm theo tỷ lệ kết cấu ván 1:4:1. Thảm dăm sau đó được ép sơ bộ bằng thủ công hoặc máy với áp suất 2 - 3 at rồi đưa vào ép nhiệt nóng 150oC, thời gian 17 phút với áp suất ép là 20 kG/cm2. Trong quá trình ép nhiệt phải xả hơi nước 3 phút kể từ khi đóng khe trong 20 - 30 giây (tùy theo độ dày của ván).

Ván sau ép nhiệt được xếp chồng cho ổn định trong nửa ngày rồi đem cắt cạnh ngang, dọc, chồng đống ủ tiếp đủ 24 giờ mới xuất xưởng. Tùy theo yêu cầu thị trường, ván có thể đem chà nhám phẳng để dán veneer, dán formica hoặc giấy melamin. TS. Vũ cho biết, quy trình này cũng có thể áp dụng cho ván 100% vụn chỉ xơ dừa hoặc 100% trấu nếu trấu được xử lý xút cho sạch lông trấu bên ngoài và cám bên trong. Thời gian ép ván 100% trấu phải dài hơn ván phối trộn trấu với vụn chỉ xơ dừa khoảng 4 phút, vì trấu dẫn nhiệt kém hơn.

Sau khi nghiên cứu, đề tài đã chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm tại một số công ty thuộc thị xã Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), Q.12 (TP.HCM). Loạt đầu sản xuất thử nghiệm với trên 300 tấm chuẩn khổ 1,22 x 2,44, được kiểm định tại Trung tâm kỹ thuật 3 cho kết quả đạt và vượt tiêu chuẩn TCN04-1999 như về độ ứng suất uốn tĩnh 20,4 Mpa, độ giãn nở ngâm nước 7,42% (tiêu chuẩn 8%), lực bám đinh vít 1,04 kN (tiêu chuẩn 1,0 kN).

Theo KHPT


 

Các tin khác